Sau chiến thắng áp đảo của doanh thu tuần mở màn tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, cuối tuần này Johnny English: Tái Xuất Giang Hồ sẽ tiếp tục tấn công vào các thị trường khác, hứa hẹn sẽ là một cơn “đại địa chấn” khuynh đảo phòng vé toàn cầu.
Để đạt được những thành công lớn lao này, không chỉ có sự góp sức của dàn diễn viên với những tên tuổi sáng giá mà nổi bật trong đó là danh hài gạo cội Rowan Atkinson, mà còn nhờ đến những nỗ lực không ngừng nghỉ của toàn ê – kíp sản xuất, những người đứng sau những khung hình đẹp thơ mộng nhưng cũng không kém phần hoành tráng của Johnny English: Tái Xuất Giang Hồ. Hãy cùng vén màn bí mật hậu trường của siêu phẩm hài - hành động không thể bỏ qua trong tháng 9 này Johnny English: Tái Xuất Giang Hồ.
1. Bối cảnh thơ mộng, lãng mạn đậm chất Anh Quốc
Một đạo diễn giỏi luôn cần tới sự hỗ trợ của một đội ngũ sáng tạo tài hoa phía sau ống kính, và sau khi nhận lời tham gia dự án này, David Kerr đã lựa chọn cho mình một đội ngũ làm phim cực kỳ tài ba, trong đó phải kể tới Quay phim người Đức Florian Hoffmeister (Mortdecai, The Deep Blue Sea, A Quiet Passion, The Hamburg Cell) và Thiết kế sản xuất Simon Bowles (loạt Spooks: The Greater Good của kênh BBC).
Đối với Bowles, những công việc phải làm trong Johnny English: Tái Xuất Giang Hồ thực sự không mấy khác biệt so với những gì mà ông đã làm khi thực hiện một tập phim của loạt James Bond.
Khi được hỏi về những cảm nhận cá nhân của mình đối với Johnny English: Tái Xuất Giang Hồ, thiết kế sản xuất tài năng Simon Bowles hồi tưởng: “Khi bắt tay vào dự án này, tôi nhận thấy các tiêu chí mà nhà sản xuất đặt ra về mặt hình ảnh của bộ phim hoàn toàn giống như những gì mà tôi mong muốn. Thật tuyệt khi đây là một phim hài, nhưng tôi không muốn tiếp cận nó giống như một phim hài bình thường. Khán giả sẽ được đưa tới thế giới của Bond, và ở đó chỉ có Johnny English là người bất thường. Sẽ không có những bối cảnh hài hước hay những đạo cụ hài hước. Chính sự xuất hiện của Johnny English tại những không gian đó đã khiến chúng trở nên hài hước.”
Với khoản ngân sách chỉ bằng một phần nhỏ kinh phí thực hiện các bộ phim về Bond, các nhà làm phim đã phải tìm cách để dàn dựng những bối cảnh mang đúng phong cách Bond cho Johnny English: Tái Xuất Giang Hồ. Đa số các cảnh quay đều được thực hiện tại hiện trường, từ khu French Riviera giàu có sầm uất cho tới những dãy nhà mang phong cách Anh đặc trưng. Bên cạnh đó, nhóm thiết kế cũng đã có cơ hội để dàn dựng một số bối cảnh quan trọng, trong đó phải kể tới một du thuyền công nghệ cao, không gian bên trong của chiếc tàu ngầm và một nhà hàng sang trọng nằm tại French Riviera, nơi mà anh chàng điệp viên với trí thông minh “nghiêng nước đổ thùng” Johnny English đã vô tình thiêu rụi.
“Tôi muốn bối cảnh này phải thật chân thực, đó sẽ là một nhà hàng mà bạn thực sự mong muốn được đặt chân tới.” Bowles giải thích. “Chúng tôi đã quyết định dựng nhà hàng này trên phim trường vì nhóm sẽ phải ghi hình trong vòng 2 ngày tại đó, và dĩ nhiên trên trường quay, việc kiểm soát ngọn lửa sẽ dễ dàng hơn nhiều.”
Một bối cảnh hào nhoáng khác của bộ phim chính là du thuyền xa hoa của Volta. Bên cạnh những kết cấu được dàn dựng trên sân khấu, toàn bộ du thuyền này đã được dựng lên bằng công nghệ CGI, đơn giản là vì loại du thuyền mà Bowles mong muốn thực sự không tồn tại.
2. Thiết kế phục trang tỉ mỉ và sáng tạo
Thiết kế phục trang Annie Hardinge là người đã từng hợp tác với Rowan Atkinson kể từ những ngày đầu tiên trong sự nghiệp của mình. Trong thực tế, một trong số những bộ phim đầu tiên mà Annie đã tham gia với vai trò nhà thiết kế chính là The Black Adder – ở thời điểm đó Rowan chỉ mới 20 tuổi. “Liệu Rowan có thay đổi nhiều sau ngần đó năm hay không nhỉ? Anh ấy thực sự vẫn vậy, chỉ là già hơn một chút. Rowan luôn tôn trọng tất cả những người cùng làm việc với mình, và đó là một trong số những lí do khiến tôi rất thích được hợp tác với anh ấy.” Hardinge nói.
Với những kinh nghiệm làm việc với Rowan từ trước, Annie biết rất rõ kiểu trang phục phù hợp với nam diễn viên hài nổi tiếng này.
Nhà thiết kế phục trang còn hóm hỉnh tiết lộ thêm: “Rowan luôn nói rằng mình không hề biết gì về thời trang, nhưng trong thực tế, anh ấy có một quan điểm rất cụ thể về những gì mình sẽ khoác lên người. Nếu nhận thấy bộ trang phục đó không hiệu quả trong việc góp phần xây dựng hình ảnh cho nhân vật mà mình đảm nhận, Rowan sẽ không mặc nó.” Nhờ đó, Annie đã có thể loại bỏ rất nhiều nhãn hiệu thời trang không phù hợp và lựa chọn cuối cùng của bà là những bộ comple của Zegna và Prada.
Cũng như loạt phim Mission: Impossible hay James Bond, không một bộ phim về đề tài điệp viên nào lại không có sự hiện diện của một bóng hồng quyến rũ. Và với Johnny English: Tái Xuất Giang Hồ, Annie Hardinge đã thiết kế cho Olga những bộ váy áo đặc biệt để giúp nhân vật này thậm chí còn toả sáng hơn cả khi xuất hiện trong Quantum of Solace. “Olga là một cô gái cực kỳ xinh đẹp và có một phong cách thời trang độc đáo. Một diễn viên như vậy sẽ giúp công việc của tôi trở nên dễ dàng hơn nhiều. Tất cả những gì chúng tôi bàn bạc về trang phục của Ophelia đều nhằm làm nổi bật nét thanh lịch và tinh tế của nhân vật này, và nhóm đã lựa chọn những bộ váy áo đơn giản với màu sắc phù hợp, giúp tôn dáng vóc của Olga cũng như giúp cô ấy trở nên thực sự nổi bật mỗi khi xuất hiện.” Nhà thiết kế của phim cho biết.
“Ví dụ như đứng ở lâu đài với những bức tường đá màu xám, Ophelia sẽ mặc một chiếc váy màu đỏ của McQueen. Còn tại ngôi nhà của Volta, bộ váy áo kết hợp 2 màu sắc cam và đen của thương hiệu DVF là những gì mà cô ấy sẽ mặc trên người.”, Hardinge cho hay.
Đối với nữ diễn viên kỳ cựu Emma Thompson, việc lựa chọn phục trang cho bà lại không hề mất nhiều thời gian cho nhóm của Hardinge. Nhà thiết kế Johnny English: Tái Xuất Giang Hồ nói: “Chỉ trong vòng hơn 1 tiếng đồng hồ, chúng tôi đã lựa chọn được 5 tạo hình phù hợp cho cô ấy. Thật tuyệt khi được làm việc với Emma vì cô ấy là người phụ nữ cực kỳ quyết đoán. Với phân cảnh khi Thủ tướng đang tức giận, Emma muốn bà ấy sẽ mặc một bộ trang phục sáng màu, vì thế chúng tôi đã chọn màu hồng tươi – một màu sắc khá là gây tranh cãi nhưng nó thực sự phù hợp khi xuất hiện trong khung cảnh đó. Emma và tôi đã bàn bạc về điều này, và cô ấy nói rằng vì Thủ tướng là một người có nội tâm phức tạp nên nếu nghĩ rằng mình muốn mặc màu hồng, chắc chắn bà ấy sẽ mặc màu hồng. Tôi luôn thích những màu sắc rực rỡ, và vì tất cả những bộ suit của Thủ tướng đều được thiết kế một cách đơn giản nên màu sắc là thứ giúp chúng trở nên nổi bật.”
Tất cả các bộ cánh lộng lẫy của Thủ tướng trong Johnny English: Tái Xuất Giang Hồ đều tới từ thương hiệu Stella McCartney.
Ngược lại, tạo hình của Volta khiến nhân vật trở nên khác biệt hoàn toàn so với phong cách Anh điển hình. Hardinge miêu tả: “Đó là người đàn ông của áo phông và giày thể thao – ngược lại hoàn toàn so với Johnny và Bough. Vì Volta tới từ nước Mỹ nên chúng tôi muốn nhân vật này sẽ có một phong thái thoải mái, tự tin. Nhưng cũng chính vì vậy nên thoạt đầu Volta đã không được đánh giá cao trong cuộc gặp với Thủ tướng.”
3. Xe hơi và các thiết bị vũ khí độc, lạ
Đạo diễn phim David Kerr từng chia sẻ rằng: “Johnny rất thích các thiết bị chuyên dụng. Dù rằng có thể có những cách thức đơn giản hơn để hoàn thành nhiệm vụ của mình nhưng chắc chắn ông ấy sẽ sử dụng loại thiết bị mình yêu thích để đạt được điều đó. Thiết bị càng phức tạp thì Johnny lại càng cảm thấy hứng thú”. Quả thực, khi Johnny tới nhận những thiết bị hỗ trợ để thực thi nhiệm vụ lần này, ông nhận ra mọi thứ đã thay đổi hoàn toàn. Không còn súng đạn hay bất cứ thiết bị tiện ích nào nữa, thay vào đó là một chiếc điện thoại có thể làm-tất-cả. Và điều này đồng nghĩa với việc các nhà làm phim đã phải vận dụng hết trí tưởng tượng của mình để sáng tạo ra hàng loạt những thiết bị độc đáo.
Dĩ nhiên Johnny sẽ từ chối lao ra chiến trường khi không được trang bị những loại vũ khí cần thiết, vì sau tất cả, làm thế nào có thể chiến thắng công nghệ digital bằng phương pháp analog cơ chứ.
David cũng thừa nhận rằng nhóm thực hiện đã có những khoảng thời gian cực kỳ thú vị khi bàn bạc về những thiết bị analog cho Johnny. Dĩ nhiên, việc lựa chọn thiết bị chiến đấu cho mỗi nhân vật cũng là cách để các nhà làm phim có thể khắc hoạ rõ nét hơn về cuộc chiến giữa analog và kỹ thuật số. Tất cả những món đồ xuất hiện trong thế giới của Volta đều là sản phẩm của công nghệ hiện đại, từ chiếc điện thoại ba chiều cho tới khẩu súng trong suốt. Ngược lại, những phụ kiện mà Johnny sử dụng đều cực kỳ lạc hậu: những viên thuốc để giúp bạn tỉnh táo hoặc chìm vào giấc ngủ hay thuyền hơi.
Bất cứ một bộ phim về đề tài điệp viên nào cũng đều gây ấn tượng cho người xem với những chiếc xe độc đáo, và chắc chắn Johnny English: Tái Xuất Giang Hồsẽ không phải là một ngoại lệ. Là một người đam mê các loại xe cộ, Atkinson cho biết việc được mời góp ý xem Johnny sẽ lái loại xe nào trong tập phim này quả là một đặc ân lớn lao đối với bản thân anh. “Chúng tôi đã luôn luôn thức thời trong việc lựa chọn những chiếc xe mà Johnny sử dụng trong các tập phim trước. Nhưng với Johnny English: Tái Xuất Giang Hồ, chúng tôi có lí do để thay đổi điều đó.” Nam diễn viên nổi tiếng này cho biết. Và cuối cùng nhóm thực hiện đã lựa chọn một chiếc Aston Martin V8, một bản sao chính xác của chiếc xe mà Atkinson đã tự mua cho mình vào năm 1981.
“Tôi cho rằng đó là một chiếc xe hoàn hảo cho Johnny English.” Atkinson hài hước nhận định. “Trông nó mới ngầu làm sao. Thật tuyệt khi nhìn thấy một quả cà chua màu đỏ lăn trên đường trong ánh nắng mặt trời chói chang của vùng Cote D’Azur.”
Johnny English: Tái Xuất Giang Hồ chính thức khởi chiếu tại Việt Nam kể từ ngày 21.09.2018.