Về thăm xứ Gò Công

Vân Phạm| 29/10/2015 06:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tôi về thăm xứ nhạn trắng Gò Công khi đất trời vừa mới chuyển mùa, khắp nơi nồng nàn nắng gió. Đi giữa bạt ngàn hoa trái, tôi chợt nhớ tới những chủ nhân của vương quốc Phù Nam xưa.

Trên hành trình tiến hóa của mình, họ đã khởi tạo nên một nền văn minh rực rỡ ngay tại vùng đất vốn hoang vu nằm dọc sông Tiền.

Vùng đất cổ

Gò Công xưa kia là tên gọi của một tỉnh ở miền Tây Nam Bộ, nay là các huyện Gò Công Đông, thị xã Gò Công và huyện Gò Công Tây thuộc tỉnh Tiền Giang. Đây là vùng dân cư hình thành khá sớm ở Nam bộ. Thị xã Gò Công là trung tâm của tỉnh lị, là khu đô thị sầm uất với đậm nét kiến trúc cổ độc đáo bậc nhất ở vùng đất phương Nam. Dù phân bổ về mặt hành chính như thế nào thì từ xưa đến nay, Gò Công luôn là vùng “địa linh nhân kiệt”.

Cảm nhận rõ nét nhất khi đến với vùng đất cổ xứ “Nam kỳ lục tỉnh” này là cảnh sắc thiên nhiên tươi mới, hiền hòa, đô thị còn giữ được nét cổ kính đan xen khá hài hòa với những công trình hiện đại. Những dãy phố ô vuông, bàn cờ vẫn còn khá nhiều nhà cổ. Theo khảo sát của ngành chức năng, toàn tỉnh Tiền Giang hiện còn 350 ngôi nhà cổ thì thị xã Gò Công số nhà cổ chiếm đến 2/3. Đa số các dinh thự, nhà cổ Gò Công được xây dựng bằng ô dước trộn mật, kết dính với gạch mà không sử dụng bê tông, cốt thép như hiện nay.

Theo người dân ở đây thì cái tên gọi Gò Công bắt nguồn từ việc vùng đất này cao, có nhiều chim công hay còn gọi là Khổng Tước Nguyên sinh sống. Dọc dài con đường ra đến biển, thảng đâu đó có vị ngọt dịu của dưa mới trảy và mùi thơm nôn nao của mắm tôm chà Gò Công nhà ai đang chưng. Những ngôi nhà bình dị nằm hai bên đường mở toang đón gió như tấm lòng hồn hậu, dễ mến và chân thật đến bày cả gan ruột của người dân bản xứ.       

Về thăm xứ Gò Công    

Phụ nữ, trẻ con ở ấp Cầu Muống tỏa đi bắt con móng tay trên bãi biển

Đã là người Gò Công, hầu như ai cũng thuộc: “Phất cờ chống nạn xâm lăng/ Trương Công nghĩa khí lẫy lừng trời Nam”. Câu ca dao ấy như lời tri ân của người dân xứ nhạn trắng đối với “Bình Tây đại nguyên soái” Trương Định - người anh hùng vì nghĩa lớn đã xả thân cùng bà con chống giặc. Nghe rồi càng hiểu, càng thấm thêm cái khí tiết “còn một người Nam cũng sẵn sàng đánh giặc”, càng thêm cảm sự can trường, một lòng yêu nước của nông dân, sĩ phu Gò Công giữa thời buổi tao loạn, can qua. Người anh hùng ấy đã tuẫn tiết giữa chiến khu "đám lá tối trời", để lại tiếc thương vô hạn cho bao người.

“Đám lá tối trời” bất khuất trong lịch sử giờ đây cũng đã thưa đi nhiều do mấy năm nay, biển Gò Công bị xâm thực nặng nề. Song, những thân dừa nước ken đặc chân bùn, lá đan lá dọc vùng biển nơi đây vẫn mang lại cho khách phương xa cảm giác không thấy ánh sáng mặt trời của nghĩa quân Trương Định khi đứng giữa rừng dừa nước. Những đám lá năm xưa hừng hực khí thế tiến công giờ đây xào xạc yêu thương che chở cho hệ sinh quyển phong phú của rừng ngập mặn với ba khía, ốc len, ốc hương, tôm mũ ni… nối dài thêm quần thể 1.210ha rừng từ xã Vàm Láng đến ấp Đèn Đỏ (xã Tân Thành) bao gồm cả rừng phòng hộ, bãi bồi ven biển. Về Gò Công hôm nay, mặt biển loang loáng vui với năm sắc cờ đuôi nheo bay trên hàng trăm ghe thuyền đang neo đậu, rộn ràng tiếng nói cười mỗi sáng cào nghêu.

Tận dụng thế mạnh về nguồn lợi thiên nhiên

Qua Tân Thành, vòng Vàm Láng rồi chạy dọc đê biển Tân Thành, đi đến đâu, tôi cũng bắt gặp những thân thương. Có lẽ bởi chính cái vẻ ngoài chất phác, lành lẽ như thể lúc nào cũng sẵn sàng hết lòng với cả khách phương xa của người dân xứ biển. Hơn thế nữa, như một phần thưởng mà thiên nhiên hào phóng ban tặng cho những con người dạn dày sóng gió đã không quản ngại gian lao đến vùng đất sình lầy này khai hoang lập nghiệp, sản vật Gò Công vô cùng phong phú.

Chỉ mới mờ sáng, khắp các bãi biển đã thấy xôn xao. Đó là lúc cá tôm về bến. Tiếng của thương lái, của ngư dân khiến một vùng biển vắng chộn rộn hẳn lên và không gian đậm đặc mùi mằn mặn. Những người phụ nữ nhanh chóng phân loại cá và ướp đá để kịp chuyển đi bán trên thị xã. Khu vực bến cá này vừa mới được xây dựng vào năm 2013 nên rất khang trang, mang dáng dấp của một khu hậu cần nghề cá cỡ vừa. Kề đó là Trạm kiểm soát biên phòng đã được xây mới, nơi những chiến sỹ mang quân hàm xanh đã và đang làm nhiệm vụ quản lý và kiểm soát tàu thuyền ra khơi, vào lộng.

Về thăm xứ Gò Công

Những người đàn ông cào nghêu chuẩn bị ra biển từ lúc rạng đông

Với sự nhanh nhạy của mình, người Gò Công đã và đang biết tận dụng thế mạnh về nguồn lợi thiên nhiên. Nhắc đến vùng đất này, người ta thường nhớ đến một loại đặc sản nổi danh khắp vùng Nam Bộ, đó là mắm tôm chà. Mắm được làm từ con tôm đất, lúc nhiều trứng, nhiều gạch son. Khi bắt được những con tôm chưa đẻ, người ta đem về cắt đầu, cắt đuôi, ngâm rượu, quết trong cối nhỏ, thêm gia vị và muối ớt, sau đó mới đem chà. Đây là công đoạn khó và đòi hỏi sự khéo léo nhất. Chà tôm lên mặt rổ dày làm sao cho khéo để tôm rơi xuống như thứ bột lỏng, có màu đỏ, màu gạch. Rồi mang bột lỏng đó phơi cho quánh lại trước khi được đóng kín vào các chai nhỏ đem đi tiêu thụ.

Ở Gò Công còn có một nghề truyền thống nữa, đó là đóng tủ thờ. Thợ mộc ở Gò Công được nổi danh nhờ áp dụng kiểu tủ Pháp (kiểu thời vua Louis XVIII) để làm tủ thờ, tức là cái bàn thờ cao ngày trước, đặt trước giường thờ. Người trong nghề mộc gọi kiểu tủ Pháp cải tiến ấy là “tủ Gò Công”, nghĩa là theo mô thức mà người thợ ở Gò Công sáng tạo. Nghề đóng tủ nói trên, nhiều xã ở Gò Công có thợ, nhưng nổi danh nhất có lẽ ở Bình Xuân. Ngày nay, kiểu tủ này vẫn còn thông dụng, nhưng mặt trước không uốn cong, lại cẩn xà cừ, tuy nhiên vẫn còn dấu ấn của tủ Gò Công khi xưa: Phía trước không mở cửa, vả lại, gỗ quý ngày càng hiếm, thợ có tay nghề cao cũng mai một.

Đổi mới từng ngày 

Công bằng mà nói, so với Nha Trang, Vũng Tàu, Sầm Sơn, Cửa Lò… thì biển Tân Thành với bãi cát đen pha bùn không hấp dẫn du khách là bao. Song chính vẻ hoang sơ với bãi cát dài, những chiếc chòi canh nghêu cô liêu trên sóng và những người đàn ông cào nghêu đi cà kheo chênh vênh lại là một điểm nhấn ở đây. “Sân nghêu” Tân Thành nổi tiếng cả nước với sản lượng cao nhất và chất lượng thịt nghêu ngon nhất đã tạo nên nhiều “kiện tướng nuôi nghêu” như ông Trần Văn Chỉ và “vua nghêu giống” như ông Trần Văn Vinh - nhà khoa học chân đất đã thành công trong sinh sản nhân tạo nghêu, cung cấp cả tỷ con nghêu giống mỗi năm cho đồng bằng sông Cửu Long.

Khi cánh đàn ông bận mải giữa “sân nghêu” ngoài khơi thì những phụ nữ và trẻ em cũng có công việc của mình trên bãi cát đen. Thân thiện và cởi mở, hai mẹ con chị Nhạn ở ấp Cầu Muống chỉ cho khách cách bắt con móng tay. Đồ nghề của họ đơn giản chỉ có một chiếc rổ nhỏ, một que tre dài 20cm và một ống vôi đã tôi. Chị Nhạn bảo, để bắt được con móng tay không khó, quan trọng là phải kiên trì và nhanh tay. Mặt cát mịn song vẫn có những lỗ nhỏ li ti, chỉ cần giậm chân xuống cát, nếu thấy có bọt nổi lên là chấm que vào ống vôi rồi chọc xuống cát, chỉ vài giây sau, móng tay bị vôi hun nóng sẽ trồi lên. Và, phải thật nhanh tay túm lấy trước khi nó lặn xuống cát. “Mỗi ngày tui đi bắt từ sáng khi nước ròng cho tới trưa nước lớn ngập bãi cũng được 1-2kg, thu gần trăm ngàn. Nếu chịu khó cũng đủ tiền nuôi lũ trẻ ăn học”, chị Nhạn chia sẻ.

Trước kia, khi đến Gò Công, người ta cũng không khỏi chạnh lòng bởi những đứa trẻ đang tuổi thiếu niên phải lần mò mưu sinh khi chúng đang tuổi đến trường. Các lớp học xóa mù chữ của các đồn biên phòng đứng chân trên địa bàn chỉ đạo tạo hết cấp 1, nếu muốn học lên thì các em và gia đình phải tự vận động. Song tâm lý “có học nhiều cũng chỉ bám lưới, bám ghe” đã ngáng trở con đường đến với tri thức của các em. Nhưng vài năm trở lại đây, nhờ sự tuyên truyền vận động của chính quyền cũng như của các ban ngành đoàn thể, nhận thức của người dân đã có nhiều thay đổi. Họ đã biết quan tâm hơn đến chuyện cho con cái học hành.

Hơn thế nữa, để phát huy tiềm năng du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương, năm 2014, tỉnh Tiền Giang đầu tư hàng trăm tỷ đồng để phát triển du lịch, trong đó có hạng mục Khu du lịch sinh thái biển Tân Thành - Hàng Dương. Đất và người nơi đây đang đứng trước một sự thay đổi lớn nhưng tình cảm của những người dân Gò Công cũng như biển nơi đây không ngừng được bồi đắp, tạo nên những phì nhiêu dung dưỡng cuộc đời.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Về thăm xứ Gò Công