Lên Tây Bắc mùa này rét lắm, những cơn gió lạnh thốc vào da thịt, khô rát nhưng trước một khoảng rừng miên man màu vàng của cây cúc quỳ, người ta có thể tung khăn, bỏ mũ để gió lùa vào da thịt, lẫn trong cát bụi là cảm giác sảng khoái trong lành.
Tọa lạc trên những ngọn đồi, đồn của những chiến sỹ biên phòng Tây Bắc mùa này rét lắm. Chỉ có gió, cây rừng và những lần đi tuần đường biên song với bộ đội biên phòng Tây Bắc thì ngoài nhiệm vụ bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, các anh còn đảm nhiệm trọng trách nặng nề khác, đó là đảm bảo an ninh trật tự và giúp đồng bào phát triển kinh tế.
Khoác những bộ trang phục màu lá cây rừng, lính biên phòng xuất hiện trên đường biên, nơi cột mốc, trong xóm bản và hiện diện cả trong những bữa ăn của các học sinh nghèo. Những bữa cơm tình nghĩa ấy không chỉ có rau của gia đình các em mà còn là một phần khẩu phần ăn của những người lính quân hàm xanh này được các anh san sẻ cho các em.
Tây Bắc, xa mà gần…
Gió heo may, nắng hanh hao và từng vạt cúc quỳ vàng chói cả một khoảng rừng, xen lẫn nhiều loại hoa rừng khác là nét nổi bật của núi rừng Tây Bắc mỗi khi bước vào mùa hanh khô, giá lạnh. Đại tá Phạm Bá Lanh, Chủ nhiệm chính trị Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên thủ thỉ: “Ngày trước, đồng bào chỉ biết nhìn vào cây, vào hoa để xem năm tháng. Họ bảo, khi nào cây lau trổ bông là mùa khô bắt đầu, còn khi nào cây chó đẻ nở hoa trắng rừng thì Tết đến”.
Tây Bắc đẹp nhất vào mùa khô bởi đường lên xa vút, ngút ngàn trong mây, trong sương và bạt ngàn hoa lá. Dường như mọi tinh túy của đất, của cây rừng và cả con người nữa đều dồn cả vào những thời khắc cuối năm. Không còn những con đường nhão nhoẹt vì mưa rừng, lũ quét khiến người ta muốn đi ra khỏi nhà, xuống bản cũng thấy ngần ngại; không còn những cành cây non tơ vươn bút lên đón nắng mưa, sương gió và những bận rộn mùa màng cũng tạm gác lại. Mùa khô đến, cây cối đơm hoa sau một năm tích lũy hương, nhựa; mùa màng cũng đã gặt xong, đất hóng nắng, phơi màu chờ đợi vụ sau, chỉ có sót lại những đống rơm, rạ và từng khóm cây ngô đứng chụm vào nhau trên đồng ruộng. Gạo đã được xay giã, ngô cũng được bóc tẽ, chum lớn, chum bé cũng đã được cọ rửa, chuẩn bị cho những mẻ rượu ngô đón Tết, đãi khách xa gần.
Từ Hà Nội lên Điện Biên, thủ phủ của vùng Tây Bắc, phải đi mất nửa ngày đường xe khách mới tới nơi. Quốc lộ 6 giờ đường đã phong quang, rộng mở nhưng vẫn còn đó những dốc, những đèo, những khúc cua tay áo khiến chúng tôi, những người con dưới xuôi, chỉ biết đi đường bằng, dù đã thắt dây an toàn trên chiếc giường nằm vẫn thấy lạnh gáy. Chợt nhớ lại khi xưa, thời cha ông ta chân trần, gánh nặng, cắt rừng, băng suối đưa súng đạn lên Điện Biên quyết một trận sống mái với quân Pháp xâm lược mà thấy sao mình thật kém cỏi thế.
Bộ đội Biên phòng Thanh Luông hướng dẫn bà con kỹ thuật nuôi bò sinh sản
Lên Tây Bắc mùa này rét lắm, những cơn gió lạnh thốc vào da thịt, khô rát nhưng trước một khoảng rừng miên man màu vàng của cây cúc quỳ, người ta có thể tung khăn, bỏ mũ để gió lùa vào da thịt, lẫn trong cát bụi là cảm giác sảng khoái trong lành. Cứ ngỡ cúc quỳ chỉ có ở Tây Nguyên, ai ngờ màu vàng thẫm ấy cũng có mặt ở Tây Bắc, bạt ngàn đến ngút tầm nhìn, xen lẫn giữa lau lách và màu trắng li ti, mờ ảo của từng vạt cây chó đẻ. Xuân đã sắp về rồi đấy. Khói bếp vương lên những rặng cây từ rất sớm, thoảng trong gió là mùi rơm rạ, mùi nồng ngái của cây cỏ chưa khô và không thể thiếu được hương vị thơm nồng của nồi chưng cất rượu từ ngô thế nhưng với lính biên phòng Tây Bắc thì mùa khô là mùa chiến dịch. Tội phạm vẫn thường lợi dụng thời điểm cuối năm, lợi dụng thời tiết khô ráo để tích cực hoạt động và những chiến sỹ miền biên viễn lại căng sức để đấu tranh, phòng chống.
Nghĩa tình bát cơm sẻ nửa
Đồn biên phòng Thanh Luông (Điện Biên) tọa lạc trên đỉnh núi, phong cảnh nên thơ bởi gần đó có mỏ nước khoáng Hua Pe, xe tải vào chở nước đóng bình, đóng chai tấp nập. Chính trị viên Nhâm Văn Mạnh hóm hỉnh: “Thanh Luông cái gì cũng sạch, từ nước uống”. 48 cán bộ chiến sỹ, nhìn quanh chỉ có hơn chục người còn thì đi hết. Nhóm đi tuần đường biên, kiểm tra cột mốc, nhóm vào bản giúp dân sản xuất, hỗ trợ tổ tự quản đẩy đuổi, triệt phá các tụ điểm tiêm chích, buôn bán lẻ.
Khi chúng tôi xuống xã Thanh Luông, Thiếu tá Trần Đình Hường đang cuốc đất với gia đình ông Quàng Văn Miến ở đội 15, để trồng cây vụ đông. Theo anh Hường thì ở Thanh Luông chủ yếu là người Thái, Khơ Mú và người Tày nên nếp ăn, nếp nghĩ của đồng bào vẫn theo lối tự nhiên. Những ngày đầu vận động thật khó bởi người dân đã quen sống với tập quán: Người ở trên sàn, vật nuôi sống bên dưới. Từ khi bộ đội về ba cùng với dân (ăn cùng, ở cùng, làm cùng) tính đến nay đã có hơn 10 hộ trong xã được biên phòng Thanh Luông giúp phát triển kinh tế, được bà con trong bản nhìn vào học tập. Trưởng bản Hua Pe Lường Văn Thiện mới 32 tuổi kể, năm ngoái làm theo biên phòng thu được mấy tấn cá, năm nay lại tiếp tục thả.
Rời Điện Biên, chúng tôi xuôi về Sơn La để rồi dừng chân ở bản Buốc Pát, thuộc xã Lóng Sập, huyện Mộc Châu - nơi có 100% trẻ em đến trường nhờ bát cơm ấm tình quân dân của các chiến sỹ đồn biên phòng cửa khẩu Lóng Sập. Theo Trung tá Đỗ Văn Đông, Chính trị viên đồn Biên phòng cửa khẩu Lóng Sập, người đã lăn lộn nhiều năm trên trận tuyến đấu tranh với tội phạm ma túy thì 70% số vụ, đối tượng và tang vật vụ án phạm tội về ma tuý do Bộ đội biên phòng tỉnh Sơn La bắt giữ, khởi tố đều xảy ra trên địa bàn tuyến biên giới huyện Mộc Châu, mà nhiều nhất là bản Buốc Pát. Có thời điểm cả bản có 14 hộ dân thì 12/14 hộ có người đi tù, đi cai nghiện và chết vì ma túy. Ma túy đã khiến Buốc Pát trở nên xơ xác, chỉ còn những người già hom hem bên những đứa trẻ rách rưới.
Các chiến sỹ Đồn Biên phòng Lóng Sập tuần tra bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân vùng biên
Nằm cách Buốc Pát không xa nên hình ảnh những đứa trẻ với đôi mắt trong veo, ngơ ngác đã trở thành nỗi khắc khoải trong lòng những người lính Đồn Biên phòng cửa khẩu Lóng Sập. Từ năm 2010 đến nay, cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng cửa khẩu Lóng Sập thường xuyên có mặt ở bản, giúp người dân Buốc Pát cân gạo túi mì và giúp họ trồng, cấy. Không chỉ giúp dân cây, con để phát triển kinh tế, các anh còn khuyến khích các em nhỏ tới trường bằng một bữa ăn miễn phí bớt từ những đồng lương ít ỏi của các anh.
Theo thầy giáo Lê Bá Thành, giáo viên điểm trường Buốc Pát thì hàng ngày, cứ 5 giờ sáng, Đồn Biên phòng cửa khẩu Lóng Sập đã cho người đưa cơm và thức ăn xuống điểm trường phân phát cho các em học sinh. Từ đó, số học sinh đến lớp nhiều hơn, đến nay 100% học sinh trong độ tuổi đến trường, nhà trường không phải đi từng nhà vận động như trước nữa.
Đại úy Đinh Gia Hưởng, Phó Đồn trưởng nghiệp vụ Đồn Biên phòng Lóng Sập nói: Các gia đình ở Buốc Pát còn khó khăn, nên trẻ em cũng phải đi làm thuê hay lên nương... Khi đưa ra ý tưởng hỗ trợ các em một bữa cơm mỗi khi các em lên lớp, chúng tôi đã thống nhất “bữa ăn ngày hôm đó, các chú bộ đội ăn gì thì các cháu ăn như thế”. Đây là việc làm xuất phát trong quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị về “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Cán bộ, chiến sỹ trực tiếp mang cơm lên cùng với các thầy cô chia cơm cho từng cháu và tổ chức cho các cháu ăn tại lớp. Thầy cô giáo hay phụ huynh phấn khởi bao nhiêu thì chúng tôi cũng hạnh phúc bấy nhiêu. Bởi đơn vị đã cùng với cấp ủy, chính quyền cơ sở giải quyết được vấn đề khó, giúp các cháu nhỏ được đi học...
Tạm biệt Đồn Biên phòng Lóng Sập khi ráng chiều đỏ ối phía sau, chúng tôi quay về xuôi, đem theo những nghĩa tình của người lính xa quê, giản dị mà sâu sắc. Gian khổ của người lính miền biên viễn không thể nói bằng lời; nó ẩn hiện trong những đĩa muối chanh đặc ớt, cay đến đổ mồ hôi ròng ròng giữa thời tiết giá rét; là nồi canh độc món rau cải suốt mùa khô với ớt băm nhỏ… Cuối năm, Tết đến, dù công việc bận rộn thế nào thì ngay từ lúc này, khi xuân vẫn còn ngấp nghé ngoài biên giới, những người lính biên phòng đã sẵn sàng mũ áo, chuẩn bị bánh kẹo để vào bản ăn Tết với dân, vui buồn với dân và cũng từ dân để tìm ra những tên tội phạm, từng bước mang lại cuộc sống thanh bình cho đồng bào vùng biên cương.