Vé số bán dạo thời Covid

Đặng Đức- Bích Ngọc| 07/03/2021 07:30
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Covid-19 tác động mạnh đến đời sống người dân ở nhiều quốc gia, nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng dẫn đến thu nhập cùng sức mua bị suy giảm nghiêm trọng. Với những người làm công việc bán vé số dạo ở nước ta, đại dịch Covid-19 đã khiến công cuộc mưu sinh của họ ngày càng trở nên vất vả, chật vật.

“Thông thường vào những tháng đầu xuân năm mới vé số bán rất chạy, và những người đi bán vé số dạo đều có thể sống khỏe khi mỗi ngày bán kiếm mấy trăm ngàn đồng. Thế nhưng, năm nay do đại dịch Covid-19 bùng phát và kéo dài, điều kiện kinh tế khó khăn, nên ít người có tiền mua vé số vì thế những người bán dạo như chúng tôi đều sắp chết đói hết rồi…”. Đó là tâm sự của bà Nguyễn Thị Lan (62 tuổi, quê xã Ân Đức, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định), một người bán vé số dạo tại khu vực phường Hiệp Phú, Phước Long A, Phước Long B (TP.Thủ Đức, TP.Hồ Chí Minh).

Đây không chỉ là sự buồn của riêng bà Lan, mà còn là nỗi niềm chung của hết thảy những người hành nghề bán vé số dạo tại TP.Thủ Đức, TP.Hồ Chí Minh nói riêng, cũng như các tỉnh thành phía Nam nói chung…. Vé số bán quá ế ẩm, thu nhập giảm, khiến không ít người phải… chuyển nghề, hoặc tạm ngưng bán.

Người mua ít, thu nhập giảm

Những năm trước, vào dịp đầu năm, ngồi ở bất cứ quán cà phê hay một tiệm ăn nào bên lề đường tại TP.Hồ Chí Minh, người ta cũng sẽ “cảm nhận” được mức tiêu thụ của vé xổ số truyền thống mỗi ngày là rất lớn. Nhiều người mua xổ số với tâm lý cầu may, nếu trúng được giải đặc biệt thì biết đâu sẽ được… đổi đời. Nhưng cũng có những người chơi và mua vé số chỉ với tâm nguyện giúp đỡ những những người bán vé số có hoàn cảnh khó khăn. Người bán vé số dạo đông, mà người mua vé số cũng nhiều.

Thế nhưng suốt cả năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, đại dịch Covid-19 bùng phát và hoành hành kéo dài khiến nền kinh tế toàn cầu hiện bị ảnh hưởng nặng nề. Covid-19 tác động mạnh đến đời sống người dân ở nhiều quốc gia, nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng dẫn đến thu nhập cùng sức mua bị suy giảm nghiêm trọng. Với những người làm công việc bán vé số dạo ở nước ta, đại dịch Covid-19 đã khiến công cuộc mưu sinh của họ ngày càng trở nên vất vả, chật vật.

ve-so-dao-thoi-e-am(1).jpg
Bán vé số dạo thời dịch bệnh vô cùng ế ẩm vì rất ít người mua

Chị Trần Kim Anh (39 tuổi, quê xã Điện Hồng, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), hiện đang bán vé số tại khu vực quận Bình Thạnh, TP.Hồ Chí Minh, cho hay: “Vào Sài Gòn bán vé số đã được gần chục năm nay, nhưng chưa khi nào tôi thấy vé số bán ế ẩm như năm nay. Mọi năm, trung bình mỗi ngày tôi lấy 500 vé từ đại lý đi bán, và đều bán hết tới 90% số vé lấy buổi sáng, nghĩa là ít nhất cũng bán được cỡ 400 vé/ngày, vậy mà từ cuối năm 2020, bước sang đầu năm 2021 tới giờ, chưa có ngày nào là tôi bán hết nổi 150 tờ vé số…”, chị Kim Anh ngán ngẩm nói.

Còn bà Lê Thị Thương (67 tuổi, quê xã Quảng Phú, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa), đã vào Sài Gòn “lập nghiệp” bằng công việc bán vé số dạo từ 15 năm nay, thì thở dài nói: “Có ngày tôi đi bộ bán vé số cả chục km, băng qua 3 quận, đi mỏi chân mà chỉ bán được chưa đầy 100 tờ vé số, trong khi các năm trước, khi chưa có dịch tôi chỉ bán dạo qua dăm con phố đã được số lượng ngần ấy. Mấy tháng nay khi tôi đi bán, mời người ta rất ít mua vé, kể cả lúc trước nhiều người vẫn luôn mua ủng hộ tôi mỗi ngày vài ba vé, thì dịp này mời họ cũng không mua, luôn lắc đầu…”.

Người bán vé số thì than ế ẩm, còn những người thường mua vé số với hy vọng biết đâu sẽ “đổi đời” nếu trúng giải đặc biệt cũng không khá khẩm hơn. Thu nhập giảm, túi tiền không mấy dư dả nên cần phải tiết kiệm, “thắt lưng buộc bụng” trong mọi chi tiêu, để duy trì cuộc sống.

Hỏi chuyện anh Nguyễn Văn Hồng, (47 tuổi, sinh sống tại đường Tân Lập 1, phường Hiệp Phú, TP. Thủ Đức- TP.Hồ Chí Minh), làm xe ôm, được biết trước đây anh vẫn đều đặn mua mỗi ngày dăm bảy tờ vé số để… cầu may với hy vọng đổi đời. Thế nhưng, thời gian gần đây anh rất hiếm khi mua. Lý do đơn giản là vì thu nhập từ việc chạy xe ôm giảm nhiều nên anh không có tiền dư để mua vé số như trước, trong khi còn phải tằn tiện để phục vụ ăn uống, sinh hoạt cho gia đình.

ve-so-dao-thoi-e-am2.jpg
Người mua vé số ít hơn

Trong khi đó, chị Lý Thị Thanh (42 tuổi, nhà ở một con hẻm nhỏ trên đường Tây Hòa, phường Phước Long A, TP.Thủ Đức, TP.Hồ Chí Minh), bán hủ tiếu gõ bên lề đường, mọi khi vẫn đều đặn mua ngày ít nhất là 5 tờ vé số để… hy vọng. Vậy nhưng hơn một năm nay, từ khi dịch Covid-19 bùng phát lây lan dai dẳng, chị bảo rất hiếm khi mua, và nếu có mua thì cũng chỉ mua 1 đến 2 tờ với tâm nguyện giúp đỡ người bán, vì khách vắng, tiền kiếm được từ xe hủ tiếu chỉ đủ sống mà thôi.

Chuyển nghề

Công việc bán vé số dạo ế ẩm, thu nhập giảm, nên rất nhiều người làm nghề này đã chuyển qua làm các công việc khác để kiếm tiền sinh sống.

Chị Nguyễn Thị Hoa (42 tuổi, quê An Giang, hiện trọ tại phường Linh Tây, TP. Thủ Đức, TP.Hồ Chí Minh), đã ngưng bán vé số dạo từ trước Tết và chuyển sang làm việc lau dọn nhà cửa cho các gia đình có nhu cầu. Được biết, chị Hoa từng có 3 năm bán vé số dạo tại TP. Châu Đốc ở quê nhà, trước khi lên Sài Gòn làm công việc này được 6 năm.

Chị kể: “Năm ngoái, đi bán vé số cả mấy tháng số tiền kiếm được không đủ chi tiêu, dẫu chỉ là mức tằn tiện nhất, vì vậy tôi quyết định ngưng lại để chuyển qua công việc làm ô sin lau dọn nhà cửa. Công việc mới này dẫu cũng vất vả nhưng thu nhập khá hơn chút ít so với bán vé số dạo ở thời dịch bệnh này”.

Thế nhưng, chị Hoa cũng cho biết, “đây chỉ là công việc tạm thời mang tính chất cầm cự, chứ mai mốt Covid-19 được khống chế và chấm dứt, tôi lại đi bán vé số…, bởi bán vé số là công việc tôi làm từ lâu, hơn nữa nó cũng cho thu nhập ổn định, mặc dù mỗi tháng tích cóp không quá nhiều nhưng cũng sống được…”.

ve-so-dao-thoi-e-am3(7).jpg
Vé số bán dạo ế ẩm khiến nhiều người chuyển nghề hoặc về quê sống chờ hết dịch

Còn chị Lý Thị Thương (37 tuổi, quê Phú Yên, hiện đang thuê trọ gần Bến xe Miền Đông (cũ) tại quận Bình Thạnh), cũng đã ngưng công việc bán vé số dạo, chuyển qua bán hũ tiếu gõ từ đầu năm 2021. Trước kia cả chị và chồng đều bán vé số dạo, khi vé số ế ẩm, hai vợ chồng đã bàn tính và đi đến quyết định mở bán hủ tiếu gõ ngay tại đầu con hẻm gần chỗ thuê trọ.

Chị Thương cho hay, thu nhập từ bán hủ tiếu gõ cao hơn chút đỉnh so với bán vé số thời dịch bệnh ế ẩm, nhưng chưa thể bằng lúc bình thường như khi chưa có dịch Covid-19. Chính vì vậy, dự định mai mốt hết dịch, có thể chị vẫn quay lại công việc bán vé số dạo, còn chồng chị sẽ đứng “làm chủ” xe hủ tiếu gõ…

Qua tìm hiểu chúng tôi thấy, do ế ẩm, kiếm ăn khó khăn nên ngoài việc tạm thời chuyển nghề sang làm các công việc khác để duy trì cuộc sống như làm giúp việc lau dọn nhà cửa, chạy bàn, rửa đĩa chén ở quán ăn, quán nhậu, phụ bán hàng, giao hàng…, không ít người bán vé số dạo trở về quê tạm nghỉ ngơi đợi hết dịch rồi lại lên thành phố tiếp tục “hành nghề”. Bởi với họ, khi dịch Covid-19 qua đi, kinh tế hồi phục, cuộc sống của hết thảy mọi người đỡ vất vả, công việc bán vé số dạo sẽ lại là nghề… sống được.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vé số bán dạo thời Covid