Nghị quyết 8-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Hội nghị lần thứ 7 BCH Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách BHXH yêu cầu điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cần có tầm nhìn dài hạn và có lộ trình phù hợp với tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, thất nghiệp...
Các chuyên gia chỉ rõ, tăng tuổi nghỉ hưu về bản chất là tăng tiền đóng BHXH và giảm thời gian hưởng lương hưu. Nước ta đang trong thời kỳ dân số vàng nhưng cũng đồng thời lại đang trong quá trình già hóa dân số nên việc tăng tuổi nghỉ hưu càng cần phải có lộ trình phù hợp nhằm giảm tác động tới các vấn đề xã hội. Số liệu về hàng chục vạn cử nhân thất nghiệp càng cho thấy việc kéo dài tuổi về hưu cần cân nhắc thận trọng.
Trong bối cảnh ấy, dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) vẫn được bàn thảo sôi nổi để sớm thống nhất trình Quốc hội thông qua. Trong nội dung sửa đổi có nội dung đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động (NLĐ) đã gây ra nhiều tranh luận.
Theo Ban soạn thảo, có 2 phương án tăng tuổi nghỉ hưu cụ thể như sau: Với phương án 1: Kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của NLĐ trong điều kiện bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ. Sau đó, theo lộ trình cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ, cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.
Còn phương án 2 cũng vẫn là nam 62 tuổi, nữ 60 tuổi nhưng theo lộ trình khác một chút. Cụ thể, bắt đầu từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của NLĐ trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 4 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 6 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ, cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi…
Tại các hội thảo và các diễn đàn góp ý cho dự thảo, các chuyên gia cho rằng ban soạn thảo cần lưu ý đến những tác động gây ảnh hưởng đến thị trường lao động do ảnh hưởng đến việc làm của lao động trẻ. Ngoài ra, việc tăng tuổi nghỉ hưu tỏ ra không phù hợp với NLĐ trong các nghề nghiệp nặng nhọc, độc hại. Các khảo sát về lao động nữ ngành dệt may cho thấy chị em khó có thể làm việc đến khi 60 tuổi. Nhiều người sẵn sàng hưởng chế độ BHXH một lần để nghỉ hưu trước khi đủ 55 tuổi.
Từ đó các chuyên gia và cán bộ công đoàn đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu cần thực hiện theo các nhóm NLĐ trực tiếp sản xuất, đừng căn cứ vào nhóm NLĐ khu vực hành chính sự nghiệp “ăn trắng mặc trơn” ngồi phòng máy lạnh để kéo dài tuổi hưu của lao động nữ lên 60 tuổi.
Tại các hội thảo về vấn đề này, lãnh đạo Tổng LĐLĐ đồng ý với phương án 1, song đề nghị phải có lộ trình nhằm giảm các tác động không tốt đến các chính sách kinh tế - xã hội tổng thể. Riêng đối với những đối tượng đặc thù, có thể giao cho Chính phủ quy định chi tiết theo hướng xem xét để có lộ trình tăng chậm hơn hoặc có các chính sách hỗ trợ linh hoạt, không gây tác động tiêu cực đến thị trường lao động.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng nên giữ nguyên quy định hiện hành vì sửa đổi tuổi nghỉ hưu mà lợi bất cập hại thì không nên sửa. Không nên đánh đồng tuổi nghỉ hưu của các đối tương rất khác nhau trong sản xuất công nghiệp với hành chính sự nghiệp. Bên cạnh đó, việc thay đổi chính sách lao động có thể sẽ phá vỡ cam kết giữa Nhà nước và NLĐ.