Cầu Long Biên là cây cầu thép đầu tiên bắc qua sông Hồng tại Hà Nội, do Pháp xây dựng từ năm 1899 và hoàn thành vào năm 1902. Long Biên từng là một trong bốn cây cầu dài nhất thế giới và nổi bật nhất Viễn Đông vào thế kỷ 19.
Từ khi xây dựng đến nay, cầu Long Biên đã chứng kiến biết bao thăng trầm của lịch sử suốt hơn 100 năm qua, chịu sự tàn phá nặng nề của bom đạn qua hai cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Cầu Long Biên vào lúc hoàng hôn. Cây cầu lịch sử qua sông Hồng nối hai quận Hoàn Kiếm và Long Biên
Người Hà Nội có câu thơ rằng:
Hà Nội có cầu Long Biên,
Vừa dài vừa rộng bắc trên sông Hồng
Tàu xe đi lại thong dong,
Người người tấp nập gánh gồng ngược xuôi.
Sau chùa Một Cột và quần thể Tháp Bút - đền Ngọc Sơn thì cầu Long Biên là một trong những hình ảnh đặc trưng, đẹp và độc đáo về văn hóa, lịch sử Hà Nội do con người tạo nên. Và với người Hà Nội, cầu Long Biên không chỉ là cây cầu đầu tiên nối đôi bờ sông Hồng, mà còn là một chứng tích lịch sử không thể tách rời với Thủ đô trong suốt thế kỷ XX.
Ngày 13-9-1889, viên đá đầu tiên đã chính thức được toàn quyền Paul Doumer đặt xuống tại vị trí mố cầu bên bờ tả ngạn sông Cái, tức sông Hồng ngày nay. Cầu có chiều dài là 1.862m, gồm 19 nhịp dầm thép và đường dẫn xây bằng đá. Giữa cầu có đường ray đơn dành cho tàu hỏa. Hai bên cầu có đường dành cho xe cơ giới và người đi bộ. Sau gần 3 năm thi công, ngày 28-2-1902, cầu đã chính thức được khánh thành và đặt tên là cầu Doumer.
Sau ngày Hà Nội giải phóng, cầu được đổi tên thành cầu Long Biên. Cầu Long Biên đẹp ở kiểu dáng, độc đáo ở thiết kế và chất liệu xây dựng, đã trở thành cây cầu có chiều dài lớn thứ hai thế giới và nổi bật nhất Viễn Đông lúc bấy giờ.
Đất nước vươn lên những tầm cao, Thủ đô ngày càng lớn mạnh, thay đổi nhưng giá trị biểu tượng của cầu Long Biên vẫn mãi trường tồn.
Cây cầu do thực dân Pháp xây dựng với ý đồ khai thác thuộc địa lần thứ nhất và phục vụ việc đàn áp các phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp của người dân Bắc kỳ. Chính vì vậy mà cây cầu đã được xây dựng bằng rất nhiều xương máu của người Việt Nam. Đến ngày nay, cây cầu còn đứng vững cũng là nhờ vào công sức bảo vệ, giữ gìn của những người Việt Nam yêu nước.
Cầu Long Biên đã cùng người dân Thủ đô kiên cường, vững vàng trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Cầu Long Biên là chứng nhân của lịch sử và bản thân Long Biên cũng lại trở thành lịch sử với những ngày Tháng Tám long trời chuyển đất, và cây cầu đã hiên ngang đón những đoàn quân chiến thắng rầm rập tiến về giải phóng Thủ đô.
Cũng là cầu Long Biên, những ngày mùa Thu năm 1954, đã chứng kiến những người lính viễn chinh Pháp cuối cùng rút khỏi Hà Nội. Tại đây, cũng từ cầu Long Biên, những khẩu pháo ngạo nghễ cùng sông nước quật cổ lũ giặc trời, cùng cả nước đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại đi tới một Điện Biên Phủ trên không chấn động địa cầu. Trong những năm tháng khói lửa ấy, cầu Long Biên đã bị ném bom 14 lần, đã có 9 nhịp cầu bị đánh gục và 4 trụ bị hư hỏng nặng, nhưng cây cầu lịch sử vẫn hiên ngang đứng vững.
Viết về những ngày oai hùng ấy, thi sĩ Xuân Quỳnh đã từng thốt lên: Cầu Long Biên - đó là tên cầu cũ Bắc qua sông bằng sắt thép già nua Chiếc cầu ấy biết bao lần giặc phá Không thanh sắt nào không vết đạn bom xe vẫn chạy trên chiếc cầu chắp vá Tàu hỏa, ô tô có đoạn phải chung đường cầu Long Biên đã thực sự trở thành chứng nhân lịch sử, dấu tích văn hóa lịch sử đặc biệt về sự đấu tranh bất khuất của người dân Thủ đô. Hình ảnh cây cầu vắt qua sông Hồng đã in đậm trong tâm trí người Việt Nam nói chung và biết bao thế hệ người dân Thủ đô nói riêng.
Hà Nội của hôm nay hối hả trong dòng chảy của thời đại mới và đã có thêm nhiều cây cầu hiện đại, bề thế.