Theo số liệu của Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), tổng dư nợ nước ngoài quốc gia tính đến 31-12-2010 là khoảng 42,2% GDP.
Lãnh đạo của Cục này đánh giá: Mặc dù vẫn nằm trong ngưỡng an toàn, nhưng trong những năm gần đây nợ nước ngoài quốc gia có xu hướng tăng khá nhanh.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, vấn đề thế nào là an toàn rất cần được xác định rõ, bởi như TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam từng băn khoăn: nói nợ nước ngoài 20% GDP cũng an toàn, đến 40% cũng an toàn?
Trong 3 năm gần đây, từ cuối năm 2007-2010, chỉ tiêu nợ nước ngoài so với GDP đã tăng thêm gần 10 điểm phần trăm và tiến rất gần với trần nợ quy định của Thủ tướng là 50% GDP. Đáng nói là con số này sẽ tiếp tục tăng nữa chứ chưa dừng lại ở đó. Dự kiến năm 2011, nợ nước ngoài so với GDP sẽ khoảng 44,5%.
Theo Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, việc tăng dần tỷ trọng huy động vốn trong nước là một trong những định hướng ưu tiên hàng đầu trong chiến lược nợ của Việt Nam. Tuy nhiên, không phải là tăng tỷ trọng huy động vốn trong nước bằng mọi giá, nhất là trong bối cảnh Việt Nam vẫn còn nhận được nguồn vốn ODA của các nhà tài trợ thì cần tranh thủ tối đa do tính chất ưu đãi của nguồn vốn này.
Tuy nhiên, với việc Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá lên 9,3%, có lẽ những khoản vay với lãi suất thấp bằng USD cũng cần được xem lại. Bởi với xu hướng mất giá của VND thì thực tế là vay nước ngoài chưa chắc có lợi hơn trong nước.
Ở một góc độ khác, có ý kiến cho rằng, với khối nợ lên tới hơn 40% GDP thì chính sách tỷ giá bị mất đi ít nhiều khả năng linh hoạt. Những quyết định điều chỉnh tỷ giá sẽ là bài toán khó với nhà điều hành, khi mà dự trữ ngoại hối bị hao hụt nặng nề sau mỗi lần can thiệp ngoại hối.
Theo một chuyên gia, Việt Nam cần học theo Nhật Bản là vay nợ trong nước thì mới hy vọng nền kinh tế phát triển bền vững được. Hiện nay, lạm phát xảy ra cũng bởi nguyên do lượng tiền trong dân quá nhiều mà hệ thống ngân hàng thì lúc nào cũng thiếu tiền cho các doanh nghiệp vay phục vụ sản xuất. Thậm chí còn có ý kiến đề xuất Nhà nước sử dụng công cụ phát hành công trái "bắt buộc" cho người dân mua, đặc biệt là lực lượng cán bộ công nhân viên chức và giao “chỉ tiêu” cho các tập đoàn, công ty nhà nước...
Trung Nguyễn