Chiếc xe buýt đang chạy trên đường Bà Huyện Thanh Quan (quận 3, TP.HCM) bỗng thắng gấp vì trước mặt là một người đàn ông lững thững qua đường.
Anh tài xế ném một cái nhìn bực dọc về phía người đàn ông ăn mặc bảnh bao. Lẽ ra, phải đến đúng vạch qua đường dành cho người đi bộ cách đó chỉ khoảng 10m, người đàn ông đã không làm như vậy do thói quen tùy tiện.
Chịu sức ép hơn hẳn những đô thị lớn khác, TP.HCM đang trong giai đoạn dầu sôi lửa bỏng về giao thông. Chính quyền, các cơ quan hữu trách và giới chuyên gia không ngừng vắt óc suy nghĩ nhưng vẫn chưa tìm thấy lối ra khả dĩ cho một bài toán quá khó.
Ở đây, ai cũng hiểu không thể có liều thuốc đặc hiệu cho căn bệnh trầm kha tích tụ hàng thập niên mà chỉ là sự lựa chọn giải pháp dễ chấp nhận nhất vì lợi ích chung. Tất nhiên, lựa chọn nào cũng phải trả giá và cái giá đó chính là sự nỗ lực, hy sinh nhiều hơn của cộng đồng, xã hội và từng cá nhân. Triết lý lúc này là nếu không nghĩ khác và làm khác, sẽ chẳng có lối ra!
Trong khi toàn xã hội đi tìm câu trả lời cho vấn đề giao thông vĩ mô (đường ít, xe cộ nhiều, quản lý quy hoạch yếu kém…) thì việc sớm vượt qua những chướng ngại từ ý thức đi đường hời hợt xem ra là điều cấp bách để giảm bớt áp lực và duy trì trật tự đường phố.
Câu chuyện về người đàn ông và chiếc xe buýt kể trên gợi lên suy nghĩ về ý thức tự giác. Chỉ đi bộ hơn 10 bước để qua đường đúng quy định nhưng không làm được thì liệu người ta có thể làm được điều gì lớn hơn? Đó là một câu hỏi nghiêm túc nhưng không ít người cố ý né tránh. Dai dẳng hơn, nhiều người vẫn bám riết thói quen phóng xe ào ào trên vỉa hè, vừa tước đoạt không gian, đe dọa sự an toàn của người đi bộ vừa góp phần biến những con đường phẳng phiu trở nên trồi lún nham nhở. Chưa rõ đã có bao nhiêu người đi bộ thiệt mạng vì những chiếc xe lưu thông tùy tiện kiểu đó, chỉ biết có khoảng 100 người đi bộ chết mỗi năm vì xe đụng do lòng lề đường bị lấn chiếm.
Điều trớ trêu là những hình ảnh không đẹp như vậy lại diễn ra nhan nhản ngay tại trung tâm kinh tế, văn hóa, giao lưu quốc tế hàng đầu đất nước, đến nỗi không dễ nhận ra ai là cư dân đô thị, ai là công dân mới giữa làn sóng đô thị hóa đang dồn dập. Tình hình sẽ khó thay đổi nếu ai cũng dửng dưng trước thực trạng nhiều người đi đường thiếu “khả năng tự kiểm soát”.
Trong ống kính của du khách nước ngoài, chỉ cần một - hai hình ảnh xấu xí ở đâu đó trên đường phố - như tiểu tiện bừa bãi hay bỏ rác vào miệng cống chẳng hạn - cũng đủ làm nhòa nhạt ấn tượng trong thời gian thăm thú của họ. Sức hủy hoại của những “con sâu” xem ra không nhỏ.
Kẹt xe, ùn tắc là nỗi ám ảnh dài lâu. Nhưng người dân sẽ cảm thấy dễ chịu hơn nếu trật tự đi đường được siết chặt. Khi ai đó, dù là người đi bộ, tự cho mình cái quyền đi lại nghênh ngang, bất chấp luật lệ thì họ đã làm vấy bẩn bức tranh đô thị đang được nhiều người chung tay nắn nót.