Vào trại hổ gia đình lớn nhất miền Bắc

Thanh Phương| 08/12/2014 05:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Việc nuôi nhốt hổ cứ nghĩ phải tận đâu tận đâu nơi xa xôi, hẻo lánh và phải tầm đại gia mới có thể cung phụng cho các chúa tể sơn lâm. Nhưng tại xứ Thanh một cá nhân ở (Xuân Tín, Thọ Xuân) đang nuôi nhốt tới 11 con hổ đã trưởng thành một cách công khai.

Để có thể “đột nhập” được vào phía trong trại nuôi hổ này chúng tôi phải nhờ sự can thiệp của cơ quan chức năng. Trại hổ được xây dựng trên 1 cồn đất rộng khoảng 1 ha, xung quang được bao bọc bằng những bức tường xây và các thanh sắt phía trên cao khoảng 5m.

Bên trong trại được chia thành 5 khu nuôi nhốt khác nhau và được ngăn bằng những cuộn lưới thép. Ông chủ của trang trại hổ lớn nhất miền Bắc này là ông Nguyễn Mậu Chiến (người địa phương).

Vào trại hổ gia đình lớn nhất miền Bắc

Một chú hổ tiến tới rào sắt "hỏi thăm" người lạ

Tiếp PV và cán bộ kiểm lâm là ông Nguyễn Văn Tư (người trông coi). Bên chén trà tàu, ông Tư kể: “Năm 2005, chú Chiến có ý định làm nhà gỗ tại quê nên lặn lội đi các nơi tìm mua gỗ. Trong 1 lần lên xã Na Mèo (huyện Quan Sơn) thấy có một số người dân bắt được đàn hổ con khoảng 3-4kg từ bên Lào về. Nhìn chúng không khác gì những con mèo trông rất ngộ nghĩnh nên chú Chiến đã mua 16 con về nhà nuôi. Do nuôi nhốt từ nhỏ nên hổ cũng lành tình không gầm như ở ngoài tự nhiên. Do bệnh tật nên 5 con hổ đã bị chết, hiện còn 11 con, từ gần 2 tạ trở lên.”

Sau khi phát hiện trại hổ tại Xuân Tín các cơ quan chức năng đã nhiều lần kiểm tra xử lý. Năm 2007, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ra quyết định xử phạt anh Nguyễn Mậu Chiến, 30 triệu đồng vì nuôi nhốt 10 cá thể hổ trái phép.

Tiếp đó, năm 2008 UBND tỉnh Thanh Hóa tiếp tục ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Nguyễn Văn Tư 30 triệu đồng, vì nuôi 5 cá thể hổ trái phép. Quyết định nêu rõ loài hổ gồm 15 con được nuôi trái phép là động vật hoang dã quý hiếm thuộc nhóm IB, có tên khoa học là Panthera Tigris, nên nghiêm cấm gia đình giết mổ, mua bán, kinh doanh vì mục đích thương mại, không được tự ý di chuyển hoặc mua thêm hổ để nuôi.

Việc xử lý đàn hổ này không phải là điều đơn giản bởi thả ra ngoài tự nhiên thì không thể thực hiện được. Còn tiêu hủy cũng bất khả kháng. Loay hoay không tìm được cách giải quyết, năm 2012 Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa cấp phép cho hộ ông Chiến nuôi nhốt hổ trong thời hạn 5 năm (2012-2017).

Vào trại hổ gia đình lớn nhất miền Bắc

Hổ được nuôi nhốt tại xã Xuân Tín, Thọ Xuân, Thanh Hóa

Được ông Tư dẫn đường qua 2 lớp cửa sắt kiên cố, chúng tôi lọt vào bên trong. Quan sát có 5 khu nuôi nhốt ngăn cách bằng hệ thống lưới sắt. Một số con thì nằm dài ủ rũ. Vài con khác thì đuổi vờn nhau.

Muốn nhìn rõ hơn "ông ba mươi" tôi tiến gần lại lưới sắt. 3 con hổ đang nằm đè lên nhau đánh mùi thấy hơi lạ liền chồm phắt dậy, trừng mắt, nhe nanh, nhảy bổ lên lưới sắt hăm dọa.

Thức ăn của những chú hổ này là gà công nghiệp được thu gom tại thủ đô rồi chuyển về đây. Mỗi tháng chúng cũng xơi tái vài tấn gà. Nên số tiền bạc ông chủ dành cho chúng cũng hao mòn đi không ít. Chưa kể tới việc thuê người trông coi, dọn dẹp, cho ăn kiểm tra sức khỏe định kỳ cho chúng.

Trao đổi với PV, ông Hà Duy Thủy, Hạt phó Kiểm lâm huyện Thọ Xuân cho biết: “Đàn hổ của hộ gia đình ông Nguyễn Mậu Chiến đã được Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa cấp phép cho nuôi nhốt từ năm 2012, thời hạn 5 năm (từ 2012 -2017), yêu cầu gia đình nuôi cấm được giết thịt, buôn bán, vận chuyển.

Trong quá trình nuôi nhốt phải đảm bảo an toàn cho người nuôi và người dân địa phương. Mỗi tháng, chúng tôi đều cử người xuống kiểm tra số lượng hổ, công tác đảm bảo môi trường, an toàn chuồng trại. Nhưng, vấn đề khó khăn nhất hiện nay là việc tráo đổi cá thể hổ vào trang trại rất khó kiểm soát, theo dõi do hạt ở cách xã khoảng 15 km. Chúng tôi đã dự tính các phương án nếu như hổ có thể thoát ra ngoài, trong đó có cả vệc dùng súng hơi gây mê”.

Không chỉ cơ quan chức năng muốn chuyển đàn hổ tới những nơi an toàn, để chúng được chăm sóc tốt hơn mà người dân địa phương càng muốn đàn hộ được chuyển đi càng sớm càng tốt. Nhưng việc xử lý đàn hổ này sao cho không vi phạm các quy định của pháp luật lại là chuyện không hề đơn giản.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vào trại hổ gia đình lớn nhất miền Bắc