Sinh thời Bác Hồ luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên: Mỗi cán bộ, đảng viên từ trên xuống dưới đều phải hiểu rằng: Mình vào Đảng để làm đầy tớ cho nhân dân, phục vụ nhân dân, chứ không phải là “quan nhân dân”.
Trước lúc đi xa, Bác Hồ đã dặn lại trong Di chúc: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.
Theo cách hiểu thông thường, về mặt chính trị, lãnh đạo và phục vụ là hai phạm trù có nội hàm khác nhau; người lãnh đạo và người đầy tớ (người phục vụ) cũng có những chức trách không giống nhau. Thế nhưng, đối với Đảng Cộng sản Việt Nam, một Đảng ra đời từ phong trào cách mạng của nhân dân, có thiên chức lãnh đạo cuộc cách mạng ấy vì mục đích phục vụ nhân dân, lấy lợi ích của nhân dân làm lợi ích cao nhất của mình, thì hoàn toàn không có một bức tường ngăn cách nào giữa nhiệm vụ lãnh đạo và nhiệm vụ phục vụ. Chính vì vậy, giữa người lãnh đạo và người đầy tớ có mối quan hệ thống nhất và biện chứng lẫn nhau.
Sinh thời Bác luôn luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên: “Muốn lãnh đạo được quần chúng, trước tiên phải có đạo đức cách mạng”. “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước. Đồng chí ta nhiều người đã làm được nhưng vẫn còn những người hủ hóa. Đảng có trách nhiệm gột rửa cho những đồng chí đó. Hô hào dân tiết kiệm, mình phải tiết kiệm trước đã. Đồng chí ta phải học lấy bốn đức cách mạng: cần, kiệm, liêm, chính. Muốn làm cách mạng, phải cải cách tính nết mình trước tiên”. Vì vậy, đã là đảng viên thì phải cố thành một đảng viên “bốn tốt”, nghĩa là phải hết lòng phục vụ nhân dân, phục vụ giai cấp, làm đúng chính sách của Đảng, nếu không thì vào làm gì. Đảng không bắt buộc ai vào Đảng cả, vào Đảng thì phải có nhiệm vụ, có trách nhiệm của đảng viên, nếu sợ không phục vụ được nhân dân, phục vụ được cách mạng thì đừng vào hay khoan hãy vào.
Mỗi cán bộ, đảng viên từ trên xuống dưới đều phải hiểu rằng: Mình vào Đảng để làm đầy tớ cho nhân dân, phục vụ nhân dân. Bác nhấn mạnh: làm đầy tớ nhân dân chứ không phải là “quan nhân dân”. Để làm được điều đó, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải thật sự tự xây dựng, tự chỉnh đốn mình, làm đúng lời căn dặn của Bác Hồ thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư.
''Mỗi cán bộ, đảng viên phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân''. Muốn xứng đáng là người lãnh đạo thì cần có đức và tài. Nhưng làm người lãnh đạo không có nghĩa là đứng trên quần chúng, ''làm thầy quần chúng'' mà phải là ''người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.'' Đây là quan điểm nhân dân, nhân văn sâu sắc, là tư tưởng nhất quán và xuyên suốt trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác Hồ, đặc biệt là từ khi Đảng ta trở thành đảng cầm quyền.
Theo tư tưởng Hồ Chí Minh thì Ðảng ta là đạo đức, là văn minh, Ðảng không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của nhân dân; cho nên hễ còn người dân Việt Nam bị đói rét thì Ðảng coi mình chưa làm tròn nhiệm vụ. Do đó, mỗi đảng viên, cán bộ của Ðảng phải chăm lo xây dựng Ðảng trong sạch, vững mạnh, thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, phấn đấu rèn luyện xứng đáng là người lãnh đạo, là đầy tớ trung thành của nhân dân, làm cho dân giàu, nước mạnh.
Đất nước, nhân dân đang dõi theo, đang trông đợi Đảng, Nhà nước cần có những cố gắng lớn, quyết tâm chính trị cao và thái độ kiên quyết, không nể nang trong phòng ngừa và chống tham nhũng, và trong việc chỉnh đốn Đảng sẽ xây dựng được đội ngũ cán bộ Đảng, chính quyền đúng thực chất như Bác Hồ từng dạy bảo và mong muốn: “Cán bộ Đảng, chính quyền không phải làm quan cách mạng ăn trên ngồi trốc. Cán bộ Đảng, chính quyền, ngay cả Bác là cán bộ cao nhất đều là đầy tớ của nhân dân, phải hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, phải cần, kiệm, liêm, chính”. Là đội tiền phong của giai cấp công nhân, của dân tộc, Đảng bảo vệ kiên quyết nhất quyền lợi của nhân dân. Vì lẽ đó, Đảng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn giáo dục, nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải giữ gìn phẩm chất đạo đức, chống cho được những thói hư, tật xấu, sự suy thoái, biến chất trong điều kiện Đảng cầm quyền. Người đã cảnh báo tới một nguy cơ, đó là chủ nghĩa cá nhân không dừng ở một người, một cá nhân mà có thể lây lan, biến chất tới cả một tập thể, một tổ chức. Người nói: “Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh
Bác mong Đảng ta cũng như mỗi cán bộ, đảng viên thật sự đoàn kết, thật sự dân chủ trên cơ sở thật sự vì nước, thật sự vì dân, thật sự vì Tổ quốc. Lời dạy của Bác cũng là điều cán bộ, đảng viên ta tâm niệm giữ cho mình trong sáng hơn, cho xứng với thế hệ kế tục sự nghiệp vinh quang của Người. Bác dạy chúng ta, Đảng ta là Đảng cầm quyền và là Đảng của giai cấp, của nhân dân, của dân tộc. Mỗi đảng viên, cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng; thể hiện tình đoàn kết với dân ở chỗ phải thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, không xa rời dân, không mắc bệnh quan liêu, cửa quyền hống hách với dân. Mọi công việc Đảng phải đặt lợi ích của dân ở hàng đầu; đảm bảo thực hiện trọn vẹn quyền lợi chính đáng cho mọi công dân, đảm bảo Đảng là Đảng của dân, Đảng vì dân. “Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đày tớ thật trung thành của nhân dân”.
Sự nghiệp đổi mới đất nước ta đang đứng trước cả thời cơ và thách thức đan xen, đặt ra những yêu cầu rất cao cả về phẩm chất và năng lực đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên. Vì vậy, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên không chỉ phải luôn nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn nghiệp vụ, năng lực quản lý, mà còn phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng; nếu không, sẽ trở thành lạc hậu và bị đào thải. Những biểu hiện vun vén lợi ích cá nhân; tệ tham nhũng, lãng phí của công, bớt xén của người lao động... phải bị nghiêm trị; sự lười biếng, vô trách nhiệm, quan liêu hành chính, dựa dẫm, ỷ lại, cùng các biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống… phải bị lên án, loại trừ. Học tập và làm theo Người, mỗi cán bộ, đảng viên phải đặt mình trong tổ chức, trong tập thể, phải tôn trọng nguyên tắc, pháp luật, kỷ cương.
Tất cả vì nhân dân, mỗi cán bộ, đảng viên, dù ở bất cứ cương vị nào phải gần dân, học dân, có trách nhiệm với dân. Phải trăn trở và thấy trách nhiệm của mình khi dân còn nghèo đói. Không chỉ sẻ chia và đồng cam, cộng khổ với nhân dân, mà còn phải biết tập hợp nhân dân, phát huy sức mạnh của dân, tổ chức, động viên, lãnh đạo nhân dân phấn đấu thoát khỏi đói nghèo. Nhân dân là người thầy nghiêm khắc và nhân ái, luôn luôn đòi hỏi cao ở cán bộ, đảng viên, đồng thời cũng sẵn lòng giúp đỡ cán bộ, đảng viên hoàn thành nhiệm vụ, phát huy ưu điểm, sửa chữa sai lầm, khuyết điểm.
“Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Lời căn dặn đó của Bác phải được tất cả cán bộ, đảng viên, nhất là những người có trách nhiệm từ trên xuống dưới trong bộ máy của Đảng và của Nhà nước phải suy nghĩ. Đó là quan điểm cách mạng vô sản, một luận điểm có ý nghĩa cơ bản và sâu sắc về quan hệ giữa cơ quan lãnh đạo của Đảng, của Nhà nước và sự nghiệp cách mạng của quần chúng.
Kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, đảng viên cần dành thời gian đọc và suy ngẫm tác phẩm Di chúc của Người, để thấm đượm sâu sắc hơn nữa phẩm chất đạo đức cách mạng cao đẹp, trong sáng và những lời căn dặn thấu tình đạt lý của Người. Từ đó, mỗi cán bộ, đảng viên tự giác xây dựng kế hoạch hành động, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh: suốt đời tận tụy phấn đấu hy sinh cho Đảng, cho nước, cho dân, việc gì có lợi cho dân dù nhỏ mấy cũng cố mà làm, việc gì không có lợi cho dân dù nhỏ mấy cũng cố mà tránh. Đó là tinh thần tích cực, chủ động phấn đấu rèn luyện, học tập và làm theo theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh một cách thiết thực nhất để hiện thực hóa lời dạy của Người: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.
Với tất cả tình cảm kính yêu vô hạn và niềm tin tuyệt đối vào lời căn dặn của Người, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đồng lòng quyết tâm thực hiện thắng lợi Di chúc thiêng liêng và con đường cách mạng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã lựa chọn, xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.