Văn phòng Xứ ủy Nam bộ đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND: Chiến công thầm lặng giữa lòng địch

20/06/2012 16:53
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Văn phòng Trung ương Đảng vừa tổ chức Lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân của Chủ tịch nước trao tặng cho Văn phòng Xứ ủy Nam bộ thời kỳ 1956 - 1957.

Với những chiến công thầm lặng, vẻ vang giữa lòng địch, các đảng viên Chi bộ Xứ ủy Nam bộ đã góp phần quan trọng đưa phong trào cách mạng miền Nam vượt qua giai đoạn đầy cam go, thử thách...

Chi bộ bí mật giữa “rừng” cảnh sát, mật thám

 

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954, nhiệm vụ mới của cách mạng miền Nam được Đảng xác định là đấu tranh chính trị chống Mỹ - Diệm, yêu cầu thi hành Hiệp định để củng cố hòa bình, giữ gìn và xây dựng lực lượng cách mạng. Chính quyền Diệm đã dìm các cuộc đấu tranh chính trị hòa bình của ta trong bể máu, nhiều cán bộ bị bắt bớ, giết hại. Trong bối cảnh đó, từ tháng 10-1954 đến tháng 6-1956, cơ quan Xứ ủy phải tạm chia làm hai bộ phận: bộ phận “cơ bản” nằm trong vùng có căn cứ cũ ở Cà Mau, giữ mối liên lạc với Trung ương và các địa phương, gọi là “Xứ ủy I”, Bộ phận trực tổ chức gọn nhẹ, gọi là “Xứ ủy II”, do ông Hoàng Như Khương, Ủy viên thường vụ, Thường trực Xứ ủy phụ trách. Tháng 3-1955, Xứ ủy cử cán bộ móc nối xây dựng cơ sở cưa xẻ gỗ làm bình phong cho hoạt động của Văn phòng Xứ ủy Nam bộ tại ngã ba ông Tạ (nay là đường Phạm Văn Hai, Tân Bình). Văn phòng do đồng chí Hoàng Như Khương, Thường vụ Xứ ủy lãnh đạo và chỉ đạo. 

 

Đến cuối năm 1955, ông Hoàng Như Khương bị bắt do một tên phản bội khai báo. Tuy Văn phòng Xứ ủy ở Sài Gòn không bị lộ, nhưng theo nguyên tắc, địa điểm Văn phòng cũ phải di chuyển. Qua sự móc nối của cơ sở, đồng chí Lê Toàn Thư, Ủy viên Thường vụ Xứ ủy nhờ một quần chúng có cảm tình với cách mạng là chị Nguyễn Thị Danh tìm thuê một căn nhà. Nhờ quen biết rộng, chị Danh đã tìm được căn nhà số 29 Huỳnh Khương Ninh (nay là phường Đa Kao quận 1) với các lợi thế để đặt cơ sở bí mật: gần chợ Đa Kao, đường nhỏ một chiều, khu vực yên tĩnh, kín đáo, có thêm lối đi phía sau nhà. 

 

Từ tháng 3-1956 đến khoảng giữa năm 1957, Văn phòng Xứ ủy đã thành lập một chi bộ hoạt động bí mật tại đây, gồm có bà Nguyễn Thị Một, Trưởng ban phụ vận Xứ ủy Nam bộ, được điều về làm Chánh Văn phòng; ông Phan Phát Phước (Tám Thảo), Văn phòng Xứ ủy được điều về phụ trách mật mã, bảo vệ phía sau; bà Nguyễn Thị Loan, phụ trách bảo vệ phía trước, đồng thời giữ đầu mối liên lạc giữa Văn phòng Xứ ủy với các Tỉnh ủy, các cơ quan chuyên môn của Văn phòng Xứ ủy; ông Trịnh Long Nhi, phụ trách công việc văn phòng, giữ một số đường dây liên lạc với Trung ương. Để che mắt địch, Văn phòng Xứ ủy được “ngụy trang” dưới vỏ bọc của một gia đình có nhiều thế hệ chung sống. 

 

 Văn phòng Xứ ủy Nam bộ đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND:  Chiến công thầm lặng giữa lòng địch

Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình chụp ảnh lưu niệm tại buổi lễ

 

Do tính chất là một cơ quan lãnh đạo của Đảng đang hoạt động trong lòng địch, đồng thời còn là nơi hội họp của các đồng chí Thường vụ Xứ ủy nên những nhiệm vụ đặt ra cho Văn phòng hết sức nặng nề, cực kỳ cẩn mật. Bà Nguyễn Thị Loan nhớ lại: “Để thực hiện tốt các nhiệm vụ trên, cơ quan Văn phòng Xứ ủy chúng tôi đã bàn nhau thực hiện nhiều biện pháp cấp bách như thường xuyên sinh hoạt các nội dung: học tập chủ trương, theo dõi tình hình địch, ta để nâng cao nhận thức, kiểm điểm công tác rất nghiêm ngặt, trao đổi với nhau những kinh nghiệm hoạt động trong lòng địch. Để che mắt địch, mỗi người đều đóng thật tốt với vai trò của mình để việc nghi trang đạt hiệu quả cao. Các con tôi lúc đó còn nhỏ cũng là bình phong khi học tập, chơi giỡn hay vòi vĩnh khóc la. Chi bộ Văn phòng Xứ ủy cũng chú ý phân công chăm sóc anh Việt, một quần chúng tốt đang ở tại cơ quan, thường xuyên vận động giáo dục để nâng cao giác ngộ...”. Với sự tổ chức cẩn trọng, tài tình đó, Văn phòng Xứ ủy đã hoạt động một cách an toàn, hiệu quả trong suốt thời gian dài giữa vòng vây dày đặc của hệ thống cảnh sát, mật thám của chính quyền Sài Gòn.

 

Những đóng góp lớn lao 

 

Hơn 1 năm hoạt động, Văn phòng Xứ ủy đã đạt nhiều chiến công, xây dựng một cơ sở hội tụ nhiều mặt thuận lợi, khéo tạo lớp bình phong hợp pháp che giấu hoạt động của một cơ quan lãnh đạo.  Văn phòng đã móc nối lại, gây dựng và giữ gìn các đầu mối liên lạc trọng yếu của Đảng sau khi một cơ sở trước đó bị bể, góp phần hạn chế thiệt hại, khôi phục sự tồn tại và hoạt động của Văn phòng Xứ ủy trong lòng địch.

 

Một chiến công thầm lặng nhưng quan trọng là văn phòng đã chăm sóc, phục vụ chu đáo cho đồng chí Bí thư Xứ ủy Lê Duẩn (sau này là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam) từ đồng bằng sông Cửu Long lên Sài Gòn. Các cán bộ văn phòng trở thành đội cận vệ trung thành, bảo đảm an toàn trọn vẹn các đồng chí lãnh đạo và các đồng chí trong Xứ ủy đến làm việc.Việc nghi trang và bảo vệ an toàn cho Bí thư Lê Duẩn nói giọng Quảng Trị giữa lòng Sài Gòn là chuyện không dễ. Ông Tám Thảo nhớ lại: “Đồng chí Lê Duẩn đóng vai người cậu trong gia đình, nhưng có giọng nói của người Bắc Trung bộ, khi phải hớt tóc, cạo râu cho đồng chí, cũng như đi may bộ đồ âu phục cho đồng chí chuẩn bị đi K… làm thế nào để người ngoài khỏi phát hiện? Chọn thợ như thế nào để đảm bảo? Cần chụp ảnh để làm giấy tờ cho đồng chí, tính cách sao cho ảnh đồng chí không bị lọt ra ngoài khi các hiệu ảnh có lệ không giao phim âm bản. Những ngày anh Ba Duẩn ở 29,

Huỳnh Khương Ninh, chúng tôi cố gắng hết sức bảo vệ an toàn tuyệt đối”. 

 

Trong những ngày ở Văn phòng Xứ ủy, đồng chí Lê Duẩn đã viết bản đề cương cách mạng Việt Nam ở miền Nam, gọi tắt là Đề cương cách mạng miền Nam. Ông Tám Thảo được phân công viết lại trên giấy bạch chỉ rồi đem cất giấu, chờ chuyển đi. “Chúng tôi lấy trái ngũ bội ngâm lấy nước để viết bạch chỉ, một loại mực viết lên giấy, khi để khô, chữ lặn mất, khi phết nước pha hóa chất lên, chữ sẽ hiện ra. Những trang bản thảo đề cương được viết xen vào giữa các dòng chữ in sẵn trong cuốn tiểu thuyết. Việc này sẽ giúp qua mắt địch nếu không may bị phát hiện. Những lần viết chủ yếu là ban đêm, anh Ba còn sửa đi sửa lại nhiều lần cho đến khi hoàn chỉnh”. Sau 6 tháng, bản đề cương đã hoàn thành, góp phần làm cơ sở lý luận và tư tưởng chính trị để hình thành Nghị quyết Trung ương 15 Đảng Lao động Việt Nam sau này.

 

Phát biểu tại buổi lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, bà Nguyễn Thị Loan xúc động: “Nhìn lại quãng thời gian ấy, chúng tôi rất vui sướng, tự hào vì đã không để xảy ra một thiếu sót, sai lầm nào khả dĩ đưa đến hậu quả không hay. Bao nhiêu suy tư, lo lắng, bao giờ phút căng thẳng trí óc đã đem lại kết quả vô cùng to lớn: địch như đui, như điếc, đồng chí Lê Duẩn thời gian ở đây được tuyệt đối an toàn, cơ quan này của Xứ ủy Nam bộ không hề bị lộ… Tôi xin thành tâm tri ân sâu sắc các đồng chí đã hy sinh, đã mất, xin gửi những tình cảm quý trọng đến chị Nguyễn Thị Một, người Chánh Văn phòng, đồng chí Bí thư Chi bộ, người chị thân thương vì bệnh tật đã không đến dự buổi lễ hôm nay”. Với những đóng góp lớn lao trên, Văn phòng Xứ ủy xứng đáng với danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đặc biệt của mình, góp phần vào thành công chung của cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc. 

 

Chiều 11-6, đoàn cán bộ Văn phòng Trung ương Đảng do bà Huỳnh Thị Nhân, Phó Chánh văn phòng Trung ương Đảng dẫn đầu đã đến Bệnh viện Thống Nhất thăm đồng chí Nguyễn Thị Một (Chánh Văn phòng kiêm Bí thư Chi bộ Văn phòng Xứ ủy Nam bộ, 29 Huỳnh Khương Ninh, 1956 - 1957). Bà Huỳnh Thị Nhân đã hỏi thăm sức khỏe và báo cáo với đồng chí Nguyễn Thị Một về việc Văn phòng Trung ương Đảng sẽ tổ chức lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND của Văn phòng Xứ ủy Nam bộ vào sáng 12-6.

 

 

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, ông Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Tp. Hồ Chí Minh phát biểu: “Văn phòng Xứ ủy Nam bộ tại số 29 Huỳnh Khương Ninh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao với sự mưu trí, sáng tạo rất cao. Bí thư Xứ ủy Lê Duẩn được bảo vệ an toàn tuyệt đối để hoàn chỉnh bản dự thảo quan trọng “Đề cương đường lối cách mạng Việt Nam ở miền Nam”, tạo cơ sở trực tiếp hết sức quan trọng để xây dựng Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương (năm 1959) và tiếp theo là Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ III của Đảng (năm 1960). Văn phòng Xứ ủy Nam bộ xứng đáng là một tập thể trung kiên, dũng cảm, mưu trí, hoạt động chiến đấu ngay giữa Sài Gòn, sào huyệt đầu não của quân thù ở giai đoạn cách mạng miền Nam còn trong những ngày đen tối, đầy thử thách”.

Đắc Minh - Lê Hoàng

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Văn phòng Xứ ủy Nam bộ đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND: Chiến công thầm lặng giữa lòng địch