Trách nhiệm của công tác tuyên truyền là phải làm chuyển biến từ nhận thức trở thành những hành động cụ thể, thiết thực, góp phần vào sự ổn định của nền kinh tế đất nước trong thời kỳ hội nhập", Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhấn mạnh.
Toàn cảnh hội nghị
Sáng 11/8, tại Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Công Thương phối hợp với Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị tuyên truyền về kết quả và giải pháp trọng tâm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Phó trưởng ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” Trương Thị Ngọc Ánh dự hội nghị.
Hội nghị do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Bộ Công thương phối hợp với Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thành phố Hà Nội tổ chức, nhằm giới thiệu các nội dung chủ yếu trong các văn bản của Đảng, Chính phủ, quy định về trách nhiệm của các cấp, ngành trong triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” như: Thông báo Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”…
Tăng khả năng cạnh tranh của hàng Việt
Sau 7 năm thực hiện, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, các cấp, ngành, đông đảo doanh nghiệp, tầng lớp nhân dân hưởng ứng và bước đầu đạt được những kết quả thiết thực góp phần khẳng định tiềm năng dồi dào về năng lực kinh doanh, phân phối của các doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam, đồng thời phát huy lòng yêu nước, ý thức tự hào, tự tôn dân tộc và tình cảm đoàn kết chung sức, chung lòng của các tầng lớp nhân dân trước những khó khăn thách thức của đất nước, góp phần huy động nội lực để thực hiện nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng cường bền vững.
Đặc biệt, với những nỗ lực của Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban Chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, sau 7 năm thực hiện Cuộc vận động, kinh tế đất nước có bước phát triển mới cả về quy mô, trình độ lực lượng sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa, tăng quy mô cung - cầu của nền kinh tế và đẩy mạnh xuất khẩu.
Chất lượng sản phẩm hàng hóa của Việt Nam ngày một cao hơn. Nhiều sản phẩm đã có sức cạnh tranh trên thị trường nội địa, được người tiêu dùng ưa thích, mua sắm, sử dụng, một số sản phẩm có uy tín trên thị trường quốc tế.
Chưa thực hiện hết trách nhiệm
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh đánh giá: Sau 7 năm thực hiện Cuộc vận động, kinh tế đất nước có bước phát triển mới cả về quy mô, trình độ lực lượng sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa, tăng qui mô cung - cầu của nền kinh tế và đẩy mạnh xuất khẩu. Chất lượng sản phẩm hàng hóa của Việt Nam ngày một cao hơn. Nhiều sản phẩm đã có sức cạnh tranh trên thị trường nội địa, được người tiêu dùng ưa thích, mua sắm, sử dụng; một số sản phẩm có uy tín trên thị trường quốc tế.
Cuộc vận động đã tác động tích cực đến toàn xã hội, giúp người tiêu dùng, cơ quan, đơn vị, tổ chức nhận thức đầy đủ hơn về trách nhiệm, quyền lợi của người tiêu dùng đối với những sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước và người tiêu dùng mua sắm hàng hóa Việt Nam đang tăng lên đáng kể, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Cuộc vận động đã giúp cho các doanh nghiệp và giới kinh doanh nhận thức đầy đủ sâu sắc hơn trách nhiệm của doanh nghiệp đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, phát huy tiềm năng thế mạnh của doanh nghiệp để vươn lên chiếm lĩnh thị trường nội địa, vươn ra thị trường quốc tế; đồng thời thúc đẩy các doanh nghiệp, giới doanh nhân, chú trọng đổi mới công nghệ, công tác điều hành, nâng cao chất lượng, hạ giá thành.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh cũng thẳng thắn cho rằng, qua triển khai thực hiện cuộc vận động cho thấy, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” ở một số địa phương và một số thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương ở các Bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương chưa thực hiện hết trách nhiệm, chưa tham gia tích cực trong công tác chỉ đạo và triển khai thực hiện Cuộc vận động.
Một số cấp ủy, chính quyền, cơ quan, ban, ngành Mặt trận, đoàn thể chưa quan tâm đúng mức đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Cuộc vận động. Nhiều doanh nghiệp nhận thức còn hạn chế về mục đích, ý nghĩa của Cuộc vận động, nhất là trong xu thế nước ta hội nhập ngày càng sâu hơn nền kinh tế thế giới. Nhiều doanh nghiệp vi phạm pháp luật, sản xuất hàng hóa kém chất lượng, nhất là trong việc sản xuất, chế biến thực phẩm bẩn. Ở nhiều địa phương, đơn vị vẫn còn lúng túng, bị động và có biểu hiện hình thức, đối phó, làm chiếu lệ. Công tác thông tin, tổng hợp báo cáo còn chậm và việc nhân rộng các điển hình tốt trong Cuộc vận động còn hạn chế…
Nhận thức phải biến thành hành động
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh khẳng định, Việt Nam bước vào hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, đa phương, song phương, trong thời gian tới sẽ tác động và ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt ảnh hưởng đến việc phát triển của các doanh nghiệp Việt Nam. Bên cạnh những giải pháp đã thực hiện thì cần rà soát, bổ sung cơ chế, chính sách để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam phát triển, ban hành các biện pháp để tôn vinh, đánh giá, công nhận các sản phẩm chất lượng, các doanh nghiệp uy tín trên thị trường.
Đặc biệt, một trong những nhiệm vụ và giải pháp hết sức quan trọng hiện nay là phải tiếp tục tăng cường tuyên truyền về Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa của Cuộc vận động.
Trách nhiệm của công tác tuyên truyền là phải làm chuyển biến từ nhận thức trở thành những hành động cụ thể, thiết thức, để góp phần vào sự ổn định của nền kinh tế đất nước trong thời kỳ hội nhập, đảm bảo nền kinh tế ổn định, tự chủ.