CLY - Theo như đánh giá của Bộ GDĐT tại Hội nghị tổng kết năm học 2020-2021 cấp mầm non: năm học 2020-2021 vấn đề thiếu giáo viên chưa được giải quyết triệt để; cơ sở vật chất còn thiếu thốn, tỷ lệ phòng học kiên cố và trường chuẩn quốc gia còn thấp.
Tình trạng bạo hành trẻ em có giảm
Sáng 18/8, Bộ GDĐT tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm học 2021-2022 đối với giáo dục mầm non. Hội nghị tổ chức dưới hình thức trực tuyến tại 1.324 điểm cầu với trên 16.000 đại biểu tham dự. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và Thứ trưởng Ngô Thị Minh chủ trì Hội nghị.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ GDĐT Ngô Thị Minh cho biết: Năm học 2020-2021 là năm học hết sức đặc biệt, toàn ngành tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, Kết luận 51-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Đây cũng là năm đầu thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030.
Ngành Giáo dục đã cùng với chính quyền các địa phương tiếp tục triển khai thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu, 5 nhóm giải pháp cơ bản của ngành theo Chỉ thị về nhiệm vụ và giải pháp năm học 2020 - 2021 của ngành Giáo dục; đồng thời phải khắc phục khó khăn liên tiếp do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và thiên tai. Trong bối cảnh đó, giáo dục mầm non cũng đã đạt được những kết quả quan trọng.
Theo đó, quy mô, mạng lưới trường lớp tiếp tục được củng cố, phát triển, đáp ứng tốt hơn nhu cầu gửi trẻ của phụ huynh, số trường mầm non tăng cao so với năm học trước, đặc biệt là việc tăng số trường mầm non tư thục (tăng trường, trong đó, trường công lập giảm trường, trường tư thục tăng trường).
Thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Trung ương và Nghị quyết số 08/NQ-CP của Chính phủ, nhiều địa phương đã quy hoạch, sắp xếp mạng lưới trường lớp, giảm số đầu mối và bộ máy hành chính nhưng bảo đảm chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ. Ưu tiên các nguồn lực để duy trì kết quả và đạt phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi.
Tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, từng bước xóa phòng học tạm, học nhờ, đáp ứng cơ bản nhu cầu phòng học cho GDMN, đảm bảo đủ phòng học cho trẻ 5 tuổi.
Các địa phương quan tâm thực hiện chế độ chính sách, bổ sung chính sách địa phương hỗ trợ cho đội ngũ, giúp giáo viên an tâm, gắn bó với nghề. Công tác quản lý giáo dục, tăng cường thực hiện dân chủ ở cơ sở có nhiều biến chuyển tích cực.
Các tỉnh, thành đã có nhiều biện pháp quản lý chỉ đạo thực hiện Chương trình giáo dục mầm non sáng tạo, hiệu quả. Tích cực đổi mới phương pháp tổ chức các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em mầm non; xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm, chủ động phát triển chương trình phù hợp với khả năng của trẻ em và tình hình thực tế của địa phương, nhà trường; quan tâm xây dựng và khai thác môi trường giáo dục;
Chú trọng tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người dân tộc thiểu số và giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật; chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ được nâng lên và đạt kết quả nhất định.
Tuy nhiên, việc thực hiện nhiệm vụ giáo dục mầm non năm học 2020-2021 còn nhiều khó khăn, bất cập như: vấn đề thiếu giáo viên chưa được giải quyết triệt để; cơ sở vật chất còn thiếu thốn, tỷ lệ phòng học kiên cố và trường chuẩn quốc gia còn thấp; nhiều địa phương tỉ lệ trẻ/lớp vượt quá nhiều so với quy định của Điều lệ; tình trạng bạo hành trẻ em có giảm tuy nhiên vẫn còn xảy ra ở một số địa phương.
Mạng lưới trường lớp mầm non chưa đáp ứng nhu cầu tới trường của trẻ em. Còn thiếu nhiều trường, lớp cho con em công nhân ở khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đông dân cư; còn nhiều nhóm lớp độc lập tư thục chưa được cấp phép.
Công tác quản lý, thực hiện dân chủ ở một số cơ sở còn hạn chế, chưa phát huy tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong công tác quản lý.
6 nội dung được Hội nghị tập trung thảo luận
Tại Hội nghị tổng kết, Thứ trưởng Bộ GDĐT Ngô Thị Minh đưa ra một số nội dung tập trung thảo luận tại hội nghị, gồm:
Thứ nhất: Công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ GDĐT: ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản hướng dẫn; việc triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật và văn bản chỉ đạo ở các địa phương, đặc biệt là việc triển khai thực hiện Chính sách phát triển giáo dục mầm non theo quy định tại Nghị định số 105/2020/NĐ-CP ở địa phương.
Thứ 2: Công tác đảm bảo an toàn cho trẻ em mầm non, việc tổ chức nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ theo yêu cầu của Chương trình giáo dục mầm non trong tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19; việc khắc phục triệt để bạo hành trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non.
Thứ 3: Công tác quy hoạch mạng lưới và kế hoạch phát triển của Ngành đáp ứng tình hình mới và điều kiện cụ thể của địa phương; giải pháp để đảm bảo các điều kiện duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi và tiến tới cho việc phổ cập trẻ em dưới 5 tuổi; giải quyết phòng học tạm, học nhờ, phòng học 2 buổi/ngày; công trình vệ sinh, nguồn nước hợp vệ sinh ở các điểm trường vùng núi, khó khăn...
Thứ 4: Việc tuyển dụng giáo viên theo Đề án vị trí việc làm; giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên theo định mức; cơ chế, chính sách hỗ trợ cho giáo viên, nhân viên nấu ăn, nhân viên y tế; Việc đào tạo bồi dưỡng giáo viên đáp ứng chuẩn theo Luật Giáo dục năm 2019, chuẩn nghề nghiệp giáo viên; đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng xử lý tình huống; giảm áp lực thời gian và hồ sơ sổ sách cho giáo viên yên tâm công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ.
Thứ 5: Công tác xã hội hóa và hợp tác quốc tế, huy động các nguồn lực cùng tham gia phát triển giáo dục mầm non.
Thứ 6: Thảo luận về phương hướng nhiệm vụ năm học 2021 - 2022.