Tư vấn pháp luật

Vấn đề pháp lý trong vụ chồng bị tố bạo hành vợ mang bầu 7 tháng

Việt An 22/05/2023 - 16:51

Theo chuyên gia luật, tỷ lệ thương tích của người vợ và lời khai của những người liên quan là căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người đàn ông có hành vi bạo lực gia đình. 

Như Báo Công lý đã thông tin, liên quan đến vụ việc người vợ mang thai 7 tháng tố bị chồng bạo hành tại Hải Dương gây xôn xao dư luận những ngày qua, sáng 22/5, Công an huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương cho biết đã chỉ đạo Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội phối hợp với Công an xã Kim Xuyên khẩn trương vào cuộc điều tra, xác minh.

bao-hanh-vo-o-hai-duong(1).png
Chị Bùi Thị Tuyết Giao

Theo kết quả điều tra của cơ quan Công an, chị Bùi Thị Tuyết Giao lấy Trần Văn Luân (SN 1986, trú tại xã Kim Xuyên, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương) từ tháng 4 /2021 và sinh sống tại thôn Quỳnh Khê 2, xã Kim Xuyên (huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương).

Hai người đã có một con chung và hiện chị Giao đang mang thai con thứ 2 được 7 tháng. Thời gian về làm dâu tại huyện Kim Thành, chị Giao sống khép kín, không tham gia sinh hoạt tại đoàn thể nào ở địa phương.

Ngày 21/5, Công an huyện Kim Thành đã triệu tập Trần Văn Luân và mời chị Giao lên cơ quan Công an làm việc.

Quá trình làm việc, Luân khai nhận do mâu thuẫn trong cuộc sống vợ chồng, nghi ngờ chị Giao ngoại tình nên Luân đã đánh đập, bạo hành vợ bằng nhiều cách khác nhau trong thời gian dài, kể cả khi vợ đang mang thai tháng thứ 7. Luân dùng lược, thắt lưng… vụt vào người chị Giao, gây nên các vết thương trên khắp cơ thể.

Hiện, Công an huyện Kim Thành đang khẩn trương phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành giám định tỷ lệ thương tích đối với chị Giao và tiếp tục làm việc với những người có liên quan để làm rõ vụ việc, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Rất nhiều độc giả theo dõi vụ việc đã bày tỏ sự bức xúc và lên án hành động bạo lực của người chồng với người vợ đang mang thai của mình. Vậy hành vi này có thể bị xử lý ra sao?

Trao đổi với phóng viên, Thạc sỹ Luật Nguyễn Thị Hưng, (Hội Luật gia thành phố Hà Nội) nhìn nhận đây là hành vi rất đáng lên án. Chỉ vì mâu thuẫn trong cuộc sống vợ chồng, ghen tuông vô cớ nghi ngờ chị Giao ngoại tình, người đàn ông đã có hành động bạo lực với vợ của mình. Hành vi này thể hiện sự côn đồ hung hãn, sự ích kỷ nhỏ nhen của bản thân đã xâm hại đến tính mạng, sức khỏe của người khác nên cần thiết phải điều tra làm rõ, xử lý nghiêm minh để răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung.

thac-sy-luat-nguyen-thi-hung.jpg
Thạc sỹ Luật Nguyễn Thị Hưng, (Hội Luật gia thành phố Hà Nội)

Thạc sỹ Luật Nguyễn Thị Hưng cho biết, theo quy định của pháp luật, tính mạng, sức khỏe của công dân được pháp luật bảo hộ. Mọi hành vi xâm phạm đến quyền được bảo vệ sức khỏe, tính mạng con người đều bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, để có căn cứ xử lý, cơ quan điều tra cần nhanh chóng đưa nạn nhân đi giám định thương tích. Tỷ lệ thương tích của bị hại là căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người đàn ông có hành vi bạo lực. Trường hợp thương tích của nạn nhân dưới 11%, người đàn ông vẫn có dấu hiệu của tội Cố ý gây thương tích do hành vi có tính chất côn đồ.

Về trách nhiệm bồi thường dân sự, người vi phạm còn có trách nhiệm bồi thường cho người bị hại về các thiệt hại mà họ đã gây ra, bao gồm thiệt hại về sức khỏe và tinh thần.

Cụ thể, theo quy định tại Điều 590 của Bộ luật Dân sự thì người gây thiệt hại về sức khỏe cho người khác phải có trách nhiệm bồi thường các khoản như: Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại; chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị, nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại; thiệt hại khác do luật quy định.

Ngoài ra, người chịu trách nhiệm bồi thường còn phải bồi thường một khoản tiền không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định để bù đắp tổn thất về tinh thần cho bị hại.

Đồng quan điểm, Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, dây là vụ việc bạo hành, bạo lực gia đình diễn ra trong một thời gian dài khiến nạn nhân bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, tâm lý, sức khỏe. Vì vậy, cơ quan điều tra sẽ vào cuộc xác minh làm rõ nguyên nhân sự việc, làm rõ diễn biến hành vi của người đàn ông này, đồng thời tiến hành giám định thương tích của người vợ để xử lý người chồng theo quy định của pháp luật.

“Khi có lời khai của người chồng về nguyên nhân dẫn đến sự việc, làm rõ những vết thương trên người phụ nữ này là do người chồng bạo hành, đồng thời có kết quả giám định thương tích sẽ là căn cứ để tiến hành các biện pháp tố tụng tiếp theo”, Luật sư Cường nêu ý kiến.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vấn đề pháp lý trong vụ chồng bị tố bạo hành vợ mang bầu 7 tháng