Vạch trần “công nghệ tẩm độc” vào thực phẩm của Trung Quốc (kỳ 3)

Biên Thùy| 05/06/2014 15:02
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trung bình mỗi ngày, một nhà hàng quy mô 500 suất ăn ở Côn Minh, Trung Quốc thải ra 20 lít dầu ăn đã qua sử dụng. Một lò mổ gia súc tư nhân giết mổ 10 con lợn có thể để thừa ra một tạ mỡ.

Hai thứ sản phẩm thừa này đều được bán cho một nhà máy sản xuất dầu ăn bất kỳ nào đó ở Trung Quốc. Bằng “công nghệ” chế biến tinh vi những nhà máy này đã kết hợp chúng và cho ra một sản phẩm dầu ăn hoàn toàn mới. Nó được tiêu thụ hàng ngàn lít mỗi năm tại thị trường Việt Nam.

Kỳ 3: Mánh khóe biến mỡ bẩn thành dầu ăn và bí mật thâm độc trong nồi nước lẩu

Hóa phép mỡ động vật thành dầu ăn xuất khẩu

Nhà máy sản xuất dầu ăn của Lưu Hiểu nằm trong một thôn hẻo lánh ở Côn Minh, Trung Quốc luôn là nỗi ám ảnh cho chính người dân ở đây. Cách đó vài dặm người ta vẫn ngửi thấy mùi hôi thối thoang thoảng, càng đến gần mùi xú uế càng nồng nặc. Trong khuôn viên nhà máy rộng chừng 60m2, hơn chục công nhân đang hì hụi khuấy những cái nồi lớn đặt trên bếp than đỏ rực. Đó là những nồi mỡ động vật tạp nham được gom nhặt từ các lò mổ. Chúng tôi quan sát thấy có những tảng mỡ đã chuyển sang màu đen.

Vạch trần “công nghệ tẩm độc” vào thực phẩm của Trung Quốc (kỳ 3)

Những thùng chứa mỡ bẩn chưa được lọc

Chúng tôi hỏi một công nhân:

- Đây là mỡ lợn sao?

- Đúng rồi, đây là mỡ lợn. Chúng tôi đang quay nó lấy mỡ.

- Để làm gì vậy?

- Để chế biến làm dầu ăn.

- Hình như nhiều tảng thịt đã bốc mùi?

Không quan tâm lắm đến sự kinh ngạc của chúng tôi, người công nhân cười rất tươi:

- Không sao cả. Nó để nhiều ngày không đủ lạnh nên có mùi là bình thường. Điều quan trọng là mỡ vẫn rất ngon. Nhà máy chế biến dầu ăn của Lưu Hiểu là một trong những cơ sở gia công tư nhân xếp ở vị trí trung bình. Tức là mỗi ngày cơ sở này điều chế khoảng 300 lít dầu ăn nhưng con số ấy cũng chỉ là con số rất nhỏ trong trữ lượng dầu bẩn được tuồn ra thị trường. Vì sao từ mỡ lợn cơ sở này lại điều chế được thành dầu ăn dán mác dầu thực vật? Đó là cả một thủ thuật dưới sự hỗ trợ đắc lực của các loại chất hóa học khác nhau. Trước tiên là nguồn nguyên liệu dùng vào việc điều chế.

Những cơ sở giết mổ nhỏ lẻ là đối tác cung cấp mỡ động vật cho Lưu Hiểu. Họ cho biết, mỗi tấn mỡ lợn tạp nham dù sạch hay bẩn họ đều bán với giá xấp xỉ 250 tệ cho một tấn mỡ. Còn tại các quán ăn, mỗi ngày hàng chục lít dầu đã qua sử dụng cũng được đổ ra một cái thùng lớn để bán lại cho cơ sở gia công dầu ăn. Giá của thứ dầu đã qua sử dụng này rất rẻ chỉ vài chục tệ cho cả trăm lít dầu. Những chủ quán ăn ở đây đều chắc mẩm rằng, thứ dầu họ thải ra sau khi nấu nướng được dùng vào mục đích chăn nuôi gia súc. Thế nhưng, sự thật lại không phải như thế.

Khoảng 20 thùng nhựa 100 lít được xếp ngay ngắn trong kho nguyên liệu của nhà máy Lưu Hiểu. Chất lỏng chứa đầy những chiếc thùng này chính là mỡ lợn đã qua sơ chế ban đầu. Khâu này rất đơn giản, tất cả những thứ bạc nhạc, mỡ bẩn của động vật được cho vào nồi đã đun nóng để quay thành mỡ dạng lỏng. Sau khi nhiệt độ giảm thứ chất lỏng này sẽ được đổ ra các thùng nhựa. Đồng thời các công nhân sẽ tiến hành pha chế theo công thức 5 mỡ cộng một nước muối. Cứ 5 lít mỡ sẽ được hòa với một lít nước muối nhạt. Mục đích của việc này là để mỡ giữ được lâu, không bị hỏng quá nhanh.

Tiếp theo là công đoạn xử lý dầu thực vật đã qua sử dụng. Tất cả dầu thải loại sẽ được cho vào nồi đun nóng. Dầu nóng, họ sẽ đổ dầu vào một cái màng lọc cặn 3 lớp lưới bằng inox có vòi dẫn sang một cái thùng tương tự như thùng chứa mỡ lợn. Một dầu, một mỡ sau khi qua màng lọc nhiều lần thì đổ lẫn vào nhau. Ở khâu này, họ sử dụng một loại chất hóa học chống đông đặc dạng bột đổ lẫn vào khuấy đều, thêm vào đó là chất tạo màu cho hỗn hợp này có màu vàng óng. Thứ dầu này dễ dàng chuyển sang màu trắng khi nhiệt độ xuống thấp vì có một nửa là mỡ động vật.

Sau khi hoàn thành, thứ hỗn hợp chứa vô số độc tố này sẽ được đóng chai và dán mác. Điều khó tin là nó được dán đủ các loại nhãn mác của các hãng dầu ăn nổi tiếng khác nhau, nó được đóng gói thành hàng xuất khẩu. Thứ được gọi là dầu ăn, dầu đậu phộng này len lỏi vào khắp các quán ăn, nhà hàng và vào bếp của từng gia đình không chỉ riêng ở Trung Quốc mà cả ở Việt Nam. Các chuyên gia về thực phẩm cho biết thứ dầu bẩn này cực kỳ độc hại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người sử dụng. Khi đun sôi ở nhiệt độ cao trên 1.800C, thứ mỡ bẩn này sẽ sinh ra các chất độc như andehit, chất oxy hóa… Nó ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tim mạch, tim đập chậm, huyết áp tăng cao, và là tác nhân gây ra các chứng bệnh ung thư nguy hiểm. Theo tìm hiểu của phóng viên thì khi tới Việt Nam thứ dầu ăn này được bán với giá 160 ngàn đồng cho một can 10 lít.

Chất độc trong “đặc sản Trùng Khánh”

Theo khảo sát của một tổ chức phi chính phủ thì yếu tố “giá rẻ” luôn được đặt là tiêu chí hàng đầu đối với người tiêu dùng Việt Nam. Điều đó cho thấy, người tiêu dùng chưa thực sự lưu tâm đến sức khỏe của chính mình. Nó là kẽ hở để thực phẩm bẩn, thực phẩm độc hại có đất sống, có cơ hội len lỏi vào tận bàn ăn của từng gia đình. Thực phẩm độc hại có xuất xứ từ Trung Quốc luôn đánh trúng tâm lý ham của rẻ đó.

Vạch trần “công nghệ tẩm độc” vào thực phẩm của Trung Quốc (kỳ 3)

Mỡ bẩn đang được đóng chai dưới mác dầu thực vật xuất khẩu

Cách đây vài năm, dư luận Trung Quốc xôn xao về việc cơ quan chức năng nước này phát hiện có chất độc trong gia vị lẩu đóng gói có xuất xứ từ Tứ Xuyên. Cơ quan chức năng Việt Nam cũng ráo riết thu hồi, tiêu hủy. Tuy nhiên, trên thị trường các loại gia vị nấu lẩu có chữ Trung Quốc vẫn bày bán tràn lan. Người tiêu dùng cũng không còn nhớ là trong những gói gia vị có chữ Trung Quốc đã từng có chất gây ung thư là chất nhuộm Rhodamine B và dãy các chất độc khác như axít benzoic, axít sobic và benzoyl peroxide với hàm lượng cao.

Tại một làng nhỏ ở Trùng Khánh, Trung Quốc có một thứ đặc sản địa phương nổi tiếng đó chính là gia vị cho nước lẩu. Ở đây có hàng trăm cơ sở gia công, đóng gói gia vị cho nồi nước lẩu của họ. Những gói gia vị lẩu được trang trí vẻ ngoài bắt mắt và có hương vị hấp dẫn. Từ lẩu tôm, lẩu chua cay hay bất kỳ một hương vị nào khác đều được thêm dòng chữ “đặc sản Trùng Khánh”.

“Nguyên liệu của nó là gì?” - chúng tôi hỏi một người sản xuất. “Nó gồm bơ, hạt tiêu, đậu, gia vị muối, bột ngọt…” – ông ta cho biết. “Tất cả đều là nguyên liệu tự nhiên sao?” - chúng tôi tò mò. Ông ta lắc đầu: “Nguyên tắc là thế nhưng ở đây chúng tôi đã tìm ra những nguyên liệu thay thế”. “Nó là gì vậy?” - chúng tôi cật vấn. Người đàn ông này từ chối không tiết lộ bí mật nhưng ông ta cho biết đó là những chất hóa học.

Trên lãnh thổ Trung Quốc có rất nhiều nơi sản xuất gia vị lẩu, so với thủ phủ Thâm Quyến thì Trùng Khánh quy mô nhỏ hơn. Tuy nhiên, lẩu Trùng Khánh được xem là một đặc sản địa phương giống như miến Cự Đà hay bánh dày Quán Gánh ở Việt Nam vậy. Ở khu chợ bán buôn thực phẩm nổi tiếng Triều Thiên Môn ở Trùng Khánh người ta dễ dàng mua hàng tấn thứ gia vị đóng gói này. Người bán sẽ cung cấp đầy đủ cho người mua biết cách phân biệt đâu là gia vị lẩu thật và đâu là giả. Ví dụ, gia vị lẩu nấm, nếu cây nấm đen thì đó là nấm nhân tạo.

Để tiết kiệm chi phí những kẻ vô nhân đạo đã tạo ra loại nấm giả bằng nhựa y như thật. Hạt tiêu được thay thế bằng một chất hóa học. Và đáng lưu ý là trong gia vị lẩu Trùng Khánh họ đã cho quá nhiều sáp dầu (parafin). Parafin ở thể rắn được gọi là paraffin wax (sáp parafin). Điều dễ nhận biết là đổ gia vị lẩu vào nồi nước nó có hiện tượng kết tủa. Người sản xuất cho rằng cho sáp dầu để tạo độ cứng và họ cũng nói nó không ảnh hưởng gì đến sức khỏe.

Tuy nhiên, thứ sáp dầu này phần lớn sử dụng bào chế một số loại thuốc, trong đó có thuốc tẩy rửa. Sử dụng quá nhiều thứ này sẽ gây ra một số căn bệnh nguy hiểm đặc biệt cho người đang bị bệnh, phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ. Người ta cũng khuyến cáo sử dụng sáp dầu vô tội vạ như vậy thực sự không an toàn. Và dĩ nhiên, thứ “đặc sản” này đang bày bán ở thị trường Việt Nam cũng là một thứ chứa chất độc vô cùng nguy hiểm.

Những chuyên gia đầu độc

Ở Trung Quốc người dân đang cảnh giác với chính sản phẩm của họ. Gần đây những vụ ngộ độc, những cái chết của trẻ mầm non khi sử dụng bữa trưa bằng thuốc trừ sâu đã gây rúng động dư luận. Thế nhưng, nó chưa đủ sức làm cho những kẻ vô nhân tính thức tỉnh. Ở Việt Nam một số người dường như đang bị “khống chế” hay lệ thuộc vào hàng hóa Trung Quốc mặc dù biết mức độ nguy hiểm của nó. Ăn chất độc nhưng lại thấy rất ngon miệng. Bởi thế mà người Mỹ nói người Trung Quốc là các chuyên gia đầu độc.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vạch trần “công nghệ tẩm độc” vào thực phẩm của Trung Quốc (kỳ 3)