Không chỉ hoa quả nhập lậu từ Trung Quốc có chứa nhiều chất độc hại mà chính thực phẩm sống như thịt gà hoặc thực phẩm đã qua chế biến như xúc xích cũng tồn tại những mầm độc khó lường.
Kỳ 2: Ẩn họa "gà đầu trọc" và xúc xích được trộn với thuốc diệt ruồi
Có ai có thể tin được rằng, một con gà nhìn bề ngoài hoàn toàn khỏe mạnh nhưng bên trong lục phủ ngũ tạng đã thối nát hay không? Hay những cái xúc xích thơm nức mũi lại chứa chất độc giết người? Đừng lấy gì làm ngạc nhiên, với sản phẩm nhập lậu từ Trung Quốc không có gì là không thể xảy ra.
Hãi hùng gà “độc”
Gà Pháp hay còn gọi là giống gà siêu đẻ có lông màu vàng, đẻ quả trứng vỏ màu vàng đỏ (trứng gà công nghiệp) mà có một thời dân ta rất lạ lẫm. Lạ lẫm bởi vì sao? Trước khi giống gà này chưa được nuôi phổ biến, chưa được du nhập vào Việt Nam thì người dân chỉ biết đến loại gà đẻ trứng vỏ màu trắng và đẻ theo một chu kỳ với một số quả trứng nhất định rồi ấp. Còn với giống gà gọi là siêu đẻ này, nuôi khoảng 18 – 20 tuần sau khi bóc trứng, nó có thể liền tù tì mỗi ngày đẻ một quả trong suốt vòng đời.
Sau khi sức đẻ của gà đã giảm đi, người ta bắt đầu vỗ béo nó để bán làm gà thương phẩm. Chỉ cần ra chợ nhìn những con gà đầu trọc không còn một cái lông, bụng cũng nhẵn thín thì nó chính là “gà đầu trọc”.
“Gà đầu trọc” nhập lậu chứa nhiều chất kháng sinh nguy hiểm
Trung Quốc vốn là nơi có nhiều trang trại chăn nuôi gà đẻ lấy trứng cực lớn. Và thị trường này cũng là nơi có số lượng gà nhập lậu vào Việt Nam nhiều nhất. Qua các cửa khẩu ở Lạng Sơn, Quảng Ninh số lượng gà nhập lậu theo thống kê chưa đầy đủ thì có đến hàng trăm tấn gà thải loại với giá bán cực rẻ được đưa sang nước ta làm gà thương phẩm mỗi năm. Vì sao loại gà này lại chứa vô số những vi khuẩn, những chất độc thì độc giả sẽ biết ngay sau đây.
Tại một trang trại chăn nuôi gà của một người nông dân tên Hồ Lợi tại tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, một số kỹ sư chăn nuôi và cả PV đã chứng kiến quy trình vỗ béo cho những con gà thải loại này tăng cân đến chóng mặt. Theo Hồ Lợi thì hàng vạn con gà thải loại sẽ được tập trung vào một địa điểm riêng với chế độ ăn riêng. Chế độ ăn đó gồm những gì? Không gì ngoài cám tăng trọng, nước muối và thuốc giữ nước.
Loại thuốc cho gà uống để tích nước trong người khiến gà tăng cân ảo. Và việc tích nước muối quá nhiều trong cơ thể khiến toàn bộ lục phủ ngũ tạng của gà bị thối rữa. Thậm chí, dòi bọ còn lúc nhúc trong bụng gà. Nhưng nếu chỉ nhìn bên ngoài thì con gà vẫn rất khỏe mạnh. Hơn nữa, để những con gà này không bị mắc bệnh, Hồ Lợi cũng tiến hành tiêm vắc xin vô tội vạ. Cả những loại vắc xin được khuyến cáo cấm sử dụng trước khi giết mổ một tháng. Nhưng tiêm vắc xin chưa đến một tuần, những con gà của Hồ Lợi đã được xuất chuồng. Người nông dân này tiết lộ, phần lớn những đàn gà thải loại này được xuất sang Việt Nam.
Trên một diễn đàn mạng chăn nuôi của Trung Quốc thông tin về việc vỗ béo gà thải loại bằng những cách khác nhau cũng được lan truyền. Và không có cách nào đơn giản hơn là những con gà này được những nông dân Trung Quốc cho ăn cám tăng trọng trộn lẫn các phụ gia để tích nước khiến gà tăng cân trông thấy. Một con gà nặng 3kg thì có trong đó chắc chắn 1 kg nước. Và không có gì lạ khi trong thịt gà Trung Quốc người ta đã phát hiện ra nhiều dư lượng thuốc kháng sinh và hormone tăng trọng cực kỳ độc hại còn tồn đọng trong gà đẻ thải loại. Đặc biệt nguy hiểm là trong thịt gà thải loại này còn nhiễm Ecoli vượt quá giới hạn cho phép rất cao.
Kinh hoàng cách chế biến xúc xích
Trên bất kỳ con đường nào, khu chợ nào, quán ăn nào tại Việt Nam chúng ta cũng dễ dàng trông thấy người ta đang rán hoặc nướng xúc xích. Người dân chỉ thấy thích thú với mùi vị của món ăn nhanh này nhưng ít ai tìm hiểu rằng những cái xúc xích nướng sẵn kia có xuất xứ từ đâu và có thực sự đảm bảo vệ sinh hay không?
Xúc xích nhập lậu từ Trung Quốc bị tiêu hủy
Trung Quốc hơn hẳn các quốc gia láng giềng nào khác của Việt Nam là nơi chế biến xúc xích cực lớn. Và có thể nói không quá là ngoài những thương hiệu được bày bán trong siêu thị thì ngoài thị trường tự do, kể cả các đại lý lớn đều bị chiếm lĩnh bởi xúc xích Trung Quốc. Chúng không cần bao bọc bởi một cái túi màu mè. Từng chiếc xúc xích được xếp hổ lốn trong một cái bao tải và quẳng vào bảo quản trong kho lạnh. Tất cả những cái xúc xích “trần truồng” này đều có xuất xứ từ các cơ sở gia công ở Trung Quốc.
Điều đáng chú ý nhất với xúc xích được nhập lậu từ Trung Quốc là có giá rất rẻ. Chúng ta cứ thử hình dung khi thịt lợn trên thị trường có giá 100 ngàn đồng/1 kg thì xúc xích chỉ có giá 60 ngàn đồng/1 kg. Như vậy thì lời lãi ở đâu ra? Xúc xích được qua nhiều khâu chế biến lại có có giá rẻ hơn cả giá nguyên liệu làm ra nó. Vậy bí mật trong việc kinh doanh này là gì?
Không có gì là bí mật trong cách chế biến xúc xích trong các cơ sở gia công ở thành phố Thái Hưng, thuộc tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Tại đây, mỗi ngày hàng tấn xúc xích được chế biến, đóng gói và đưa ra thị trường. Quy trình làm xúc xích khiến nhiều người phát hoảng vì sự mất vệ sinh và nguy cơ tiềm ẩn ngộ độc thực phẩm. Trong những xưởng chế biến hết sức đơn sơ là la liệt những tảng thịt nát, bốc mùi hôi thối.
Phần lớn đó là những chiếc đầu lợn, phần thịt sau của lưỡi được chuẩn bị bằng quy trình tẩy mùi hôi. Những mảnh thịt đầu còn nham nhở lông, những miếng thịt sau đầu lưỡi rỉ nước nhớt vàng sau khi được rửa với thuốc tẩy trắng và rượu thì trở nên sạch sẽ, thơm tho. Chủ xưởng chế biến cho biết, mỗi ngày cơ sở này xử lý hết khoảng hai tấn rưỡi những loại thịt này và nó dùng để làm xúc xích. Thịt được đặt từ các lò mổ công nghiệp với cái giá cực rẻ. Nhiều người cho biết, nó chủ yếu được bán để phục vụ nhu cầu trong chăn nuôi.
Sau khi được làm sạch, khử mùi hôi thối, những tảng thịt nát được xếp ngay ngắn vào một cái xô. Công nhân của xưởng chế biến sẽ lấy một chai nước màu đỏ, được gọi là chất tạo màu và một ít thuốc bảo quản hòa lẫn với nhau và tưới đều lên các tảng thịt. Chưa xong, các tảng thịt sau khi được trộn hỗn hợp này sẽ được nhúng tiếp vào một xô nước khác rồi mới tiến hành làm khô. Hỏi, nước trong xô là nước gì? Công nhân xưởng chế biến này hồn nhiên trả lời đó là thuốc chống côn trùng!
Họ giải thích rằng, mùi của xúc xích rất thu hút các loại ruồi, nhặng đến sinh sống và đẻ trứng trên đó. Không còn cách nào hay hơn là họ nhúng qua thuốc diệt côn trùng và tuyệt nhiên không có một con ruồi nào dám bén mảng. Và nếu có những con ruồi, nhặng chết trên những tảng thịt nát này thì công nhân ở đây cũng sẵn sàng cho chúng vào lò nướng cùng với xúc xích.
Thịt nát, thối và thuốc diệt côn trùng sau khi được trộn lẫn với phụ gia rồi cho vào nướng sẽ trở thành những cái xúc xích ngon lành. Nhưng nhiều công nhân khẳng định rằng, có những cái xúc xích đã bị loại bỏ ngay sau khi ra lò vì nó không thể nào ăn được. Một chất độc đặc biệt nguy hiểm được các xưởng gia công này sử dụng vượt quá giới hạn cho phép là chất hóa học Natri nitrit để làm chất tạo màu. Ở một đất nước xa tít mù khơi như nước Mỹ, người ta đã tìm thấy trong xúc xích Trung Quốc có mặt của loại thuốc trừ sâu cực độc và đưa ra cảnh báo cấp nguy hiểm. Còn ở Việt Nam, xúc xích bẩn của Trung Quốc vẫn đang âm thầm đe dọa sức khỏe của mỗi người mà chưa có biện pháp ngăn chặn nào.
*Nỗi lo bị thực phẩm Trung Quốc đầu độc Người Mỹ có một câu nói rằng “một quả táo Trung Quốc đủ để làm cho các bác sĩ chuyên khoa ung thư của Mỹ bận rộn suốt cả ngày”. Vấn đề thực phẩm độc hại của Trung Quốc không chỉ là vấn nạn thường trực trong bữa ăn của người dân Việt Nam mà nó đang lan ra khắp thế giới. Nguyên nhân có phải do sự quản lý kém hay quy trình sản xuất lạc hậu hay không? Không phải, tất cả là do lợi nhuận và sự suy thoái đạo đức trầm trọng trong một bộ phận “nhà sản xuất” ở đất nước rộng lớn này. |