Vạch trần “công nghệ tẩm độc” vào thực phẩm của Trung Quốc (kỳ 1)

Biên Thùy| 26/05/2014 20:43
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Báo chí đã tốn khá nhiều giấy mực, mục đích chỉ muốn cảnh báo rằng, thực phẩm chúng ta đang tiếp nhận vào cơ thể hằng ngày có vô số độc tố. Trong số đó có những chất độc cực kỳ nguy hại và là cái chết chậm mà mắt thường không nhìn thấy được.

Kỳ 1: Hoa quả có xuất xứ “made in china” đã được “tẩm thuốc độc” như thế nào?

Hàng loạt những thứ chất độc ấy đang tràn lan trên thị trường, trong đó có những sản phẩm xuất xứ từ Trung Quốc. Đó là những sản phẩm nào? Và vì sao nó là thứ gây ra cái chết chậm? Để có cái nhìn toàn diện, PV sẽ từng bước vạch trần thủ đoạn “tẩm độc” vào thực phẩm của Trung Quốc mà nó đang ngang nhiên tồn tại trên chính nước ta.

Đã có một thời gian rất dài, các phương tiện truyền thông trong nước đã rầm rộ loan tin rằng hoa quả Trung Quốc đang trực tiếp đe dọa đến sức khỏe người dân. Thậm chí là chính báo chí Trung Quốc, người dân Trung Quốc cũng e ngại, cũng phát hoảng vì những chất độc trong hoa quả không được kiểm soát. Biết thế, nhưng rồi thì sao? Tất cả những thứ có xuất xứ “made in China” vẫn được người của ta tuồn về nước để đầu độc đồng bào mình. Họ biết trong đó có độc, biết rằng nó ngấm ngầm gây ra cái chết nhưng vì một lẽ, giá của nó rất rẻ và lợi nhuận rất cao.

“Nhồi thuốc độc” vào cam

Hễ nói đến cam Tàu (Trung Quốc) thì ai cũng ngán ngại, ai cũng biết nó có độc. Nhưng quả cam xuất xứ từ Trung Quốc có hình thù thế nào, phân biệt ra sao thì không phải ai cũng biết. Cũng phải thôi, khi cam Tàu đã chễm trệ nằm trên quầy với cái mác cam Việt thì người tiêu dùng có thông thái đến mấy cũng chịu bó tay. Đó là thủ thuật của gian thương người Việt khi “hô biến” một cách hết sức tài tình.

Cam mua ở Trung Quốc có giá rất rẻ. Nếu cam trong nước giá 30 ngàn đồng/1kg thì cam Trung Quốc chỉ bằng một phần ba hoặc cao lắm cũng chỉ bằng nửa mức giá ấy. Giá rẻ đánh trúng tâm lý tiêu dùng của người Việt nên cam giá rẻ tất nhiên được nhiều người lựa chọn. Nhưng có câu “của rẻ là của ôi”, trong trường hợp này rất chính xác.

Vạch trần “công nghệ tẩm độc” vào thực phẩm của Trung Quốc (kỳ 1)

Trong một nông trại cam ở Trung Quốc

Vì sao cam Tàu có độc? Đó là độc gì? Chính người viết bài có một thời gian đã lần theo dấu chân của thương nhân Trung Quốc nhằm trả lời câu hỏi của độc giả về chuyện họ mua con đỉa của Việt Nam để làm gì. May mắn thay, trong thời gian này, PV cũng vô tình tìm được câu trả lời cho chất độc và cách “tẩm độc” của nông dân Trung Quốc vào trái cam như thế nào. Nhìn bề ngoài vỏ trái cam Trung Quốc rất bóng dù vỏ xanh hay vỏ vàng. Nhưng khi bổ trái cam ra thì bên trong lại bị thối rữa. Mùi trái cam không đặc trưng mà có mùi rất hắc, tanh. Sự thực thì trái cam đó đã qua ít nhất 3 lần “thẩm mỹ” để nó có một hình hài bắt mắt nhưng bên trong lại ngấm ngầm tồn tại một chất độc chết người.

Đất nước Trung Quốc rộng lớn, những vùng giáp ranh với biên giới Việt Nam và cả sâu trong nội địa đều hình thành những vùng chuyên canh cây ăn quả như cam, táo, nho rộng hàng ngàn hecta ở Quảng Tây, Hồ Nam, Trùng Khánh… Một số lượng hoa quả rất lớn dùng để xuất khẩu sang các nước còn lại là phục vụ thị trường nội địa. Với những sản phẩm đóng gói xuất khẩu đi các nước phương Tây, châu Phi và thị trường nội địa được kiểm tra ngặt nghèo. Nhưng những thứ tuồn sang Việt Nam thì khác.

Ngoại ô thành phố Phúc Châu, Trung Quốc vốn đã sớm hình thành nhiều trang trại lưu trữ hoa quả. Ở đây, có những nông trường chứa hàng triệu tấn hoa quả, trong đó có cam. Sau khi được chọn lọc, những trái cam đẹp nhất được đóng gói chuyển đi tiêu thụ. Có hàng chục tấn quả bị thối, bị mốc sẽ tiếp tục được đưa vào quy trình “tái chế” hết sức kinh hoàng. “Không có bất cứ thứ gì bị vứt bỏ đi ở đây”, đó là khẳng định của một công nhân trong một nông trường rộng lớn.

Một chiếc bồn chứa hàng tấn cam luôn luôn trong tình trạng đầy ắp những quả cam hỏng, cam mốc. Những công nhân của nông trường sẽ đổ vào bồn đó một thứ dung dịch dạng lỏng, đồng thời dùng một lọ thuốc bột màu đỏ đổ vào dung dịch trên sau đó khuấy đều để điều chỉnh màu. Sau khi cam được tắm bằng dung dịch này tất cả những nấm mốc sẽ biến mất, ngược lại quả cam có màu sáp bóng rất đẹp. Ngay cả những quả cam hỏng, nát được công nhân bóc múi và ngâm trong dung dịch để làm nguyên liệu chế biến nước cam tươi. Người ta sẽ thắc mắc, chai bột màu đỏ và dung dịch loãng ấy là gì? Đó chính là dầu hỏa và phẩm màu. Những độc tố ngấm qua vỏ cam sẽ là hung thủ gây ra vô số bệnh tật và báo trước cái chết trong tương lai không xa khi chúng ta ăn phải những sản phẩm này.

Ngay cả ở vùng Vân Nam, Quảng Tây nơi mà cam được nhập lậu vào nước ta với số lượng lớn không qua kiểm tra đều được làm bằng cách tương tự như vậy. Triệu chứng đầu tiên khi ăn phải thứ chất độc trong những trái cam này là đau bụng, buồn nôn, đi ngoài. Và khi việc tích tụ độc tố tăng dần thì những căn bệnh nguy hiểm như ung thư sẽ là kết quả mà chúng ta phải gánh lấy.

Biến đào chua thành ngọt, xanh hóa chín ra sao?

Những ngày này, nếu ai đi qua trục đường quốc lộ 6A thuộc địa phận Mai Châu, Hòa Bình hoặc Sơn La thấy xuất hiện rất nhiều đào bán la liệt. Ai ngang qua cũng đáp xe mua một ít làm quà, người ta ngỡ rằng đó chính là đào mà bà con dân tộc nơi đây trồng sâu trong hẻm núi. Thế nhưng, ít ai biết, số lượng đào được trực tiếp trồng và bán ở đây không nhiều. Phần lớn đào được đem từ nơi khác đến rồi khoác vào “cái áo” đào ta, đào sạch.

Khi hỏi một người nông dân rằng chúng tôi có thể vào thăm vườn đào không? Chị lắc đầu nguây nguẩy: “Không được đâu mà. Xa lắm mà”. Hỏi: “Thế đây là đào nhà chị trồng được à?”. Chị thành thật: “Đào nhà mình trồng bán hết rồi. Mình mua lại bán kiếm lời thôi”. PV hỏi tiếp: “Chị mua lại của ai?”. “Nó ở dưới xuôi, chở cả ô tô to lắm lên đây. Nó bán lại cho dân bản địa, rồi dân bản địa bán cho người đi đường”, chị nông dân cho biết. PV thắc mắc: “Sao ai cũng bảo đào nhà trồng được?”. Chị ta tủm tỉm: “Nói thế để bán được nhiều mà”.

Đào Trung Quốc trồng ở khu vực biên giới giáp với các tỉnh phía Tây Bắc nước ta không khác gì so với đào Sơn La hay Hòa Bình. Hơn thế, trái đào còn có mẫu mã đẹp hơn, ăn giòn hơn, ngon hơn. Nhưng để được trái đào như thế người Trung Quốc đã làm gì? Đào bán sớm thường được giá nên người Trung Quốc thu hoạch ngay khi trái đào còn xanh và ăn rất chua. Nhưng họ đã “phù phép” vào nó một thứ dung dịch và không phải ăn vào miệng ai cũng nhận ra.

Đào xanh sau khi được thu hoạch sẽ tập trung vào từng cái thùng lớn chứa đầy nước để ngâm trong vòng vài tiếng đồng hồ. Nếu hỏi người nông dân Trung Quốc sẽ nói đó chỉ là nước để rửa đào cho sạch lông rặm bên ngoài. Thế nhưng, họ đã cho những gì vào đó? Nó bao gồm phèn chua, mì chính, rượu và nước. Những thứ này được trộn lẫn nhau thành một hỗn hợp có thế biến đào xanh thành chín, đào chua thành ngọt và trọng lượng có thể tăng gấp đôi. Nếu không tin độc giả có thể thí nghiệm bằng phương pháp hết sức đơn giản này và theo dõi sự biến đổi đến ngạc nhiên của nó.

Và như chúng ta đã biết thì phèn chua có chứa nhôm vô cùng độc hại và nó ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển trí thông minh của trẻ em. Những trái đào Trung Quốc khi bị “tẩm độc” sẽ chỉ giữ được độ giòn trong một thời gian rất ngắn sau đó thì ỉu đi và thối rữa phía trong ruột. Và khó có thể trách rằng, người tiêu dùng không thông thái mà chỉ bởi những kẻ bất nhân đã dùng thủ thuật quá tinh vi.

Nho, táo tắm thuốc, xoài trộn lẫn đất đèn

Nho, táo Trung Quốc đã nhiều lần bị các nước nhập khẩu cho rằng có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong quả quá cao. Khi nho, táo Trung Quốc nhập lậu vào Việt Nam thì dư lượng độc tố còn cao gấp nhiều lần. Thế nhưng, gần đây nho Trung Quốc còn được người ta “mặc” cho “cái áo” của nho Mỹ, bán giá cao gấp nhiều lần. Hay như xoài có xuất xứ từ Trung Quốc cũng vậy. Những quả xoài to, chín mọng, màu vàng bắt mắt nhưng phần lớn được làm chín siêu tốc chỉ trong vài tiếng đồng hồ bằng đất đèn và thúc chín bằng các loại thuốc chứa độc tố nguy hiểm khác.

(Kỳ 2: Ẩn họa “gà trọc đầu” và xúc xích trộn với thuốc diệt ruồi)

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vạch trần “công nghệ tẩm độc” vào thực phẩm của Trung Quốc (kỳ 1)