Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về 13 dự án Luật cùng nhiều nội dung quan trọng để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, đồng thời xem xét, quyết định một số nội dung thuộc thẩm quyền.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu bế mạc Phiên họp thứ 37 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội
Hoàn thành nhiều nội dung quan trọng
Ngày 20/9, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bế mạc phiên họp thứ 37, hoàn thành chương trình đề ra sau 11 ngày làm việc tập trung, hiệu quả, trách nhiệm.
Phát biểu bế mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, đây là phiên họp dài nhất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về 13 dự án Luật cùng nhiều nội dung quan trọng để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, đồng thời xem xét, quyết định một số nội dung thuộc thẩm quyền.
Chủ tịch Quốc hội ghi nhận sự chuẩn bị nội dung, tài liệu cho phiên họp có sự tiến bộ so với các phiên họp trước. Một số nội dung tuy chậm, bổ sung thêm vào chương trình nhưng tài liệu vẫn được chuẩn bị chu đáo. Bên cạnh đó, các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chủ động sắp xếp thời gian tham gia đầy đủ, cho ý kiến sôi nổi vào các nội dung. Các cơ quan hữu quan, Chính phủ đã có sự chuẩn bị, phối hợp và tham dự đầy đủ các nội dung phiên họp để tiếp thu, hoàn chỉnh một bước các nội dung trước khi trình Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội phối hợp với Tổng Thư ký Quốc hội khẩn trương ban hành thông báo kết luận phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để các cơ quan hữu quan có căn cứ triển khai. Trong đó, cố gắng hoàn tất các nội dung đã cho ý kiến, cũng như những nội dung cần xin ý kiến bằng văn bản hay cần tiếp tục cho ý kiến tại Phiên họp thứ 38.
Cho biết Phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến kéo dài 3 ngày làm việc, sát với thời điểm khai mạc Kỳ họp thứ 8, khối lượng công việc cần xem xét khá nhiều, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan hữu quan tích cực, chủ động phối hợp với các cơ quan của Quốc hội để chuẩn bị các nội dung bảo đảm tiến độ.
Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều; Luật Thanh niên (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp. Cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước; dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về báo cáo sơ kết 05 năm triển khai thi hành Hiến pháp; cho ý kiến về sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội về quản lý và sử dụng nguồn thu từ thoái vốn, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước; về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về xử lý tiền thuế nợ đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước; về phương án phân bổ sử dụng nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2018; về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021- 2025; việc bổ sung dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Ai len cho các xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135; về việc ký Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh Châu Âu về thiết lập khuôn khổ tham gia của Việt Nam vào các hoạt động quản lý khủng hoảng của Liên minh châu Âu.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2019; các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019; báo cáo công tác năm 2019 và kế hoạch kiểm toán năm 2020 của Kiểm toán Nhà nước.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Nghị định quy định thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hoá quá cảnh thông qua Hệ thống quá cảnh Hải quan ASEAN để thực hiện Nghị định thư 7 về Hệ thống quá cảnh hải quan. Cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 8 của Quốc hội.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2012-2018”.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét quyết định việc thành lập 04 phường thuộc thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh; việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, thành lập các phường và thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương; việc thành lập thị xã Sa Pa và các phường trực thuộc trên cơ sở sắp xếp, sáp nhập và điều chỉnh các đơn vị hành chính cấp xã thuộc huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Đồng thời xem xét, quyết định về nhân sự.
Bổ sung các quy định giải quyết những phát sinh Luật Nhập cảnh, xuất cảnh
Trước đó, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch QH, Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (dự án Luật).
Tờ trình dự án Luật do Thứ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Bùi Văn Nam trình bày nêu rõ, việc sửa đổi, bổ sung Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam nhằm luật hóa chính sách cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam; kịp thời điều chỉnh các vấn đề mới phát sinh và bảo đảm sự đồng bộ với quy định của pháp luật khác có liên quan mới được ban hành; tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người nước ngoài nhập xuất cảnh Việt Nam, góp phần thúc đẩy phát triển KT - XH, đồng thời đảm bảo an ninh quốc gia.
Mục đích của việc sửa đổi Luật là nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, bổ sung các quy định để giải quyết những vướng mắc phát sinh trong thực tế; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; tiếp tục đơn giản hóa thủ tục để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người nước ngoài vào Việt Nam, Thứ trưởng Bùi Văn Nam nói.
Trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt cho biết, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh tán thành với sự cần thiết ban hành Luật, xuất phát từ lý do: Việc thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam theo Nghị quyết số 30/2016/QH14 và Nghị quyết số 74/2018/QH14 của QH được đánh giá là có hiệu quả thiết thực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế của đất nước, cần phải được luật hóa để bảo đảm thực hiện ổn định lâu dài. Cùng với đó là yêu cầu hoàn thiện hệ thống pháp luật về xuất cảnh, nhập cảnh bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, khắc phục những bất cập, hạn chế tại một số quy định của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và bổ sung điều chỉnh những vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn quản lý người nước ngoài tại Việt Nam….
Nhất trí cao với báo cáo thẩm tra sơ bộ, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam sẽ góp phần cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm sự thuận lợi, thông thoáng về thủ tục, chặt chẽ về mặt quản lý nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người nước ngoài nhập, xuất cảnh Việt Nam. Đồng thời, thể chế hóa chủ trương đối ngoại của Đảng; bảo đảm phù hợp với các Hiệp định thương mại đã được ký kết, gia nhập trong thời gian qua, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, phục vụ phát triển kinh tế của đất nước.
* Cũng trong phiên họp buổi chiều, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc ký Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên Minh Châu Âu về thiết lập khuôn khổ tham gia của Việt Nam vào các hoạt động quản lý khủng hoảng của Liên minh Châu Âu.