Sáng 23/9, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Pháp luật khai mạc Phiên họp toàn thể lần thứ 2. Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định chủ trì phiên họp.
Tham dự phiên họp còn có Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc; Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng cùng các thành viên Ủy ban Pháp luật Khóa XIV.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định phát biểu khai mạc phiên họp. Ảnh: Đình Nam
Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, để phục vụ phiên họp thứ 4 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Kỳ họp thứ 2 Quốc hội Khóa XIV, tại Phiên họp này Ủy ban Pháp luật tiến hành thẩm tra Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Quy chế quy định về trình tự, thủ tục tiến hành một số nội dung liên quan đến hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội; Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Nước; Báo cáo của Chính phủ về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2016; Dự án Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước (sửa đổi); và Dự án Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi). Phiên họp dự kiến diễn ra trong hai ngày 23-24/9.
Tại phiên họp buổi sáng, Ủy ban Pháp luật cho ý kiến về Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Quy chế quy định về trình tự, thủ tục tiến hành một số nội dung liên quan đến hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội; Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Nước.
Trình bày Tờ trình về việc xây dựng Quy chế tổ chức thực hiện hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân được Quốc hội Khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ 10 là bước tiến quan trọng, góp phần thiết thực khắc phục những tồn tại, hạn chế nảy sinh trong quá trình thực thi Luật hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2003. Tuy nhiên, một số quy định của Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân còn dừng ở mức nguyên tắc, khi áp dụng trong thực tế vẫn gặp phải vướng mắc nhất định. Để Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân sớm đi vào cuộc sống, nâng cao tính chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu lực, hiệu quả, khắc phục được những tồn tại, hạn chế, việc xây dựng và ban hành Quy chế tổ chức thực hiện hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội là cần thiết và phù hợp với yêu cầu thực tiễn đặt ra.
Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu tại phiên họp
Dự thảo Quy chế gồm 6 chương, 58 điều, quy định cụ thể một số nội dung liên quan đến cách thức tổ chức hoạt động chất vấn; cách thức tổ chức các đoàn giám sát; tổ chức thực hiện giám sát chuyên đề; điều hòa hoạt động của các đoàn công tác tại địa phương và hoạt động giải trình tại các cơ quan của Quốc hội; các hoạt động hậu giám sát.
Thảo luận tại phiên họp đa số đại biểu đánh giá cao sự chuẩn bị của Ban soạn thảo và nhất trí với việc cần thiết ban hành, bố cục và các nội dung chính của dự thảo Quy chế tổ chức thực hiện hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội nhằm bảo đảm thực hiện thẩm quyền và hiệu quả tổ chức thực hiện giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội.
Tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng đề nghị, Ban soạn thảo cần tiến hành rà soát các nội dung trong dự thảo Quy chế bảo đảm các nguyên tắc như Quy chế chỉ quy định cụ thể những vấn đề vướng mắc thường gặp khi tổ chức thực hiện nhưng chưa được quy định rõ trong Luật, không nêu lại những nội dung điều khoản đã quy định trong Luật; bảo đảm các quy trình thủ tục được quy định trong Quy chế phải đúng quy định pháp luật, thống nhất trong hệ thống pháp luật. Quy chế cần bổ sung quy định giám sát của đại biểu Quốc hội nhằm tạo thuận lợi cho đại biểu thực hiện và phát huy hơn nữa vai trò giám sát của mình. Bên cạnh đó các đại biểu cũng kiến nghị cần thiết ban hành quy chế tổ chức thực hiện hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân nhằm bảo đảm thống nhất trong tổ chức thực hiện hoạt động giám sát theo quy định của Luật.
Cũng trong phiên họp buổi sáng, Ủy ban pháp luật cho ý kiến thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước. Việc ban hành quy định về thể thức văn bản quy phạm pháp luật để bảo đảm sự chuẩn mực và thống nhất về hình thức của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật giữa Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước với Chính phủ, các cơ quan tổ chức hữu quan nhằm khắc phục tình trạng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật không được trình bày theo thể thức thống nhất hiện nay.