Ưu đãi hơn nữa cho “tam nông”

05/06/2012 21:52
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 5-6, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo giám sát của UBTVQH về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn và thảo luận về báo cáo này.

Đầu tư lớn nhưng thiếu hiệu quả

Qua quá trình giám sát, Ủy ban Kinh tế ghi nhận, từ năm 2006 đến năm 2011, vốn đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn (tam nông) từng bước được nâng lên. Tổng vốn đầu tư công cho tam nông từ nguồn NSNN và trái phiếu Chính phủ là 432.787 tỷ đồng, bằng 49,67% tổng vốn đầu tư phát triển nguồn NSNN và trái phiếu Chính phủ.

Vốn FDI đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn rất thấp và có xu hướng giảm dần, từ tỷ lệ 8% năm 2001 xuống còn 1% năm 2010. Tính chung cả thời kỳ 1999 - 2010, ngành nông nghiệp mới thu hút được khoảng 738 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký là 4,3 tỷ USD, chiếm 2,3% trong tổng số vốn đầu tư đăng ký của cả nước.

Ưu đãi hơn nữa cho “tam nông”

Nhiều địa phương đã có các giải pháp huy động vốn đầu tư từ các tổ chức, doanh nghiệp, tạo cơ chế để người dân đóng góp bằng tiền, hiến đất và lao động trực tiếp để đầu tư xây dựng cầu, đường, trường học, nhà ở… Nhờ đó, cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn đã được quan tâm đầu tư xây dựng, tác động tích cực cho phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, góp phần nâng cao đời sống nông dân, cải thiện diện mạo nông thôn…

Tuy nhiên, UBTVQH cũng đã nêu rõ một số hạn chế, yếu kém chủ yếu. Trong đó, nguồn lực đầu tư cho tam nông còn rất thiếu so với nhu cầu. Công tác lập và thực hiện quy hoạch còn hạn chế, chưa sát thực tế; tình trạng đầu tư dàn trải, kéo dài, hiệu quả sử dụng vốn chưa cao vẫn còn phổ biến; một số nơi việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật và pháp luật trong đầu tư chưa nghiêm túc, còn để xảy ra sai phạm trong quản lý đầu tư; chưa thực hiện tốt cơ chế dân chủ và phát huy sức mạnh tổng hợp của người dân trong tổ chức thực hiện đầu tư. Về phát triển sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn, chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; hình thức liên kết, liên doanh “bốn nhà” trong nông nghiệp chưa gắn chặt trách nhiệm để làm cơ sở phát triển bền vững…

Ưu đãi hơn nữa cho “tam nông”

Đại biểu Nguyễn Thanh Thụy

Bên cạnh đó, quy định khống chế hạn mức giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân trong Luật Đất đai đã gây khó khăn cho việc mở rộng diện tích và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm. Một vấn đề khác là thời hạn sử dụng đất theo Luật Đất đai đến nay đã sắp hết hiệu lực, nhưng chưa có chủ trương cụ thể, nên nông dân không mạnh dạn và an tâm đầu tư. Quy định về công tác giải phóng mặt bằng chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa quyền của Nhà nước - đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai (khi thực hiện thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc gia, lợi ích công cộng, phát triển kinh tế) và quyền của người dân có đất bị thu hồi.

Ưu đãi hơn nữa cho "tam nông"

UBTVQH kiến nghị, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về đầu tư công cho tam nông; Đề nghị phân bổ vốn NSNN tập trung, ưu tiên cho các công trình trọng điểm về cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội có tác động lớn đến phát triển các ngành, lĩnh vực, địa phương; đặc biệt là ưu tiên đầu tư cho các lĩnh vực xã hội, các huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao; các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; các xã đông đồng bào dân tộc thiểu số...

Ưu đãi hơn nữa cho “tam nông”

Đại biểu Trần Văn Tấn

Thảo luận về Báo cáo giám sát của UBTVQH, ngày 5-6, các đại biểu Quốc hội đã kiến nghị Nhà nước cần quan tâm, có nhiều chính sách ưu đãi hơn nữa vào lĩnh vực nông thôn, nông nghiệp.

Đại biểu Nguyễn Thanh Thụy (Bình Định) nhận định, để có được một nền nông nghiệp hàng hóa phải có hệ thống chính sách đồng bộ về đất đai, tín dụng, thuế, năng lượng. Do đó, một ưu tiên hàng đầu trong thời gian tới là bổ khuyết để hoàn chỉnh khung pháp luật này. Đại biểu Trịnh Thế Khiết (Hà Nội) kiến nghị, để tạo điều kiện cho nhà đầu tư yên tâm bỏ vốn lớn, kinh doanh lâu dài, chính sách hạn điền phải thay đổi. Thời gian sử dụng đất nông nghiệp nên dài hơn, khoảng 50 năm.

Đại biểu Trần Văn Tấn (Tiền Giang) cho rằng còn nhiều bất hợp lý trong quá trình triển khai thực hiện chính sách về tam nông. Văn bản hướng dẫn chậm, thi hành cũng chậm. Đơn cử là chủ trương thu mua lúa tạm trữ vừa qua được triển khai khi người dân đã bán hết lúa. Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) quan tâm đến một vấn đề chưa được đề cập trong Báo cáo giám sát là công tác đào tạo nguồn nhân lực cho nông nghiệp, nông thôn…

Ưu đãi hơn nữa cho “tam nông”

Đại biểu Nguyễn Thu Anh

Đại biểu Nguyễn Thu Anh (Lâm Đồng) cho rằng, cơ chế phân cấp về quyết định đầu tư và phân bổ vốn cho nông nghiệp, nông thôn theo hướng tăng cường quyền quyết định cho các cấp là phù hợp nhưng lại thiếu các biện pháp đồng bộ và thiếu kiểm tra, kiểm soát dẫn đến tình trạng phê duyệt quá nhiều dự án đầu tư mà không tính đến khả năng về nguồn vốn. Đại biểu đề nghị tăng cường phân cấp cho các địa phương trong việc phân bổ nguồn vốn được giao để thực hiện các mục tiêu đề ra, bảo đảm sử dụng vốn hiệu quả, tránh dàn trải, kéo dài.

Qua công tác thanh tra, kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện 220 vụ việc vi phạm trong lĩnh vực quản lý đầu tư cho tam nông, gây thiệt hại cho Nhà nước hàng chục tỷ đồng... Kiến nghị xử lý theo pháp luật 278 đối tượng và 33 doanh nghiệp, đơn vị thiết kế, thi công, thu hồi cho Nhà nước 21,7 tỷ đồng.

Bảo Nam

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ưu đãi hơn nữa cho “tam nông”