PGS. TS Lê Bạch Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, việc lạm dụng nước ngọt có ga không chỉ khiến trẻ có nguy cơ bị béo phì, mắc bệnh đái tháo đường mà còn làm tăng đào thải canxi qua nước tiểu dẫn đến trẻ có thể bị còi xương.
Trước xu hướng dùng nước ngọt có ga ngày càng gia tăng ở trẻ em, PGS. TS Lê Bạch Mai tỏ ra vô cùng lo ngại. Bà Mai cho biết, nước ngọt có gas là loại thực phẩm cung cấp năng lượng nhanh nhưng nghèo vi chất dinh dưỡng do nước ngọt chứa nhiều đường. Việc trẻ tiêu thụ nhiều nước ngọt có ga, đồng nghĩa với nạp nhiều đường vào cơ thể. Trong khi năng lượng nạp nhiều nhưng vận động của trẻ em lại rất hạn chế dẫn đến nguy cơ bị béo phì.
Uống nhiều nước ngọt có ga trẻ có nguy cơ mắc nhiều bệnh nguy hiểm
Một nghiên cứu mới nhất đã chỉ ra rằng, tỷ lệ trẻ em uống nước ngọt ngày càng gia tăng và cứ năm sau lại nhiều hơn năm trước, lứa tuổi sử dụng ngọt có ga ở trẻ ngày càng thấp. PGS. TS Lê Bạch Mai phân tích, chỉ cần 1 ngày trẻ uống 1 món đồ uống có ga thì tỷ lệ đường được khuyến cáo đã vượt ngưỡng an toàn mà WHO đưa ra rất nhiều. Lượng đường được tích tụ qua mỗi ngày góp phần tạo mỡ, thừa năng lượng gây béo phì và các bệnh rối loạn chuyển hóa ở trẻ.
Theo thống kê của Viện Dinh dưỡng quốc gia, hiện nay tỷ lệ béo phì đã xấp xỉ 10% dân số toàn quốc, cá biệt có địa phương tỷ lệ cao gần 30%. Tình trạng béo phì ở trẻ em tiềm ẩn nhiều nguy cơ mắc các bệnh lý tiểu đường, tăng huyết áp, tim mạch gây nguy hại lâu dài cho sức khoẻ của trẻ.
Không chỉ nguy hiểm ở việc nạp nhiều đường mà trẻ uống quá nhiều nước ngọt có ga sẽ làm tăng đào thải canxi qua nước tiểu. Trong khi chế độ ăn hàng ngày của trẻ vẫn chưa đáp ứng được lượng canxi cần thiết vì thế uống nhiều nước ngọt có ga khiến trẻ bị thiếu canxi, dẫn đến còi xương.
PGS. TS Lê Bạch Mai cho biết thêm, hiện đã xuất hiện bệnh đái tháo đường tuýp 2 ở trẻ. Đặc biệt với những trẻ em ở thành phố có thói quen ăn các đồ ăn nhanh giàu chất mỡ lại lười vận động là một trong những nguy cơ đe dọa đái tháo đường.
Ngoài ra, nồng độ đường trong nước ngọt khá cao, cộng thêm sự tác động của vi khuẩn trong miệng, đường sẽ lên men và tạo axit phá hủy cấu trúc răng đồng thời “mài mòn” răng trong một thời gian dài. Do đó, trẻ có thể bị sâu răng nghiêm trọng.
Việc uống nhiều nước ngọt có ga sẽ khiến cơ thể trẻ phải “dung nạp” nhiều đường và buộc cơ thể phải “huy động” một lượng nước lớn để điều tiết lượng đường này. Cơ thể mất nước sẽ gây nhiều nguy hại tới sức khỏe. Đó cũng là lý do vì sao uống nước ngọt có ga không những không giảm được cơn khát mà còn khiến chúng ta cảm thấy cơ thể đang thiếu nước hơn rất nhiều.
Ngoài nước ngọt có ga, những thức uống khác cũng có thể gây hại cho sức khỏe của trẻ như nước ép trái cây nhân tạo, nước uống năng lượng... vì chúng chứa quá nhiều đường và có giá trị dinh dưỡng thấp.