UBTVQH Cho ý kiến về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2021

21/04/2020 15:35
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng nay 21/4, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, UBTVQH đã cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 của Quốc hội.

Đưa dự án Luật Đất đai ra khỏi Chương trình xây dựng luật năm 2020

Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Chương trình năm 2021 được Chính phủ đề nghị gồm 8 dự án luật. Theo đó, tại Kỳ họp thứ 11, Chính phủ chỉ đề nghị đưa 2 dự án vào Chương trình thông qua là: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) và Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi);

Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV, là kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ mới, Quốc hội tập trung thảo luận về công tác tổ chức, nhân sự nên Chính phủ không đề xuất đưa các dự án vào Chương trình kỳ họp này; Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, Chương trình thông qua gồm 1 dự án luật được gối từ Chương trình năm 2020 sang là Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Chương trình cho ý kiến 5 dự án luật, gồm: Luật Điện ảnh (sửa đổi); Luật Cảnh sát cơ động; Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

UBTVQH Cho ý kiến về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2021

Phó Chủ tich Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại phiên họp

Về điều chỉnh Chương trình năm 2020, Chính phủ đề nghị điều chỉnh đối với 10 dự án, dự thảo; trong đó đưa ra khỏi Chương trình 1 dự án là dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai và điều chỉnh phạm vi sửa đổi, từ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường thành Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).

Như vậy, sau khi điều chỉnh, số lượng các dự án, dự thảo thuộc Chương trình năm 2020 sẽ là 24 dự án, tăng 7 dự án so với Nghị quyết số 78/2019/QH14. Số lượng dự án như trên là tương đương với các năm 2017, 2018, 2019 và có thể bảo đảm tính khả thi.

Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, việc đưa các dự án, dự thảo luật vào Chương trình năm 2021 cần tính đến đặc thù là năm 2021 sẽ có 03 Kỳ họp của Quốc hội. Tại kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ khóa XIV và Kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV, Quốc hội sẽ không dành nhiều thời gian cho công tác xây dựng pháp luật mà chủ yếu tập trung đánh giá, tổng kết hoạt động của Quốc hội Khóa XIV và chuẩn bị tổ chức, nhân sự cho Quốc hội khóa XV.

Qua thẩm tra, nhiều ý kiến Ủy ban Pháp luật đánh giá trong việc lập và thực hiện Chương trình vẫn còn một số hạn chế như: tính dự báo không cao; việc đề nghị điều chỉnh Chương trình để bổ sung thêm dự án vẫn diễn ra phổ biến, trong đó không ít dự án được đề nghị bổ sung gần sát kỳ họp Quốc hội, gây khó khăn, bị động cho các cơ quan của Quốc hội;

Tình trạng xin lùi, rút dự án do chưa chuẩn bị kịp, không bảo đảm chất lượng vẫn còn; việc lấy ý kiến nhiều trường hợp còn hình thức, hiệu quả thấp, đối tượng lấy ý kiến chưa đầy đủ; việc rà soát để nhận diện các quy định pháp luật có mâu thuẫn, chồng chéo để dự kiến sửa đổi, bổ sung ngay trong quá trình soạn thảo trong một số trường hợp chưa được chú trọng; tình trạng chậm gửi hồ sơ dự án vẫn còn.

Cụ thể, về điều chỉnh Chương trình năm 2020 (kỳ họp thứ 10/2020), Chính phủ đề nghị bổ sung 03 dự án luật, dự thảo nghị quyết mới vào Chương trình kỳ họp thứ 10, bao gồm: 01 dự án luật và 01 dự thảo nghị quyết cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 10; 01 dự án luật cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10, thông qua tại kỳ họp thứ 11;

Tổng Liên đoàn Lao động Việt nam đề nghị lùi thời gian trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn từ kỳ họp thứ 9 sang kỳ họp thứ 10, thông qua tại kỳ họp thứ 11. Đại biểu Quốc hội đề nghị xây dựng dự án Luật về Dịch vụ công trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 hoặc kỳ họp thứ 10. Ngoài ra, trong quá trình tham gia thẩm tra, các Ủy ban của Quốc hội đề nghị điều chỉnh thời gian trình, bổ sung vào Chương trình năm 2020 đối với 03 dự án luật  và 01 dự án pháp lệnh.

Đã có sự tính toán phù hợp

Về dự kiến Chương trình năm 2021, Ủy ban Pháp luật nhận thấy, việc Chính phủ đề nghị về Chương trình năm 2021 đã có sự tính toán phù hợp với đặc điểm tình hình của năm 2021 là năm chuyển giao giữa 2 nhiệm kỳ, nên số lượng văn bản được đề xuất không nhiều (kỳ họp thứ 11 Quốc hội khoá XIV: có 02 dự án thông qua; kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV không trình dự án nào; kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV có 01 dự án thông qua, 05 dự án cho ý kiến).

UBTVQH Cho ý kiến về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2021

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu tại phiên họp

Như vậy, dự kiến Chương trình năm 2021 sẽ là: Tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khoá XIV (tháng 3/2021): thông qua 04 dự án luật đã được cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10; không cho ý kiến dự án nào. Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá XV (tháng 7/2021): thông qua dự thảo Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022: không cho ý kiến về dự án nào. Tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá XV (tháng 10/2021): cho ý kiến 06 dự án luật.

Thảo luận về nội dung này tại Phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội bày tỏ sự tán thành cao đối với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật về đề nghị Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình năm 2020.
Cho ý kiến tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhận định: Năm 2019 Chính phủ đã rất cố gắng hoàn thiện hệ thống pháp luật để đáp ứng yêu cầu cuộc sống; số dự án Luật rút ra so với các kỳ trước tương đối ít.

Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh lần này cần kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo chất lượng, đảm bảo độ chín của các Dự án Luật. Đề nghị Chính phủ xem lại nội dung đề nghị đưa vào Chương trình Nghị quyết của Quốc hội về phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 về tên và một số vấn đề thuộc nội dung của Nghị quyết.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình đề nghị đối với mỗi dự luật thì cơ quan trình cần làm rõ quan điểm chỉ đạo, mục tiêu của đề ra. Cùng với đó là phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành trong quá trình xây dựng dự án luật.

Còn theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt, cần đảm bảo tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật, tránh một Luật mới được ban hành lại có xung đột với những luật hiện hành; cần có điều kiện, thời gian rà soát để xây dựng hệ thống phải luật đảm bảo bám sát với đời sống. Đồng thời đề nghị xây dựng Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ càng sớm càng tốt để cùng chung tay giảm thiểu tai nạn an toàn giao thông, đảm bảo trật tự giao thông tốt hơn.

Tán thành cao với Tờ trình của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh năm 2020, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, các dự án Luật trình cần phải đảm bảo nguyên tắc đáp ứng đúng yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ, UBTVQH nhất trí với những đánh giá về tình hình thực hiện về tình hình thực hiện chương trình xây dựng pháp luật năm 2019, đầu năm 2020; tán thành nguyên tắc lập đề nghị về Chương trình năm 2021, điều chỉnh Chương trình năm 2020. UBTVQH cũng thống nhất tại Kỳ họp thứ 9 sẽ thông qua 10 dự án Luật; cho ý kiến về 6 dự án Luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
UBTVQH Cho ý kiến về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2021