Theo như chia sẻ của PGS.TS Vũ Thị Hiền - Trưởng phòng Quản lý đào tạo (Trường Đại học Ngoại thương), hiện nay nhiều nơi đi theo xu hướng tiếp cận liên ngành để giải quyết các vấn đề thuộc lĩnh vực khác nhau bằng công nghệ.
Bà Hiền phân tích, ở lĩnh vực kinh tế đang phải ứng dụng công nghệ vào giải quyết các vấn đề ở tầm vĩ mô. Vì vậy, công nghệ thông tin được xem là ngành “không bao giờ lỗi mốt”.
Còn theo như đánh giá của Thạc sĩ Phùng Quán (Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TPHCM), dẫn chứng số liệu: Hiện nhu cầu nhân lực của ngành công nghệ thông tin là khoảng 400.000 người mỗi năm, trong khi các trường chỉ có thể cung cấp được khoảng 320.000 người. Đó là chưa kể nhiều bạn tốt nghiệp ra nước ngoài làm việc.
Ngày hội tuyển sinh năm 2020 tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Kim Chi.
Dù nguồn nhân lực thiếu nhưng theo các chuyên gia, không phải ai tốt nghiệp ngành này cũng có việc làm. Bởi hiện nay chất lượng đào tạo còn khác nhau giữa các trường cùng đào tạo ngành này, nên dù nguồn cung nguồn thiếu hụt nhưng đòi hỏi sinh viên phải có chuyên môn và kỹ năng tốt.
Ngoài ra, nếu học sinh chọn ngành công nghệ thông tin thì sẽ phải cập nhật liên tục kiến thức, bởi ngành này đòi hỏi người làm việc phải liên tục tái đào tạo nếu không sẽ bị lạc hậu bởi công nghệ thay đổi rất nhanh. Chính vì thế, các chuyên gia đưa ra lời khuyên với thí sinh, ngoài đam mê, sở thích, các em cần phải có năng lực nhất định để có thể học và theo đuổi ngành nghề sau khi tốt nghiệp.
Đồng thời các ngành về dịch vụ, du lịch có cơ hội việc làm cao, thì các ngành chăm sóc sức khỏe, báo chí - truyền thông, tâm lý học... dự báo vẫn có nhiều cơ hội để phát triển. Bởi khi xã hội càng phát triển thì nhu cầu chăm sóc tinh thần, sức khỏe, nhu cầu truyền thông càng cao và chiếm vị thế quan trọng.
Còn theo ông Đào Trọng Độ, Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp: “Hiện nay nhu cầu về nhân lực dịch vụ khách sạn rất lớn, vì chính phủ muốn đưa du lịch trở thành ngành kinh tế chủ lực. Bởi vậy, cơ hội làm việc tại các tập đoàn đầu tư du lịch rất lớn, trải dài nhiều trình độ. Đồng thời, khối quản trị nhà hàng, khách sạn đang rất thiếu nhân lực bậc trung và bậc cao”.