Báo Công lý trân trọng giới thiệu toàn văn Tuyên bố chung giữa hai nước Việt Nam-Trung Quốc.
Nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trần Đại Quang, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình tiến hành thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam và tham dự Hội nghị các Nhà lãnh đạo kinh tế Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 25 từ ngày 10-13/11.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại lễ đón chính thức
Nhân chuyến thăm, hai bên đã ra Tuyên bố chung Việt Nam-Trung Quốc.
Toàn văn Tuyên bố chung như sau:
1. Nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trần Đại Quang, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình tiến hành thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam và tham dự Hội nghị các Nhà lãnh đạo kinh tế Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 25 từ ngày 10-13/11/2017.
Trong thời gian chuyến thăm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình đã có các cuộc hội đàm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang; đồng thời, hội kiến với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Lãnh đạo hai Đảng, hai nước đã thông báo cho nhau về tình hình mỗi Đảng, mỗi nước, đi sâu trao đổi ý kiến về quan hệ song phương và các vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm; đạt nhận thức chung quan trọng về việc làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt-Trung trong tình hình mới.
2. Hai bên bày tỏ vui mừng trước những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của hai Đảng, hai nước trong quá trình tìm kiếm con đường phát triển chủ nghĩa xã hội phù hợp với tình hình mỗi nước, nhất trí cho rằng Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng có truyền thống hữu nghị lâu đời, đều là nước xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản lãnh đạo, chế độ chính trị tương đồng, con đường phát triển gần gũi, có tiền đồ tương quan, chia sẻ vận mệnh chung, sự phát triển bền vững của mỗi nước và quan hệ hữu nghị, hợp tác tốt đẹp giữa hai nước có ý nghĩa quan trọng đối với cả hai nước.
Trong điều kiện lịch sử mới, việc kiên trì sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và con đường phát triển xã hội chủ nghĩa mang đặc sắc của mỗi nước là lựa chọn đúng đắn, phù hợp với lợi ích căn bản của nhân dân hai nước. Hai bên sẽ tham khảo kinh nghiệm lẫn nhau, cùng phát triển, tiếp thêm sức sống mới cho sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa ở mỗi nước, không ngừng nỗ lực vì sự nghiệp hòa bình và tiến bộ của nhân loại.
Việt Nam nhiệt liệt chúc mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc thành công tốt đẹp, đánh giá cao thành quả sáng tạo lý luận quan trọng của Đại hội về xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới, chân thành chúc và tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc do đồng chí Tập Cận Bình là hạt nhân, nhân dân Trung Quốc sẽ tiếp tục thúc đẩy đồng bộ bố cục tổng thể “5 trong 1,” thúc đẩy nhịp nhàng bố cục chiến lược “bốn toàn diện,” tiến tới thực hiện “hai mục tiêu 100 năm,” xây dựng Trung Quốc trở thành quốc gia hiện đại xã hội chủ nghĩa giàu mạnh, dân chủ, văn minh, hài hòa và tươi đẹp.
Trung Quốc đánh giá cao những thành quả quan trọng mà Đảng và Nhà nước Việt Nam đã giành được trên các lĩnh vực tăng cường xây dựng Đảng, thúc đẩy đổi mới toàn diện, cải thiện đời sống nhân dân kể từ Đại hội XII đến nay; chân thành chúc và tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo kiên cường của Đảng Cộng sản Việt Nam do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng đầu, nhân dân Việt Nam sẽ thực hiện thắng lợi những mục tiêu do Đại hội XII Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra, sớm xây dựng Việt Nam trở thành nước công nghiệp hiện đại, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
3. Hai bên cho rằng, tình hữu nghị Việt-Trung do Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Mao Trạch Đông cùng các nhà lãnh đạo tiền bối đích thân gây dựng và dày công vun đắp là tài sản chung quý báu của nhân dân hai nước, hai bên cần cùng nhau kế thừa, gìn giữ và phát huy tốt. Hai bên sẽ luôn nhìn nhận và phát triển quan hệ Việt-Trung từ tầm cao chiến lược và tầm nhìn lâu dài, kiên định thực hiện chính sách hữu nghị đối với nhau. Hai bên sẵn sàng cùng nhau nỗ lực, nắm vững phương hướng lớn phát triển quan hệ Việt-Trung, tăng cường trao đổi chiến lược, gia tăng tin cậy chính trị, làm sâu sắc hợp tác cùng có lợi, xử lý thỏa đáng bất đồng, thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt-Trung tiếp tục phát triển lành mạnh, ổn định, mang lợi ích thiết thực cho hai nước và nhân dân hai nước, góp phần tích cực thúc đẩy hòa bình, ổn định và phồn vinh của khu vực.
4. Hai bên cho rằng, Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước đặc biệt là Lãnh đạo cao nhất duy trì tiếp xúc thường xuyên có vai trò định hướng quan trọng đối với việc phát triển quan hệ song phương; nhất trí thông qua các hình thức linh hoạt, đa dạng như thăm song phương, cử đặc phái viên, đường dây nóng, gặp gỡ thường niên và tại các diễn đàn đa phương để duy trì và tăng cường truyền thống tốt đẹp về giao lưu cấp cao, kịp thời trao đổi ý kiến về các vấn đề lớn và quan trọng trong quan hệ hai Đảng, hai nước và các vấn đề cùng quan tâm.
5. Hai bên cho rằng, hai nước Việt Nam và Trung Quốc là láng giềng và đối tác hợp tác quan trọng của nhau, đều đang trong giai đoạn then chốt của cải cách phát triển, sự phát triển của nước này là cơ hội của nước kia. Hai bên cần thiết thực phát huy vai trò điều phối tổng thể của các cơ chế giao lưu hợp tác giữa hai Đảng, hai nước như Cuộc gặp Đại diện hai Bộ Chính trị, Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt-Trung; tập trung thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực sau:
5.1. Tăng cường trao đổi kinh nghiệm về quản lý đất nước, tăng cường giao lưu kênh Đảng, triển khai hiệu quả Kế hoạch hợp tác giữa hai Đảng giai đoạn 2016-2020, tổ chức tốt Cuộc gặp Đại diện hai Bộ Chính trị, Hội thảo lý luận hai Đảng, làm sâu sắc giao lưu trao đổi đoàn và hợp tác đào tạo cán bộ kênh Đảng, tiếp tục tăng cường giao lưu hợp tác giữa các cơ quan trung ương hai Đảng và các tổ chức Đảng địa phương, đặc biệt là các tỉnh (khu) giáp biên. Tích cực thúc đẩy giao lưu, hợp tác hữu nghị giữa Quốc hội Việt Nam với Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc, giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Hội nghị hiệp thương chính trị nhân dân toàn quốc Trung Quốc.
5.2. Thực hiện tốt Thỏa thuận về tăng cường hợp tác trong tình hình mới giữa hai Bộ Ngoại giao, duy trì tiếp xúc thường xuyên giữa lãnh đạo hai Bộ, tiếp tục tổ chức tốt tham vấn ngoại giao hằng năm, tăng cường giao lưu giữa các Cục/Vụ tương ứng, thực hiện tốt kế hoạch đào tạo cán bộ, ủng hộ và tạo thuận lợi cho việc cải thiện điều kiện trụ sở và nhà ở của cơ quan đại diện ngoại giao hai bên.
5.3. Tăng cường hợp tác về quốc phòng, an ninh và thực thi pháp luật, thực hiện tốt Tuyên bố Tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng đến năm 2025, sử dụng hiệu quả đường dây nóng giữa hai Bộ Quốc phòng, tổ chức tốt Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới, Đối thoại chiến lược quốc phòng. Tổ chức tốt các hoạt động mang tính cơ chế như tuần tra liên hợp ở Vịnh Bắc Bộ giữa hải quân, cảnh sát biển hai nước và tàu thuyền thăm lẫn nhau, tăng cường hợp tác đào tạo cán bộ, chia sẻ kinh nghiệm trong các lĩnh vực công tác Đảng, công tác chính trị, y học, gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc giữa hai quân đội. Phát huy tốt vai trò của các cơ chế như Hội nghị hợp tác phòng chống tội phạm, đối thoại an ninh chiến lược; tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực như chống khủng bố, ma túy, tiền giả, lừa đảo qua mạng, quản lý xuất nhập cảnh, quản lý biên giới, an ninh mạng; triển khai giao lưu kinh nghiệm trong các lĩnh vực như bảo vệ an ninh trong nước, phối hợp truy bắt tội phạm bỏ trốn. Thúc đẩy Hiệp định dẫn độ Việt Nam-Trung Quốc sớm có hiệu lực.
5.4. Áp dụng các biện pháp hiệu quả, cùng thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực như kinh tế thương mại, năng lực sản xuất, đầu tư, cơ sở hạ tầng, tài chính tiền tệ không ngừng đạt tiến triển thực chất.
(i) Việt Nam hoan nghênh và ủng hộ việc triển khai sáng kiến “Vành đai và Con đường” nhằm thúc đẩy hợp tác cùng có lợi, liên kết kinh tế giữa các nước và kết nối khu vực, đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng của khu vực và thế giới; sẵn sàng cùng Trung Quốc thực hiện tốt văn kiện hợp tác về kết nối “hai hành lang, một vành đai” và “Vành đai và Con đường” đã ký kết, sớm xác định các lĩnh vực ưu tiên, phương hướng trọng điểm và dự án hợp tác cụ thể, phù hợp với lợi ích, khả năng và điều kiện của mỗi nước; thúc đẩy kết nối về chính sách, hạ tầng, thương mại, vốn và con người, tạo điều kiện để nâng cao chất lượng hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.
(ii) Sử dụng hiệu quả cơ chế hợp tác về năng lực sản xuất, tăng cường hơn nữa việc kết nối giữa doanh nghiệp hai nước, thực hiện tốt các dự án hợp tác trọng điểm đã xác định, thúc đẩy hợp tác năng lực sản xuất đạt tiến triển thực chất. Tiếp tục triển khai trao đổi về chính sách đầu tư, nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy hợp tác đầu tư phù hợp với nhu cầu và chiến lược phát triển bền vững của mỗi bên. Trung Quốc khuyến khích các doanh nghiệp tiêu biểu cho công nghệ tiên tiến và trình độ phát triển của Trung Quốc đầu tư tại Việt Nam.
(iii) Cùng nhau thực hiện tốt “Quy hoạch phát triển 5 năm hợp tác kinh tế thương mại Việt-Trung giai đoạn 2017-2021,” ký kết và thực hiện danh mục các dự án hợp tác trọng điểm. Thúc đẩy hoàn thành dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 2 (Cát Linh-Hà Đông) theo kế hoạch. Chỉ đạo doanh nghiệp hai bên nhanh chóng giải quyết các vấn đề tồn tại, vướng mắc của các dự án hợp tác.
(iv) Phát huy vai trò của Nhóm công tác hợp tác về cơ sở hạ tầng trên bộ đối với việc tăng cường kết nối giữa hai nước; xây dựng tốt kế hoạch hợp tác trong lĩnh vực giao thông và năng lượng trong khuôn khổ hợp tác cơ sở hạ tầng trên bộ, hoàn thành việc lập quy hoạch xây dựng dự án đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng theo kế hoạch.
(v) Phát huy vai trò của Ủy ban hợp tác kinh tế-thương mại Việt-Trung và các cơ chế hợp tác liên quan, thúc đẩy đi sâu phát triển quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư hai nước, thực hiện cùng có lợi cùng thắng giữa hai bên. Thúc đẩy thương mại song phương tiếp tục phát triển cân bằng, ổn định; thực hiện tốt “Bản ghi nhớ hợp tác song phương trong lĩnh vực thương mại hàng nông sản.”
Trung Quốc sẵn sàng mở rộng nhập khẩu từ Việt Nam, ưu tiên triển khai công tác đánh giá tiêu chuẩn gia nhập thị trường Trung Quốc đối với sữa và sản phẩm từ sữa của Việt Nam; đẩy nhanh tiến độ hoàn tất các thủ tục pháp lý, mở cửa thị trường đối với một số loại hoa quả của Việt Nam; triển khai hợp tác trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản, trong đó có gạo, sắn. Trên cơ sở “Bản ghi nhớ về đẩy nhanh tiến độ đàm phán Thỏa thuận khung xây dựng Khu hợp tác kinh tế qua biên giới Việt-Trung” ký kết trong chuyến thăm lần này, tích cực bàn bạc Thỏa thuận khung về xây dựng Khu hợp tác kinh tế qua biên giới, thúc đẩy phát triển khu vực biên giới hai nước, nâng cao mức độ kết nối giữa hai bên. Phía Trung Quốc tuyên bố hoàn thành thủ tục phê duyệt Văn phòng xúc tiến thương mại Việt Nam tại Hàng Châu; sẵn sàng tạo thuận lợi để các Văn phòng xúc tiến thương mại Việt Nam tại Trùng Khánh, Hàng Châu triển khai công việc.
(vi) Sử dụng tốt cơ chế Nhóm công tác hợp tác về tài chính - tiền tệ, tiếp tục trao đổi, nghiên cứu việc sử dụng đồng bản tệ trong thương mại và đầu tư song phương; tăng cường chia sẻ kinh nghiệm về chính sách tiền tệ và ổn định tài chính; tiếp tục ủng hộ các tổ chức tài chính của nhau triển khai các nghiệp vụ liên quan tại nước mình theo pháp luật mỗi bên. Phía Việt Nam tuyên bố chấp thuận nguyên tắc thành lập Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc tại Hà Nội; khuyến khích các tổ chức tài chính của hai bên ủng hộ việc huy động vốn cho các dự án hợp tác đủ điều kiện. Triển khai tốt các khoản tín dụng Trung Quốc cung cấp, tạo điều kiện để sử dụng các nguồn vốn của Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB) để triển khai các dự án kết nối cơ sở hạ tầng. Phía Trung Quốc sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi của Trung Quốc và các nguồn vốn khác theo các quy định liên quan.
5.5. Thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực nông nghiệp, nguồn nước, môi trường, khoa học công nghệ, giao thông vận tải. Tăng cường hợp tác nghiên cứu lai tạo các giống lúa thích hợp với điều kiện hạn hán và xâm nhập mặn. Căn cứ theo nhận thức chung hai bên đã đạt được, tích cực thúc đẩy thực hiện đường dây nóng về các vụ việc phát sinh đột xuất của hoạt động nghề cá trên biển, xử lý thỏa đáng vấn đề liên quan phù hợp với quan hệ hữu nghị hai nước. Tích cực triển khai hợp tác trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và quản lý, bảo vệ, sử dụng bền vững các nguồn nước trong khuôn khổ hợp tác song phương và đa phương, trong đó có cơ chế hợp tác Mekong-Lan Thương. Tăng cường giao lưu và hợp tác kỹ thuật trong các lĩnh vực phòng chống lũ lụt, thiên tai. Sử dụng tốt cơ chế Hội nghị Ủy ban hỗn hợp hợp tác khoa học công nghệ Việt-Trung, thúc đẩy hiệu quả các dự án nghiên cứu chung, giao lưu các nhà khoa học trẻ, hợp tác chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực. Thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực giám sát an toàn hạt nhân. Tạo điều kiện thúc đẩy hợp tác kết nối giao thông và cơ sở hạ tầng đường bộ, đường sắt, đường sông, hàng không giữa hai bên.
5.6. Mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực văn hóa, báo chí, y tế, giao lưu nhân dân. Triển khai tốt Kế hoạch thực hiện hàng năm Hiệp định văn hóa Việt-Trung và Bản ghi nhớ hợp tác về công nghiệp văn hóa, vận hành tốt Học viện Khổng Tử tại Đại học Hà Nội, thúc đẩy sớm đưa vào sử dụng Trung tâm Văn hóa Trung Quốc tại Hà Nội và Cung hữu nghị Việt-Trung. Tăng cường giao lưu, hợp tác giữa cơ quan báo chí hai nước, mở rộng mức độ tuyên truyền về tình hữu nghị giữa hai nước. Triển khai tốt Kế hoạch hợp tác y tế Việt-Trung. Trên cơ sở các văn kiện liên quan ký kết trong chuyến thăm lần này, đẩy nhanh nghiên cứu khả thi Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam, sớm triển khai các dự án về giáo dục, y tế tại khu vực phía Bắc Việt Nam do Trung Quốc viện trợ. Tiếp tục tổ chức tốt các hoạt động giao lưu nhân dân như Gặp gỡ Hữu nghị Thanh niên, Liên hoan nhân dân biên giới, Diễn đàn Nhân dân Việt-Trung.
5.7. Tăng cường chỉ đạo và ủng hộ giao lưu hữu nghị, hợp tác cùng có lợi giữa các địa phương hai nước, nhất là các tỉnh/khu biên giới; phát huy tốt vai trò của các cơ chế hiện có giữa các địa phương, tăng cường hợp tác thực chất về kinh tế, thương mại, du lịch; tích cực nghiên cứu các biện pháp tăng cường quản lý và bảo vệ quyền lợi chính đáng cho lao động thời vụ tại khu vực biên giới hai nước.
5.8. Phát huy tốt vai trò của cơ chế Ủy ban liên hợp biên giới trên đất liền Việt-Trung, thực hiện nghiêm túc các văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc; tăng cường quản lý an ninh, an toàn khu vực biên giới. Tăng cường hợp tác về cửa khẩu giữa hai nước và cửa khẩu giữa các địa phương, tiếp tục thúc đẩy việc mở và nâng cấp các cặp cửa khẩu biên giới, áp dụng các biện pháp nâng cao mức độ tiện lợi hóa thông quan, trao đổi, bàn bạc về quy phạm hoạt động mở các đường qua lại tại khu vực biên giới, ngăn ngừa và chống các hành vi vi phạm pháp luật như buôn lậu, giữ gìn an ninh, trật tự khu vực biên giới.
6. Hai bên đi sâu trao đổi ý kiến chân thành, thẳng thắn về vấn đề trên biển, nhất trí tiếp tục tuân thủ nhận thức chung quan trọng đạt được giữa Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước và “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc;” sử dụng tốt cơ chế đàm phán cấp Chính phủ về biên giới lãnh thổ Việt Nam-Trung Quốc, tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được.
Hai bên nhất trí làm tốt công việc tiếp theo sau khi khảo sát chung tại vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, thúc đẩy vững chắc đàm phán phân định vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ và tích cực thúc đẩy hợp tác cùng phát triển tại vùng biển này; tiếp tục thúc đẩy công việc của Nhóm công tác bàn bạc về hợp tác cùng phát triển trên biển; triển khai hiệu quả các dự án hợp tác trong lĩnh vực ít nhạy cảm đã thỏa thuận. Hai bên đánh giá cao hoạt động thả giống thủy sinh và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong Vịnh Bắc Bộ.
Hai bên nhất trí tiếp tục thực hiện toàn diện, hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), trên cơ sở hiệp thương thống nhất, sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC); kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp, giữ gìn hòa bình, ổn định ở Biển Đông.
7. Phía Việt Nam khẳng định kiên trì chính sách một nước Trung Quốc; ủng hộ quan hệ hai bờ phát triển hòa bình và sự nghiệp lớn thống nhất Trung Quốc; kiên quyết phản đối hành động chia rẽ “Đài Loan độc lập” dưới mọi hình thức. Việt Nam không phát triển bất kỳ quan hệ chính thức nào với Đài Loan. Phía Trung Quốc bày tỏ hoan nghênh lập trường trên của phía Việt Nam.
8. Hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường phối hợp tại các khuôn khổ đa phương và khu vực như Liên Hợp quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn Hợp tác Á-Âu (ASEM), Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)-Trung Quốc, hợp tác Mekong-Lan Thương, cùng nhau duy trì hòa bình, ổn định và phồn vinh của khu vực và trên thế giới. Trung Quốc chúc mừng Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị các Nhà Lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 25. Việt Nam chúc mừng Trung Quốc tổ chức thành công Diễn đàn cấp cao hợp tác “Vành đai và Con đường,” tin tưởng điều này sẽ mang lại lợi ích chung cho các nước.
9. Trong thời gian chuyến thăm, hai bên đã ký Thỏa thuận về hợp tác biên phòng giữa Bộ Quốc phòng Việt Nam và Bộ Quốc phòng Trung Quốc, Bản ghi nhớ về thúc đẩy kết nối giữa khuôn khổ “Hai hành lang, một vành đai” với sáng kiến “Vành đai và Con đường,” Biên bản ghi nhớ về việc tăng cường hợp tác trong lĩnh vực điện lực và năng lượng tái tạo, Bản ghi nhớ về danh mục dự án hợp tác năng lực sản xuất năm 2017, Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực quản lý pháp quy an toàn hạt nhân, Bản ghi nhớ về việc đẩy nhanh tiến độ đàm phán thỏa thuận khung về xây dựng các khu hợp tác kinh tế qua biên giới, Bản ghi nhớ về việc thành lập nhóm công tác hợp tác thương mại điện tử, Bản ghi nhớ về việc xác định danh mục các dự án hợp tác trọng điểm của Quy hoạch phát triển 5 năm hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam-Trung Quốc giai đoạn 2017-2021, Bản ghi nhớ về hợp tác phát triển nguồn nhân lực, Công thư trao đổi về việc nghiên cứu tính khả thi trước khi lập dự án về Dự án viện trợ xây mới cơ sở 2 Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam, Bản ghi nhớ về hợp tác và trao đổi thông tin thanh tra, giám sát ngân hàng, Bản ghi nhớ về hợp tác công nghiệp văn hóa, Kế hoạch hành động về hợp tác y tế, Thỏa thuận hợp tác về trao đổi khoa học giữa Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, Thỏa thuận khung hợp tác giữa Nhà xuất bản chính trị quốc gia Sự thật, Việt Nam và Cục Sự nghiệp xuất bản-phát hành Ngoại văn Trung Quốc giai đoạn 2017-2022, Thỏa thuận giao lưu và hợp tác báo chí giữa Hội nhà báo Việt Nam và Hội nhà báo toàn quốc Trung Quốc, Thỏa thuận về hợp tác đào tạo cán bộ giữa Tỉnh ủy Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Đảng Cộng sản Việt nam và Khu ủy khu tự trị Dân tộc Choang Quảng Tây, Đảng Cộng sản Trung Quốc và một số thỏa thuận hợp tác giữa doanh nghiệp, tổ chức tài chính.
10. Hai bên nhất trí cho rằng, chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình đã thành công tốt đẹp, góp phần quan trọng trong việc củng cố tình hữu nghị truyền thống, làm sâu sắc hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc, thúc đẩy hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và thế giới, mang ý nghĩa dấu mốc quan trọng.
Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình chân thành cảm ơn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Trần Đại Quang, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam về sự đón tiếp trọng thị, nhiệt tình và hữu nghị; trân trọng mời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang thăm lại Trung Quốc. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Trần Đại Quang bày tỏ cảm ơn./.
Hà Nội, ngày 13/11/2017