Hơn một năm sau ngày mất, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn ở lại thênh thang trong lòng dân Việt. Cuộc đời của Võ đại tướng như một dòng sông nhiều khúc quanh, lúc thăng trầm khi dữ dội.
Người ta ấn tượng ở ông, đó là phong thái rắn rỏi và giọng nói ấm trầm vừa nghiêm nghị vừa dễ gần. Đó chính là chất giọng, chất người Lệ Thủy đã ngấm vào ông, như bao người con quê hương khác. Có lẽ vì vậy mà khi đã ở tầm vĩ nhân, vẫn thấy ở Võ đại tướng một hình hài dung dị và một tình yêu quê hương son sắt.
Đại tướng về thăm quê hương Lệ Thủy (ảnh tư liệu)
Dòng sông, cuộc đời
Nhà Võ đại tướng ở thôn An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Căn nhà lá đơn sơ nép mình bên dòng sông Kiến Giang, phía gần hạ nguồn. Hầu hết các con sông ở Việt Nam đều chảy theo hướng đông nam, riêng sông Kiến Giang chảy theo hướng đông bắc. Vì thế, nó còn được gọi là “nghịch hà”. Dòng sông làm nên chất người xứ Lệ, gan góc can trường, tình sâu nghĩa nặng. Thời gian và dòng chảy bồi đắp nên một đồng bằng duyên hải trù mật. Sau những mùa màng trĩu hạt là lễ hội đua thuyền ngược dòng sông, điệu hò khoan xứ Lệ nổi tiếng bao đời. Có câu hát rằng: Lệ Thủy, Kiến Giang mênh mang sông nước/Đồng xanh lúa mượt thẳng cánh cò bay/Quê hương tình nặng nghĩa dày/ Lắng trong câu hát đong đầy yêu thương.
Đã là người Lệ Thủy, không ai không biết hò khoan. Võ đại tướng cũng không ngoại lệ. “Mỗi năm, cứ có dịp rảnh rỗi là ông lại về nhà. Lần cuối cùng trước khi mất, ông còn về quê nghe hò khoan đến giữa khuya” - ông Võ Đại Hàm, người 30 năm trông nhà đại tướng kể. Ông nhớ hoài khung cảnh đó. Võ đại tướng ngồi giữa sân nhà, đội văn công nghiệp dư vây quanh, điệu hò khoan nhặt miên mãi. “Ông vừa nghe vừa lim dim mắt, nghe đến khi mệt mới chịu đi ngủ” - ông Hàm nói. Mỗi lần về thăm quê, đại tướng thường ngồi thuyền đi ngược dòng sông Kiến Giang. Vào tết độc lập, ông cũng tắm sông, cổ vũ đò bơi như người dân Lệ Thủy.
Nước sông Kiến Giang làm nên một đặc sản nổi tiếng: Rượu Lộc Thủy. Gần 500 năm trước, sách Ô Châu cận Lục của Dương Văn An có đề cập Tuy Lộc có nhiều rượu ngon, nhờ vào nước sông Bình Giang (Kiến Giang). Gạo xứ Lệ ngon được nấu thành cơm, sau đó được ủ với men trong vài ngày. “Cơm men” tiếp đó được nấu lên thành rượu. Mẻ rượu đầu tiên được gọi là rượu đông. Rượu Lộc Thủy trong vắt như nước suối thượng nguồn, đốt cháy nhưng tuyệt nhiên không thấy lửa. Rượu nặng trên dưới 500 nhưng uống không gắt, có hậu ngọt.
Đàn ông ở xã Lộc Thủy, quê hương Võ đại tướng ai cũng sức vóc, uống rượu không biết say. Người xã này đi nơi khác có thể uống rượu bằng chén, bằng nắp bình thủy chỉ cần một hớp. Vì nói về rượu, không nơi đâu nặng và ngon bằng rượu Lộc Thủy. Tương truyền ngày trước có một gia đình ở xã khác muốn học nghề nấu rượu, nên cho con trai của mình sang lấy vợ ở Lộc Thủy. Mới về làm dâu, cha mẹ chồng đã sắm cho cô gái một lò rượu, nấu mãi mà rượu chẳng ngon bằng rượu mà cô đã nấu khi xưa. Cô về khóc với mẹ mình, rồi cô được một lời khuyên là hãy lấy nước sông Kiến Giang mà nấu thì rượu sẽ ngon. Cô gái nghe lời làm theo và quả nhiên hữu nghiệm.
Rượu Lộc Thủy từ lâu đã thành đặc sản của người Quảng Bình, tương tự như rượu Kim Long của người Quảng Trị hay Bàu Đá của dân Bình Định. Làng nghề nấu rượu truyền thống bây giờ thành doanh nghiệp lớn, trụ sở đặt trên đường về nhà đại tướng. “Nhờ phúc ân đại tướng, làng nghề phát triển, dân sống được với nghề nấu rượu” - Chủ nhiệm làng nghề Nguyễn Văn Dũng khề khà. Ông giải thích, uy danh đại tướng vang tiếng khắp nơi. Người bốn bể kính ngưỡng tìm về mà biết thêm về đặc sản của dòng sông Kiến. Rượu Lộc Thủy nhờ thế có thêm thị trường khắp nước. Từ Hà Nội đến Sài Gòn, thậm chí xuất khẩu sang châu Âu, sang cả nước Nga lạnh giá, cạnh tranh sòng phẳng với các loại Vodka nức tiếng xứ này.
Bình yên nhà Đại tướng
Một sớm lập xuân, chúng tôi tìm về nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Quê hương Lệ Thủy bây giờ thay da đổi thịt. Con đường từ trung tâm huyện lỵ dẫn về nhà đại tướng rộng thênh thang, phẳng lì. Trong từng con xóm, đường bê tông láng, những ngôi nhà lầu đan xen. Nông thôn bê tông hóa, nhà nào cũng kín cổng tường cao. Chỉ riêng nhà đại tướng còn giữ lại hàng chè tàu chạy dài, xanh mướt. Ngõ vào cổng gỗ, xung quanh có hàng cây râm bụt đơm hoa xen với ba cây xoan lớn. Ngõ dẫn thẳng vào sân rộng lót gạch tàu mát rượi bàn chân. Ở một góc sân, cây vú sữa cao lớn xòe bóng mát. Căn nhà ba gian hai chái bằng lá vẹn nguyên nếp cũ, liếp nhà chống bằng các cây cột nhỏ trông ra hàng chè tàu. Bên hiên nhà có một cây lựu nhỏ nhưng sum sê trái, phía sau là là cây khế tím trĩu bông. Buổi sáng giữa sân nhà Võ đại tướng, hồn ngập bình yên.
Bà Trần Thị Vân là vợ ông Võ Đại Hàm, gọi Đại tướng Võ Nguyên Giáp bằng ông. Dẫn chúng tôi đi một vòng khu nhà, bà chỉ từng gốc mít, từng cây cau do đại tướng trồng vào năm nào bà đều nhớ rõ. “Hồi đó huyện muốn xây tường thay hàng cây râm bụt bên hông nhà nhưng ông không cho. Ông yêu cây cối lắm” - bà kể. Có lẽ vì sự chân chất của ông mà căn nhà đại tướng còn giữ được chất quê trong đời sống nông thôn nhiều biến thiên thay đổi. Bà kể tiếp, mỗi lần về thăm quê ở lại nhà, Võ đại tướng chỉ thích ăn những món ăn quê nhà như cá bống kho khô, khoai sắn, rau lang luộc chắm ruốc. “Ông rứa đó, nhiều khi ăn chưa thỏa, ông mang cả cá khô ra Hà Nội ăn dần. Lần nào ông về cũng thăm bà con chòm xóm. Người quê mình thương ông vì ông dễ gần lắm” - bà Vân nói.
Căn nhà lưu niệm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Vợ chồng ông Hàm, bà Vân trông coi nhà đại tướng 30 năm nay rồi. Ông cùng các con làm ruộng. Bà lo vườn tược, kiêm luôn việc tiếp khách. Mỗi ngày, căn nhà tiếp nhiều đoàn khách từ cả nước đến viếng thăm nhà đại tướng. Mỗi người đến, bà niềm nở đón, pha trà tiếp chuyện. Ai đến, ông bà xem như người thân ruột rà. Bà kể, có làn đoàn người ở tận Cao Bằng tìm về vũng Chùa viếng mộ đại tướng không được, họ đến nhà xin nghỉ lại. Ông bà tiếp đón chu đáo, đãi họ những món ăn quê khi xưa đại tướng thích ăn.
Hôm chúng tôi đến, có bà má Nam bộ đã hơn 80 tuổi vẫn tìm về nhà thắp nhang cho đại tướng. Bà rưng rưng suốt buổi. Khi chia tay, bà còn nắm lấy tay bà Vân bịn rịn. Họ chực muốn khóc. Bà Vân kể, tấm lòng thơm thảo của người dân cả nước dành cho đại tướng khiến ông bà xúc động, lần nào tiếp khách cũng thấy bùi ngùi. Căn nhà lưu niệm chưa bao giờ dứt khói nhang từ lúc ông mất. “Mình phải giữ căn nhà cho ngăn nắp sạch sẽ để dân cả nước đến với ông. Chắc ông cũng vui lòng. Ông vẫn còn hiện diện trong nhà này, ông chưa đi mô” - bà Vân xúc động nói.
Bà cho tôi xem rất nhiều ảnh chụp Võ đại tướng, những lần về thăm quê, lúc đi thuyền trên sông Kiến Giang, khi ngồi nghe hò khoan Lệ Thủy. Bà nâng niu tất cả những tấm ảnh như báu vật của đời. Tôi để ý một tấm hình chụp đại tướng một lần về thăm quê. Ông bắt tay một người già. Xung quanh dòng người sùng kín vây lấy ông. Những ánh mắt rạng ngời phơi phới tin yêu. Có người bưng mặt khóc vì cảm động. Ngồi giữa căn nhà bình yên mát rượi, ai cũng có một niềm tin rằng, ông vẫn đang sống thênh thang trong lòng người dân Lệ Thủy. Câu chuyện về vị đại tướng, về một dòng sông thành mạch nguồn bất tận, kể mãi không thôi.
Nếp thờ tướng Giáp Về Lệ Thủy, ghé vào căn nhà nào cũng có một tấm hình chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp đặt trang trọng trên bàn thờ. Bà Vân kể, lúc nghe Đại tướng mất, dân Lệ Thủy về nhà ông khóc như mất đi một người thân. Huyện tổ chức buổi lễ tang bên dòng sông Kiến Giang, những ngọn nến lung linh nối hàng đưa tiễn. Bây giờ, mỗi lần giỗ Đại tướng, dân xứ Lệ không ai bảo ai, đều thắp lên bàn thờ nén nhang tưởng nhớ. Dần dà, thành một cái lễ chung, thành một nét văn hóa ăn vào tâm thức người dân Lệ Thủy. |