Trong khi phần lớn các dân tộc trên cả nước đều xem Tết Nguyên đán là cái tết lớn nhất trong năm, thì người Pa Cô – Vân Kiều lại xem Tết Aza, hay còn gọi là Tết cơm mới, mới là một trong hai cái tết và lễ hội chính của dân tộc mình.

Tết Aza thường được tổ chức từ ngày 6/11 đến ngày 24/12 âm lịch hàng năm. khi mà người Hà Nội mới rục rịch lo sắm tết, thì người Pa Cô – Vân Kiều đã giết dê, giết lợn, giết bò, ăn với nhau rất nhiều bữa tiệc núi rồi.

Tưng bừng tiệc núi

Rước lễ đến nhà sinh hoạt cộng đồng

Bày tỏ lòng thành kính với trời đất, tổ tiên

Từ xưa đến nay, đồng bào Pa Cô – Vân Kiều sống trên dải Trường Sơn có rất nhiều lễ hội văn hóa mang đậm màu sắc tâm linh hết sức độc đáo, như Ariêu Ping – một lễ hội nhằm tỏ lòng tôn kính và tưởng nhớ đến những người đã khuất. Nhưng, đặc biệt nhất phải nhắc đến Lễ hội Aza, hay còn được gọi là Tết cơm mới.

So với Tết nguyên đán của đồng bào Kinh thì Tết cơm mới – Aza của đồng bào Pacô cũng có những nét tương đồng lẫn khác biệt. Tương đồng đó là: mừng cho sự chuyển giao của đất trời năm cũ và năm mới; mừng một năm làm việc với bao lo toan nay đã kết thúc và mở ra một năm làm việc mới; cũng có một loại bánh nếp gói bằng lá dong… Khác biệt lại là ở thời điểm tổ chức và một số nghi thức.

Thay vì đầu mùa xuân như Tết nguyên đán, Aza của đồng bào Pacô lại tổ chức vào giữa mùa đông và giữa các làng có sự khác nhau về ngày tiến hành. Trong Tết Aza, người ta không cúng giữa đêm chuyển giao giống như giao thừa của Tết nguyên đán, mà quan trọng là, để kết thúc các nghi lễ liên quan lễ Aza, người dân trong làng tụ tập nhau lại ở nhà trưởng làng hoặc nhà cộng đồng để cúng Giàng chung của làng, sau đó ăn uống và nhảy múa.

Tết Aza thường được bắt đầu từ mồng 6/11 âm lịch và kéo dài cho đến hết ngày 24/12 âm lịch hàng năm. Mỗi làng sẽ chọn một ngày đẹp nhất trong khoảng thời gian đó để tổ chức lễ Aza. Ở vùng cao hai huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên - Huế) và Đakrông (tỉnh Quảng Trị), đồng bào thường quan niệm, hai ngày tốt nhất để đón Tết Aza đó là ngày mồng 6/11 và ngày 24/12 âm lịch, vì đó là thời điểm đẹp nhất của mặt trăng.

Đồng thời, Tết Aza đánh dấu thời điểm kết thúc của một năm làm việc cũ và mở ra một năm làm việc mới với những lo toan trong cuộc sống. Điều đặc biệt là thời gian tiến hành lễ Aza của mỗi làng có khác nhau vì ngày tổ chức do làng quyết định, tuy nhiên, Aza của tất cả các làng đều được tổ chức trong tháng 10 âm lịch. Nếu ngày đã chọn vẫn chưa tổ chức được thì làng sẽ tổ chức lễ Aza sau đó 18 ngày.

Theo ông Hồ Văn Sống (thôn A Đên, xã Hồng Thái, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên – Huế) thì trong số các lễ hội của đồng bào Pa Cô – Vân Kiều, lớn nhất là Ariêu Ping và nhì chính là Aza. Bởi đây là dịp đồng bào tạ ơn trời đất, tổ tiên và thần thánh phù hộ cho mùa màng bội thu, lúa trĩu bông, người dân có cái ăn không bị chết đói, cầu mùa sau được tốt hơn. Do vậy, mỗi khi làng tổ chức, con em trong làng dù làm ăn xa cũng quay về nhà để cùng đón lễ Aza với gia đình, làng xóm để tỏ lòng thành của mình với tổ tiên. Không giống như Ariêu Ping là tổ chức cúng tập thể, Aza chú trọng đến từng gia đình, dòng họ riêng rẽ trong nghi lễ. Tuỳ vào điều kiện và truyền thống gia đình, dòng họ là gì mà gia đình, dòng họ ấy cúng Aza như vậy.

Tạ ơn cây lúa

Trước ngày tổ chức Aza, người làng lên nương hoặc ra những mảnh ruộng của mình để tuốt những gốc rạ còn lại. Đó là sự tri ân cây lúa bởi lẽ, cây lúa đã mang lại cái bụng no cho dân làng với những chén cơm trắng, những cái bánh aquat dẻo thơm. Từ tối ngày mồng 5 đến sáng ngày 6, đồng bào đã chuẩn bị những lễ vật để cúng Aza. Nào cơm trắng, xôi, bánh aquat, nào gà, heo, vịt, dê … Ngoài những thứ đó, lễ vật có một thứ hết sức linh thiêng và không thể thiếu để thực hiện một nghi lễ trong quá trình tổ chức Aza là tânghọt - một loại hoa làm từ tre, và những tấm dzèng. Nhà nào cũng muốn mang những lễ vật quý nhất để cúng thần linh.

Tưng bừng tiệc núi

Mâm cỗ cúng trong ngày Tết Aza

Sau khi các gia đình đã chuẩn bị xong, thời gian cả làng bắt đầu tiến hành Aza đã đến, một chức sắc của làng thừa lệnh trưởng làng đánh lên những tiếng kẻng báo hiệu: thời khắc Aza đã đến. Ngày xưa, người ta dùng mõ tre hoặc trống da dê để đánh báo hiệu, khi đó, người làng còn ít và ở quanh nhà trưởng làng. Nhưng nay thì người làng đông hơn và đến ở những chỗ xa hơn, vì vậy, phải dùng kẻng mới báo hiệu được. Sau tiếng kẻng ngân vang, nhà nhà trong làng thắp hương, đốt đèn và bắt đầu cúng thần linh.

Các thần linh được cúng trong lễ Aza bao gồm: Giàng Tro - giống như Thần Nông của người Kinh, đại diện cho cây trồng; Giàng Pơnanh - thần Chăn nuôi, đại diện cho gia súc; Giàng Panuôn - thần Buôn bán; Giàng Sưtarinh - Thần Đất, đại diện đất đai và thời tiết. Bên cạnh đó, mỗi gia đình, dòng họ có giàng riêng của mình cũng được cúng trong dịp này. Khi cúng các giàng, đồng bào Pa Cô – Vân Kiều muốn tạ ơn các giàng đã ban phát phúc lành, tạo nên những mùa màng no ấm, đồng thời, mong muốn các giàng giúp đỡ trong năm mới phát đạt cho gia đình, dòng họ, cầu cho mưa thuận gió hòa để cây cỏ tốt tươi.

Quanh không gian thực hiện lễ Aza, những tấm dzèng được treo tạo thành một gian hành lễ. Tuỳ mỗi gia đình mà cách treo các tấm dzèng khác nhau. Treo xung quanh có, bên trên có. Lễ vật được bày la liệt. Nhà nào có điều kiện thì lễ vật nhiều và quý hơn. Cũng giống như bánh chưng, bánh tét trong Tết nguyên đán của đồng bào dưới xuôi, aquat - một loại bánh nếp không nhuỵ của bà con Pa Cô – Vân Kiều, là không thể không có và được đặt trên bàn lễ rất trang trọng. Ở từng lễ vật, những cành hoa tre - tânghọt, màu trắng được cắm lên trên.

“Trong lễ tạ ơn, tên các giàng và những lời tri ân năm cũ và cầu mong năm mới được người trong nhà nói to và liên tục 3 lần. Đến khi nào hết tất cả các giàng được cúng thì thôi. Không chỉ cúng các giàng, có nhà còn cúng con ma ngoài đường, ngoài rừng. Với họ, con ma không còn là nỗi sợ hãi như ngày xưa nữa mà nó cũng là một phần của đất trời”, ông Hồ Văn Sống chia sẻ.

Chính vì lối tư duy vậy mà sau khi cúng Aza, người ta thường dành cho ma những phần cơm, phần bánh hay con gà, miếng thịt … Những gì dành để cúng con ma sẽ được đổ đi. Có nhà lại sợ linh hồn người thân chưa về kịp với tết cơm mới nên ra trước sân nhà khấn cầu người thân mau về ăn tết cơm mới. Khi đó, họ cũng xướng tên người thân thật nhiều lần để người thân có thể nghe được.

Nỗ lực bảo tồn

Nói chung, nghi lễ trong mỗi gia đình khi tiến hành lễ Aza có sự khác biệt nhau khá nhiều. Từ cách bày biện đến việc người nhà hướng ra hay hướng vào khi thực hiện lễ Aza, đến các lễ vật được bày biện. Sau khi tổ chức cúng giàng trong nhà xong, nhà nào cũng lấy một phần lễ vật mang đến nhà sinh hoạt cộng đồng để góp lễ chung vui với mọi người trong làng. Đồng thời tổ chức cúng giàng chung của làng. Đó là những vị thần bảo hộ cho làng và những người thành lập làng.

Tưng bừng tiệc núi

Ông Hồ Văn Sống: “Tết cơm mới Aza chính là một trong hai lễ hội lớn nhất của đồng bào Pa Cô – Vân Kiều”

Điều này tương tự đồng bào Kinh tổ chức lễ tế để tưởng nhớ thành hoàng của làng vậy. Trước đây, khi chưa có nhà sinh hoạt cộng đồng, phần lễ vật giành cho làng sẽ được mang đến nhà của trưởng làng để chung vui. Từ khi có nhà sinh hoạt cộng đồng, hoạt động này được tổ chức ở đây. Điều này cũng mang lại sự tiện lợi cho bà con trong làng. Đó là tránh được mưa và có không gian rộng hơn để mọi người tham gia.

Trên con đường dẫn đến nhà sinh hoạt cộng đồng, bà con phấn khởi mang lễ vật  cho làng. Nhà nào cũng muốn dành những lễ vật ngon nhất. Tất cả được bày ra giữa nhà sinh hoạt cộng đồng. Nhà thì mang bánh aquat, nhà thì mang xôi và gà, nhà thì mang heo đến. Có một thứ không thể thiếu là hũ rượu cần. Sau khi các gia đình trong làng tề tựu đến nhà sinh hoạt cộng đồng đông đủ, trưởng làng báo hiệu, bà con bắt đầu khấn nguyện sự yên bình, hoà hợp và no ấm cho làng. Sau đó, cũng như ở mỗi nhà, ai cũng cầm hoa tre ném lên trần nhà sinh hoạt cộng đồng và vui cười. Điều này thể hiện Aza đã xong.

Tổ chức cúng giàng chung của làng xong, trưởng làng đánh chiêng báo hiệu sự mừng vui của làng cho mùa mới, năm mới bắt đầu. Trưởng làng đánh chiêng trong sự hoà điệu, hoà nhịp bởi tiếng trống da dê của một thanh niên khác. Điều này thể hiện sự chuyển giao đất trời và sự tiếp nối qua thời gian các truyền thống của làng. Vừa dứt giai điệu chiêng – trống ngân vang ấy, nam thanh nữ tú trong làng bắt đầu đi vòng quanh nơi cúng giàng của làng và múa điệu pơchiêngcoon. Đây là điệu múa đầu tiên trong lễ Aza của đồng bào Pa Cô – Vân Kiều.

Sau đó, để tái hiện công việc nương rẫy của mùa đã qua, các cô gái trong làng lại múa điệu tuốt lúa. Mặt khác điệu múa cũng thể hiện mong muốn mùa rẫy mới bội thu để mang lại những hạt thóc vàng, những chén cơm trắng cho đồng bào.

Hiện nay, do sự giao thoa văn hóa mạnh mẽ nên văn hóa truyền thống của dân tộc Pa Cô – Vân Kiều đã ít nhiều bị mai một và mất đi những bản sắc rất riêng biệt, trong đó có lễ mừng cơm mới. Bên cạnh đó, do trước đây đồng bào thường sống du canh du cư lại cư trú chủ yếu ở những khu vực vùng đồi núi cao, cuộc sống chủ yếu dựa vào thiên nhiên, sản xuất mang tính tự cung tự cấp nên đời sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Vì thế, các phong tục, tập quán, các nét đẹp truyền thống về văn hóa cũng ít được quan tâm, gìn giữ.

Nhằm khôi phục bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc Pa Cô – Vân Kiều, trong mấy năm gần đây, các ban ngành đoàn thể và chính quyền hai tỉnh Thừa Thiên - Huế và Quảng Trị đã và đang nỗ lực để nâng cao đời sống cả về vật chất lẫn tinh thần cho đồng bào, đặc biệt là công tác tuyên truyền, giáo dục lớp trẻ. Nhờ vậy mà giờ đây, khi ngược ngàn Đakrông hay A Lưới vào những ngày này, người ta sẽ được chìm trong những bữa tiệc núi tưng bừng và hoang sơ đến tột cùng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tưng bừng tiệc núi