Bước đầu, cơ quan chức năng làm rõ nguyên nhân dẫn đến việc “phóng hỏa đốt nhà” là do mâu thuẫn trong việc phân chia đất đai giữa người mẹ và 3 cô con gái. Nhiều độc giả quan tâm, hành vi mang xăng đốt nhà mẹ đẻ sẽ bị xử lý thế nào? Việc tặng cho tài sản cần đảm bảo những điều kiện nào để tránh rủi ro, tranh chấp phát sinh?
Liên quan đến vụ việc “con gái mua xăng đốt nhà mẹ đẻ, 4 người bị bỏng nặng”, bước đầu cơ quan chức năng xác định, nguyên nhân dẫn đến sự việc là do mâu thuẫn trong việc phân chia đất đai giữa người mẹ và 3 cô con gái.
Thông tin từ chính quyền địa phương, khoảng 9 giờ 30 ngày 30/10, cơ quan chức năng nhận được tin báo của người dân về việc nhà bà V.T.Đ. (SN 1961, ở xã Trung Hòa, huyện Yên Mỹ, Hưng Yên) bị phóng hỏa đốt nhà.
Nhận được thông tin, lực lượng chức năng đã có mặt tại hiện trường, hỗ trợ gia đình bà Đ. dập lửa.
Bước đầu xác định, sáng cùng ngày, 3 cô con gái thuê máy xúc đến san lấp tại khu vực đất nhà bà Đ. và xảy ra mâu thuẫn. Sau đó, 3 người con gái đã đổ xăng vào nền nhà của bà Đ. rồi đốt tại phòng khách. Thấy vậy, người con trai ở tầng 2 đã xông vào cứu mẹ. Vụ hỏa hoạn khiến 4 người trong gia đình bà Đ bị bỏng.
Được biết, chính quyền địa phương cũng đã nhiều lần có buổi hòa giải, phân chia đất cho các con bà Đ. nhưng các bên chưa tìm được tiếng nói chung.
Nhiều độc giả quan tâm, hành vi mang xăng đốt nhà mẹ đẻ sẽ bị xử lý thế nào? Việc tặng cho tài sản cần đảm bảo những điều kiện nào để hạn chế những rủi ro, tranh chấp phát sinh?
Trao đổi với phóng viên, luật sư Hà Thị Khuyên (Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội) nhìn nhận, sự việc trên có tính chất nghiêm trọng, thể hiện thái độ hẹp hòi, ích kỷ và bản chất tham lam, bất hiếu của những người con. Cơ quan chức năng sẽ làm rõ nguyên nhân, động cơ, mục đích và nhận thức của các đối tượng phóng hỏa để có căn cứ xử lý theo quy định.
Phân tích dưới góc độ pháp luật, luật sư Khuyên cho rằng, hành động mang xăng đến nhà mẹ để đốt gây bỏng cho người mẹ và những người liên quan của những người con gái có dấu hiệu của tội “Giết người” quy định tại Điều 123 BLHS.
“Xăng là chất dễ cháy, việc dùng xăng để đốt là hành vi nguy hiểm có thể dẫn tới chết nhiều người, hủy hoại toàn bộ tài sản. Nếu việc dùng xăng đốt gây thiệt hại tài sản từ 2 triệu đồng trở lên thì người gây ra vụ việc cũng sẽ phải đối mặt với tội “Cố ý làm hư hỏng tài sản” quy định tại Điều 178 BLHS”, luật sư Khuyên bày tỏ.
Cùng nêu quan điểm về vụ việc, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng luật sư Chính pháp) nhận định, trong vụ việc trên, cơ quan chức năng xác định nguyên nhân mâu thuẫn là do tranh chấp đất đai, việc này đã được chính quyền địa phương hòa giải nhưng chưa có kết quả.
Theo luật sư Cường, đây là thông tin quan trọng để xác định nguyên nhân sự việc. Nếu vì mâu thuẫn tranh chấp đất đai mà mấy người con gái đổ xăng đốt nhà để sát hại mẹ đẻ của mình thì đây là hành vi rất tàn nhẫn, đáng lên án, hành vi này sẽ được xác định là vì động cơ đê hèn. Hành vi này xâm phạm đến nhiều khách thể mà pháp luật hình sự bảo vệ, cho thấy tính ích kỷ cao độ, coi thường pháp luật, coi thường tính mạng sức khỏe, tài sản của người khác, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Bởi vậy cơ quan điều tra cần vào cuộc làm rõ để có biện pháp xử lý nghiêm khắc.
Đối với việc tặng cho tài sản, luật sư Khuyên nhấn mạnh: Theo quy định tại Điều 457 Bộ luật Dân sự, tặng cho tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho. Việc tặng cho tài sản theo nguyên tắc tự nguyện, người có tài sản thực hiện ý chí và mong muốn tặng cho ai, tặng cho giá trị bao nhiêu hoặc không tặng cho ai… đó hoàn toàn là quyền và ý chí quyết định của người tặng cho, không bị chi phối ảnh hưởng bởi người được tặng cho.
Căn cứ vào các quy định của pháp luật, người mẹ cho con trai đất mặt đường, con gái được chia đều đất trong ngõ là quyền của người mẹ, những người con không có quyền can thiệp.
Để hạn chế rủi ro, tranh chấp phát sinh, luật sư Khuyên khuyến cáo, người tặng cho tài sản có thể tặng cho tài sản có điều kiện theo quy định tại Điều 462 Bộ luật Dân sự 2015. Cụ thể người tặng (người có tài sản) hoàn toàn có quyền yêu cầu bên được tặng cho thực hiện một hoặc nhiều nghĩa vụ trước hoặc sau khi tặng cho. Trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ sau khi tặng cho mà bên được tặng cho không thực hiện nghĩa vụ, thì bên tặng cho có quyền đòi lại tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại.