Đối với Hồ Chí Minh, nhân dân là phạm trù cao quý nhất, một phạm trù chính trị chủ đạo trong học thuyết cách mạng của Người. “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”.
Đó là một minh chứng điển hình về niềm tin vào sức mạnh của nhân dân. Người khẳng định, dân khí mạnh thì binh lính nào, súng ống nào cũng không địch nổi.
Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, lực lượng chính trị quần chúng và lực lượng vũ trang nhân dân là hai lực lượng chủ yếu tiến hành khởi nghĩa và đấu tranh cách mạng, phối hợp chặt chẽ và bổ sung cho nhau tạo nên sức mạnh tổng hợp của cuộc kháng chiến.
Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến xây dựng lực lượng chính trị quần chúng. “Sự đồng tâm của đồng bào ta đúc thành một bức tường đồng xung quanh Tổ quốc”. Lực lượng chính trị quần chúng là cơ sở cho đấu tranh quân sự, đồng thời còn là lực lượng tiến công trực tiếp đánh địch theo các phương thức và nội dung rất phong phú, linh hoạt. Về lực lượng vũ trang, Người chủ trương xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân gồm ba thứ quân: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân, du kích. Đây cũng là một nội dung lớn và sáng tạo trong tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh.
Theo Hồ Chí Minh, việc xây dựng bản chất cách mạng, ý thức và trình độ chính trị cho lực lượng vũ trang được đặc biệt quan tâm và tổ chức thực hiện một cách chặt chẽ, có hệ thống. “Quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại”. Người xác định quân đội ta có ba nhiệm vụ: đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân sản xuất. Quân đội và lực lượng công an nhân dân đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng.
Về sức mạnh của lực lượng vũ trang, Hồ Chí Minh nhấn mạnh vai trò của yếu tố con người khi nêu luận điểm “người trước, súng sau”. Đó là sự thống nhất giữa người cầm vũ khí với vũ khí, trong đó người cầm vũ khí đóng vai trò quyết định. Trong quân đội, Người chủ trương xây dựng đội ngũ cán bộ quân sự, cả chính trị, quân sự, khoa học - kỹ thuật và hậu cần. Người nêu sáu yêu cầu cơ bản đối với người chỉ huy quân sự: “Trí - Dũng - Nhân - Tín - Liêm - Trung”.
Để kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, Hồ Chí Minh luôn chăm lo xây dựng thế trận lòng dân. Đối với Hồ Chí Minh, đó là sức mạnh vật chất, nguồn nhân lực và sức mạnh tinh thần, mà lòng dân là sức mạnh đặc biệt to lớn.
Về quốc phòng, Hồ Chí Minh chủ trương xây dựng một nền quốc phòng toàn dân hùng mạnh.
Đối với Hồ Chí Minh, nhân dân là phạm trù cao quý nhất, một phạm trù chính trị chủ đạo trong học thuyết cách mạng của Người. Đó là một minh chứng điển hình về niềm tin vào sức mạnh của nhân dân. Người khẳng định, dân khí mạnh thì binh lính nào, súng ống nào cũng không địch nổi.
Bác ra đồng gặt lúa cùng nông dân (Ảnh tư liệu)
Người từng nói với cán bộ: “Nếu lãnh đạo khéo thì việc gì khó khăn mấy và to lớn mấy, nhân dân cũng làm được”. Đó là sự tổng kết thực tiễn cách mạng rất sâu sắc: phải không ngừng học dân. “Nhân dân ta rất cần cù, thông minh và khéo léo. Trong sản xuất và sinh hoạt, họ có rất nhiều kinh nghiệm quý báu”, do vậy cán bộ ta “cần tham gia tổng kết những kinh nghiệm quý báu ấy”.
Ngày 10/1/1946, tại cuộc họp đầu tiên của Ủy ban nghiên cứu kế hoạch kiến quốc, Hồ Chí Minh đã nói: “Chúng ta đã hy sinh phấn đấu để giành độc lập. Chúng ta đã tranh được rồi... Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”.
Là công bộc, là đày tớ của dân, thì Đảng, Chính phủ và mỗi cán bộ phải chăm lo cho đời sống của nhân dân, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Người nêu rõ mục tiêu của Nhà nước là:“1. Làm cho dân có ăn. 2. Làm cho dân có mặc. 3. Làm cho dân có chỗ ở. 4. Làm cho dân có học hành”.
Từ thực tiễn cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh đã khái quát luận điểm có tính chân lý về vai trò của khối đại đoàn kết, đó là: Đoàn kết làm ra sức mạnh; “Đoàn kết là sức mạnh, đoàn kết là thắng lợi”; “Đoàn kết là sức mạnh, là then chốt của thành công”...
Hồ Chí Minh đã nhiều lần nói: “Đoàn kết của ta không những rộng rãi mà còn đoàn kết lâu dài... Ai có tài, có đức, có sức, có lòng phụng sự Tổ quốc và phục vụ Nhân dân thì ta đoàn kết với họ”.
Trong quá trình xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc phải đứng vững trên lập trường giai cấp công nhân để giải quyết hài hòa mối quan hệ giai cấp - dân tộc. Để tập hợp lực lượng, không được phép bỏ sót một lực lượng nào, miễn là lực lượng đó có lòng trung thành và sẵn sàng phục vụ Tổ quốc, không là Việt gian, không phản bội lại quyền lợi của dân chúng là được.
Để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phải kế thừa truyền thống yêu nước - nhân nghĩa - đoàn kết của dân tộc.
Để thực hành đoàn kết rộng rãi, cần có niềm tin vào nhân dân, với đại đa số là công nhân, nông dân. Trong bài Nói chuyện tại Hội nghị đại biểu Mặt trận Liên - Việt toàn quốc, tháng 1/1955, Ngưòi chỉ rõ: “Đại đoàn kết tức là trước hết phải đoàn kết đại đa số nhân dân, mà đại đa số nhân dân ta là công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động khác. Đó là nền gốc của đại đoàn kết. Nó cũng như cái nền của nhà, gốc của cây. Nhưng đã có nền vững, gốc tốt, còn phải đoàn kết các tầng lớp nhân dân khác”.
Phải có lòng khoan dung, độ lượng với con người, trân trọng “phần thiện”, dù nhỏ nhất ở mỗi con người để lôi kéo, tập hợp, quy tụ rộng rãi mọi lực lượng. Người viết: “Trong mấy triệu người cũng có người thế này thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều dòng dõi của tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng đại độ. Ta phải nhận rằng đã là con Lạc, cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc. Đối với những đồng bào lạc lối lầm đường, ta phải lấy tình thân ái mà cảm hóa họ. Có như thế mới thành đại đoàn kết, có đại đoàn kết thì tương lai chắc sẽ vẻ vang”. “Bất kỳ ai mà thật thà tán thành hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ thì dù những người đó trước đây chống chúng ta, bây giờ chúng ta cũng thật thà đoàn kết với họ”.