10 loại dịch vụ khám, chữa bệnh và hơn 1.900 loại vật tư, thiết bị y tế ở các cơ sở khám, chữa bệnh trực thuộc TP Hà Nội sẽ điều chỉnh theo hướng tăng giá từ tháng 8/2017.
Ông Nguyễn Khắc Hiền - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, đợt điều chỉnh giá dịch vụ y tế lần này được áp dụng theo Thông tư 02/2017/TT-BYT ngày 15/3/2017 của Bộ Y tế nhằm hướng tới sự bình đẳng về giá, không phân biệt giá giữa khám, chữa bệnh của người không có thẻ BHYT và người có thẻ BHYT trong cùng một cơ sở khám, chữa bệnh.
Theo đó, lộ trình điều chỉnh giá viện phí mới là 30 tỉnh thực hiện vào tháng 8/2017; 15 tỉnh thực hiện vào tháng 10/2017 và 18 tỉnh thực hiện vào tháng 12/2017. Ngày 1/8, một số địa phương, trong đó có Hà Nội đã bắt đầu thực hiện lộ trình tăng viện phí. TP.HCM sẽ bắt đầu thực hiện từ tháng 10/2017.
Bệnh viện công ở Hà Nội đã tăng giá khám, chữa bệnh từ 1/8
Tại Hà Nội, việc điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh được áp dụng với các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa thành phố, trung tâm chuyên khoa, bệnh viện đa khoa tuyến huyện, phòng khám đa khoa, nhà hộ sinh, trạm y tế xã/phường/thị trấn; người bệnh chưa tham gia bảo hiểm y tế; người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) nhưng đi khám, chữa bệnh hoặc sử dụng các dịch vụ khám, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT; các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Theo thông tư này, sẽ có 1.931 dịch vụ được điều chỉnh giá, mức điều chỉnh tăng. Một số ít tăng giá gấp đôi so với mức giá hiện hành; nhiều dịch vụ có mức tăng gần 1 triệu đồng/lần sử dụng, do đơn giá dịch vụ kỹ thuật đó vốn đã cao như chụp X-quang động mạch vành hoặc thông tim, chụp buồng tim dưới DSA tăng từ 5,1 triệu đồng lên gần 5,8 triệu đồng; chụp và can thiệp tim mạch dưới DSA từ 6 triệu lên gần 6,7 triệu đồng; nội soi ổ bụng từ 575.000 đồng tăng lên 793.000 đồng, nội soi thực quản - dạ dày - tá tràng có sinh thiết tăng từ 220.000 đồng lên 385.000 đồng...
Theo cơ quan chức năng, việc điều chỉnh viện phí vào đầu tháng 8 này của các bệnh viện công sẽ không gây ảnh hưởng nhiều đến đời sống người dân của thành phố vì mức điều chỉnh chỉ tác động nhiều đến người chưa có BHYT (17,6% dân số Hà Nội).
"Thực hiện Thông tư 02 sẽ phần nào tác động đến ý thức tham gia BHYT của người dân, thúc đẩy người dân mua BHYT, tăng độ bao phủ và tiến tới BHYT toàn dân. Hiện nay, cả nước hiện còn gần 20% chưa tham gia BHYT”, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho hay.