Vụ chìm tàu trong đêm 4/6 trên sông Hàn - Đà Nẵng vừa qua làm 3 người thiệt mạng đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo và các ngành chức năng vào cuộc xử lý kịp thời.
Song dư luận không khỏi lo lắng, bất an khi hầu như năm nào cũng xảy ra vụ việc tương tự, dù đã có quy định của pháp luật về vấn đề này.
Những chuyến tàu “định mệnh”
Trước đó, vào khoảng 20 giờ 30 tối 4/6, tàu du lịch Thảo Vân 2 quy định 28 ghế ngồi (cả người lái) nhưng chở đến 56 người, trong đó có 19 trẻ em. Tàu vừa xuất bến chừng 10 phút thì bị chìm. Những tàu du lịch gần đó kịp cứu hơn 40 người, số ít nạn nhân biết bơi tự vào được bờ, 3 người chết.
Nguyên nhân vụ tai nạn ban đầu được xác định do chủ tàu không chấp hành các quy định về vận tải, tàu chở quá số người quy định…Tàu Thảo Vân 2 từng bị chìm trên sông Hàn vào năm 2014, khi chở 10 hành khách nhưng may mắn mọi người đều an toàn.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, chiều 5/6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đến hiện trường động viên các gia đình có người gặp nạn, đồng thời yêu cầu CQĐT nhanh chóng khởi tố vụ án, điều tra những người liên quan đến sai phạm của tàu Thảo Vân 2 để sớm đưa ra xét xử.
Vụ án hình sự “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy” đã được khởi tố theo Điều 212 Bộ luật Hình sự về tội. Ngoài trách nhiệm của chủ tàu và lái tàu, CQĐT sẽ xem xét cả những cá nhân, tổ chức có liên quan với quan điểm xử lý quyết liệt, đến cùng.
Trước đó, các vụ việc chìm tàu trên Vịnh Hạ Long và một số nơi cũng cho thấy việc bảo đảm an toàn giao thông đường thủy cần phải siết chặt hơn.
Lực lượng chức năng tìm kiếm nạn nhân mất tích trong vụ chìm tàu trên sông Hàn
Tháng 5/2011, tàu Dìn Ký trên bị chìm trên sông Sài Gòn làm chết 16 người. Lê Văn Đức - người điều khiển chiếc tàu tử thần trong đêm xảy ra vụ tai nạn cũng đã bị khởi tố về “Tội vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy gây hậu quả nghiêm trọng”.
Cũng trong năm 2011, tại Quảng Ninh đã xảy ra vụ đắm tàu du lịch đang nghỉ qua đêm trên Vịnh Hạ Long làm 12 người thiệt mạng. Tháng 8/2013 xảy ra vụ chìm Ca nô tại huyện Cần Giờ (TP. Hồ Chí Minh) làm 9 người chết. Và mới đây nhất, ngày 22/5/2016 vừa qua, tại Quảng Ninh, khi đang neo đậu trong âu tàu, thuộc Cảng quốc tế Tuần Châu, tàu du lịch Tùng Vân QN 1366 đã bất ngờ bị chìm…
Qua vụ tai nạn chìm tàu Thảo Vân 2 trên sông Hàn cho thấy, bên cạnh việc vi phạm của các chủ tàu, sự lơ là trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong khâu kiểm tra, cũng có nguyên nhân từ các hành khách không tuân thủ các quy định có liên quan.
Trách nhiệm của 6 Bộ và UBND cấp tỉnh
Sau khi sự việc xảy ra, Đà Nẵng cũng đã có nhiều động thái tích cực cứu chữa, động viên thăm hỏi và ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với Đội trưởng Đội quản lý bến sông Hàn đồng thời truy vấn gay gắt trách nhiệm của từng ngành, từng đơn vị, từng cá nhân liên quan đến vụ này. Trong đó, trách nhiệm nặng nề nhất liên quan đến ngành giao thông vận tải, mà trực tiếp là Cảng vụ Đà Nẵng trong công tác quản lý, giám sát.
Thiếu tướng Ngô Quý Đức, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 5 cũng cho biết, đã yêu cầu Sở VH, TT & DL Đà Nẵng rà soát tất cả khách sạn đăng ký đi tàu du lịch trên sông Hàn chưa về, báo cáo tình hình tới Ban chỉ huy tìm kiếm ngay tại cầu cảng sông Hàn để nắm tình hình.
Ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa, Bộ GTVT cho biết: "Công tác quản lý Nhà nước còn nhiều bất cập, chưa giải quyết kịp thời các vấn đề của thực tiễn hoạt động vận tải thủy nội địa; công tác rà soát, bổ sung, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật còn chưa kịp thời; nhân sự chưa đáp ứng yêu cầu; đoàn phương tiện khai thác cũ, lạc hậu, chậm đổi mới về công nghệ; công tác đầu tư kết cấu hạ tầng, duy tu, bảo trì chưa được quan tâm đúng mức. Đồng thời, mô hình tổ chức kinh doanh vận tải còn manh mún, nhỏ lẻ.
Công tác đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa trong nhiều năm gần đây đã khá quyết liệt. Từ khi có Luật Đường thủy ra đời, số vụ tai nạn đường thủy đã giảm hơn so với trước đây. Mặc dù tai nạn giao thông đường thủy ít xảy ra nhưng khi xảy ra thường có nhiều bất ổn. Vụ chìm tàu Thảo Vân 2 trên sông Hàn gây tâm lý lo lắng cho người dân. Thời gian tới sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát hơn nữa để hạn chế thấp nhất tai nạn giao thông".
Nghị định số 110/2014/NĐ-CP đã quy định các điều kiện kinh doanh vận tải đường thủy nội địa, trong đó quy định rõ trách nhiệm của 6 Bộ và UBND cấp tỉnh phải thực hiện việc kiểm tra, giám sát.
Nghị định quy định rõ về trách nhiệm của các cơ quan như: Bộ GTVT, Bộ Công an, Bộ VH-TT&DL, Bộ TT&TT, Bộ Y tế và UBND cấp tỉnh phải có trách nhiệm trong việc thống nhất quản lý hoạt động kinh doanh vận tải đường thủy nội địa quy định tại Nghị định này.
Tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm việc thực hiện các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải thủy nội địa theo quy định; Hướng dẫn thủ tục chấp thuận vận tải đường thủy nội địa; điều kiện của bộ phận quản lý, theo dõi các điều kiện về an toàn giao thông; tập huấn nghiệp vụ chuyên môn, nghiệp vụ kỹ thuật đối với hoạt động vận tải đường thủy nội địa. Phối hợp kiểm tra các hoạt động kinh doanh vận tải đường thủy nội địa và xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
Đặc biệt, UBND cấp tỉnh phải tổ chức quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hành khách trong các khu du lịch, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm việc thực hiện các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải thủy nội địa theo quy định của Nghị định này và các quy định khác có liên quan của pháp luật… Bộ trưởng Bộ GTVT, Chủ tịch UBND cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra việc tuân thủ các điều kiện kinh doanh của đơn vị kinh doanh vận tải thủy nội địa.
Thiết nghĩ, các Bộ, UBND cấp tỉnh cần thực hiện đầy đủ các quy định trên của Nghị định để đảm bảo an toàn về tài sản, tính mạng cho người dân.