Trong những năm 1820, Vidocq có được nhiều thành công trong sự nghiệp. Tuy nhiên, trong giai đoạn này cuộc đời ông cũng gặp rất nhiều trắc trở.
Với tư cách là người đứng đầu đội an ninh, Vidocq, khi đó mới ở tuổi 40, là người đóng góp nhiều cho quá trình đấu tranh chống tội phạm ở Pháp. Năm 1817, đội an ninh của Vidocq đã có hàng chục nhân viên do đích thân anh chọn. Chỉ trong năm đó, đội của Vidocq đã thực hiện 811 vụ bắt giữ, trục xuất 229 tên tội phạm khỏi Paris.
Điển hình nhất là vụ đột kích quán rượu khét tiếng Desnoyer’s - từ lâu đã là một trong những nơi trú ẩn của đủ loại tội phạm. Khách khứa ở Desnoyer’s lúc nào cũng đông đúc như một đội quân. Cấp trên cho rằng, Vidocq cần cả một đạo quân để dẹp Desnoyer’s. Nhưng thực tế, anh chỉ mang theo 6 người, một mẩu phấn, một túi còng tay và một lệnh của tòa án.
Vidcoq điềm nhiên bước qua cửa Desnoyer’s, yêu cầu mọi người đi ra ngoài phố theo hàng một. Sau đó, Vidcoq quan sát chăm chú từng khuôn mặt vừa đi ra. Khi anh nhận ra kẻ muốn bắt, anh dùng phấn vạch một dấu nhân sau lưng người đó, ám chỉ với người của mình ở bên ngoài rằng đó là kẻ cần bắt. Đêm đó, viên phấn của Vidocq đã giúp anh đưa được 38 tên vào nhà tù. Trước khi rời Desnoyer’s, Vidocq nói: “Tôi là Vidocq! Hãy nhớ tên tôi!”.
Vidocq là người đóng góp nhiều cho quá trình đấu tranh chống tội phạm ở Pháp
Một vụ nổi bật nữa cũng khiến tên tuổi của Vidocq nổi danh. Một chiều nọ, Vidocq để ý thấy một người đàn ông mặc đồ quý tộc, ngực đeo huy chương lấp lánh bước ra từ cửa Pavillion de Flore, một khu vực trong cung điện Louvre. Anh nhận ra đằng sau bộ cánh hào nhoáng đó chính là khuôn mặt của Chambreiul, một tên vô lại từng ở tù cùng anh. Lẽ ra hắn phải ngồi tù lâu hơn vì tội ăn cắp tiền.
Đội an ninh của Vidocq bắt đầu điều tra. Vidocq phát hiện ra rằng Chambreiul vừa vào Paris bằng giấy tờ giả, giả danh là nhà quý tộc, lừa lọc cả xã hội, trong đó có Thủ tướng Pháp để trở thành cảnh sát trưởng cung điện Louvre.
Trước sự chứng kiến của Bộ Nội vụ và cảnh sát Paris, Vidocq xuất hiện tại cung điện và bắt Chambreiul ngay tại trận. Ông Henry ra lệnh khám xét nơi ở của Chambreiul và phát hiện ra giấy tờ chứng tỏ hắn ta là tên tù vượt ngục.
Thủ tướng Pháp phải lên tiếng giải thích, cả Paris được trận cười nghiêng ngả. Vidocq bắt đầu làm cho người Pháp tin vào pháp luật. Anh được người dân yêu quý. Người Paris gọi Vidocq là một ông vua.
Bỗng nhiên, anh trở thành anh hùng của các cậu bé. Những người phụ nữ coi anh là người trong mộng và chỉ mong bắt được một ánh nhìn trên khuôn mặt điển trai của Vidocq. Giờ đây, Vidocq là từ cửa miệng ở Paris. Mọi tầng lớp đều nói tới anh, đối với giới lao động, Vidocq trở thành một người hùng cảnh sát đầu tiên mà thế giới từng có.
Tem thư in hình Vidocq
Tuy nhiên, trong giai đoạn này, cuộc đời Vidocq lại gặp nhiều trắc trở về cuộc sống riêng tư. Biến động lớn đầu tiên xảy đến với Vidocq là khi người mẹ yêu quý của ông qua đời năm 1820. Cả thành phố Paris dường như đều có mặt ở Nhà thờ đức bà Paris để làm lễ cầu siêu cho bà. Bà mẹ của Vidocq - ông vua của các thám tử - được đối xử như thể người hoàng tộc.
Cùng trong năm đó, Vidocq kết hôn với Jeanne - Vitoire Guerin, một cô gái mỏng manh và ốm yếu. Họ sống hạnh phúc trong căn nhà trên phố Rue de l’Hirondelle nhưng cuộc hôn nhân không kéo dài được bao lâu do Guerin thường xuyên đau ốm và yểu mệnh. Bốn năm sau đám cưới của Vidocq, người Paris lại khóc thương cho một số phận gắn liền với Vidocq.
Nhưng, Vidocq cũng chẳng có thời gian đau buồn lâu vì công việc của ông rất bận rộn. Ngoài công việc hàng ngày, Vidocq kiếm thêm bằng cách làm thám tử tư sau giờ làm việc. Danh tiếng của ông giúp ông kiếm được bộn tiền.
Hơn nữa, ông chưa bao giờ làm khách hàng thất vọng. Người ta xếp hàng dài để nhờ ông tìm cô con gái bị mất tích, tìm một món đồ quý bị trộm cắp hay phát hiện người biển thủ công quỹ của công ty... Chẳng bao lâu, Vidocq đã xây được một ngôi nhà nhỏ ở Sainte - Mande và tái hôn. Người vợ thứ ba là một cô gái trẻ hơn ông những 18 tuổi và là cô em họ Fleuride Maniez - người có thể chịu đựng được những giờ làm việc liên miên hay tính đào hoa của ông chồng có vẻ ngoài hút mắt.
Cũng trong thời gian này, chính trường Paris liên tục thay đổi. Khi vua Charles X lên ngôi, ông đã đưa lực lượng cảnh sát về dưới trướng của mình để điều khiển theo ý muốn. Charles X chỉ định Guy Delaveau, một người trung thành tuyệt đối, vào cương vị đứng đầu lực lượng cảnh sát.
Người này đã hất cẳng ông Henry và thay bằng người của ông ta. Cả hai đều kiên quyết loại bỏ mọi thành phần có ý định chống đối chính quyền mới của vua Charles X, coi những người Cộng hòa, người trung thành với Napoleon là tội phạm.
Khi Henry bị mất chức, Vidocq và cả Paris, mất đi một đồng minh có giá trị. Giờ Vidocq bị những kẻ mới lên giám sát và theo dõi với ánh mắt không tin cậy, chỉ muốn làm sự nghiệp của ông bị hủy hoại và rình từng cơ hội để lật đổ, bôi nhọ thanh danh ông.
Cảm thấy khó chịu với ràng buộc, Vidocq xin từ chức, điều mà kẻ thù của ông vỗ tay vui mừng. Nhưng họ cũng chẳng vui được bao lâu.