Đời sống

Từ “cây di sản” nghĩ về “người di sản”

Trần Thế Tuyển 09/02/2024 07:00

Những ngày cuối năm Quý Mão, tôi có dịp tham dự lễ công bố "Quần thể cây di sản Việt Nam" tại căn cứ chiến khu D nổi tiếng một thời - Rừng Mã Đà, thuộc xã Tân Hòa, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước. Nơi ấy, trong chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc, rừng vừa là căn cứ cách mạng, vừa là nguồn tài nguyên vô tận để phục vụ cuộc kháng chiến.

Khi đất nước hòa bình, rừng là nguồn sinh thái bảo vệ thiên nhiên… và nuôi giấu những cây cổ thụ được coi là di sản của đất nước và thế giới.

Những cựu chiến binh sống chết với rừng

Ông, bà cựu chiến binh Phạm Công Trường- Nguyễn Thị Hồng Tươi đã có một thời kháng chiến gắn bó với rừng. Hiểu được giá trị của rừng, đặc biệt tầm nhìn dưới góc độ văn hóa, ông bà Trường Tươi đã nghĩ đến việc bảo vệ rừng nguyên sinh, đặc biệt có kế hoạch bảo tồn những cây cổ thụ có giá trị cao.

tu-cay-di-san-nghi-ve-nguoi-di-san.jpg
Tác giả (chính giữa) và các tướng lĩnh tại Chiến khu D cuối năm 2023.

Cựu chiến binh Phạm Công Trường và Nguyễn Thị Hồng Tươi là cổ đông sáng lập Tập đoàn Trường Tươi; đồng thời xin phép thành lập Công ty cổ phần Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ B58 nhằm xây dựng chiến lược và kế hoạch phát triển dài hạn để gìn giữ, bảo vệ hơn 512 ha rừng tại Chiến khu D, xã Tân Hòa, huyện Đồng Phú.

Tập đoàn Trường Tươi có 30 đơn vị thành viên. Cán bộ công nhân viên chức hầu hết là Cựu chiến binh, tuy mới thành lập nhưng đã nhanh chóng ổn định và phát triển, là một trong những doanh nghiệp thành công về kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường sinh thái; đặc biệt đó là đơn vị kinh tế làm tốt công tác xã hội, chia sẻ với những mảnh đời bất hạnh.

Tại lễ công bố quần thể cây di sản Việt Nam, ông bà Trường Tươi vì lý do sức khỏe không tham dự. Con trai cả của ông bà là Phạm Hồng Sơn đã thay mặt cha mẹ nhận những phần thưởng cao quý do Đảng, Nhà nước và UBND tỉnh Bình Phước trao tặng.

Trong 512ha rừng tại chiến khu D xưa, có 163 cây cổ thụ được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam khảo sát, công nhận là cây di sản Việt Nam. Mỗi cây có tuổi từ 500 đến 1000 năm với đủ loại gỗ quý.

Từ thành quả sản xuất kinh doanh, Tập đoàn Trường Tươi đã đầu tư trở lại cho việc bảo tồn và phát triển rừng; trong đó có việc phát hiện, khảo sát, lập dự án xây dựng quần thể 163 cây di sản Việt Nam.

Điều đáng nói nữa, tập đoàn Trường Tươi còn bỏ ra hàng trăm tỷ đồng ủng hộ, tài trợ các chương trình dân sinh, các hoạt động văn hóa thể thao và tri ân người có công với đất nước.

Những cựu chiến binh - những người lính Bộ đội Cụ Hồ xưa làm nòng cốt cùng ông bà Trường Tươi đã từng sống chết với rừng và nay, tiếp tục động viên con cháu bảo vệ, phát triển rừng. Nghĩa cử của họ thật đáng trân trọng.

Nơi hội tụ "người di sản"

Có thể nói chưa bao giờ rừng Chiến khu D lại thu hút được sự quan tâm của số lượng lớn tướng lĩnh, Cựu chiến binh và lão thành như dịp cuối năm Quý Mão 2023 vừa qua.

Trong số gần 2000 người từ khắp cả nước về dự lễ công bố quần thể cây di sản Việt Nam có hơn 100 tướng lĩnh Quân đội và Công an nhân dân. Họ là những người lính Cụ Hồ đã gắn bó với rừng nói chung và chiến khu D nói riêng.

Tôi gặp Thượng tướng Nguyễn Văn Được, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam; Thượng tướng Bế Xuân Trường, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam; Trung tướng Phùng Khắc Đăng, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Trung tướng Phạm Tuân - Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Liên Xô - Phi công vũ trụ và nhiều tướng lĩnh thuộc nhiều đơn vị trong cả nước về dự.

Tôi chợt nghĩ, các vị tướng trải qua mấy cuộc kháng chiến giải phóng và bảo vệ đất nước, làm nghĩa vụ quốc tế này, ở một góc nhìn nào đó cũng như "cây di sản" cần được bảo vệ và lan tỏa. Trước hết, đó là những vị tướng trận mà họ đã cống hiến, hy sinh hết cả đời mình cho độc lập, tự do của đất nước, hạnh phúc của nhân dân.

Tôi vừa nhận giấy mời của Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 lên Tây Nguyên dự lễ truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho ba vị tướng lừng danh. Đó là Thượng tướng Hoàng Minh Thảo; Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp và Thượng tướng Vũ Lăng.

Mỗi vị tướng ấy đã cống hiến cho đất nước và nhân dân theo những cách riêng. Điều chung nhất, họ là Bộ đội Cụ Hồ. Tôi nghĩ, họ chính là "người di sản" với đúng nghĩa cao đẹp của nó, cần lưu truyền cho muôn đời con cháu mai sau.

Quả thật, rất đáng trân trọng và từ "cây di sản", tôi đã nghĩ về "người di sản".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Từ “cây di sản” nghĩ về “người di sản”