Người gửi tiền rút trước hạn một phần sổ tiết kiệm thì số tiền còn lại vẫn được giữ nguyên lãi suất ban đầu chứ không bị áp mức không kỳ hạn như hiện nay.
Đây là nội dung mới tại Thông tư 04 vừa được Ngân hàng Nhà nước ban hành, có hiệu lực từ 1/8 năm nay. Trước đó, nội dung này được các ngân hàng kiến nghị sửa đổi, nhằm đảm bảo quyền lợi cho người gửi tiền.
Theo Thông tư mới, Ngân hàng Nhà nước quy định, nếu khách hàng rút trước hạn một phần tiền gửi có kỳ hạn thì chỉ phần rút trước hạn này chịu lãi suất không kỳ hạn (thường không quá 0,1%), phần tiền gửi còn lại được ngân hàng giữ nguyên mức lãi suất đang áp dụng. Trong khi theo quy định hiện hành, khách không được rút một phần tiền gửi mà phải rút toàn bộ sổ tiết kiệm và chịu lãi suất tối đa bằng lãi không kỳ hạn.
Ví dụ, khách hàng A có khoản tiết kiệm tại ngân hàng 500 triệu, kỳ hạn 6 tháng với lãi suất 5% một năm, đến hạn ngày 1/6/2022. Lãi suất tiền gửi không kỳ hạn của nhà băng này là 0,1% một năm. Người này có việc gấp và rút sổ trước hạn 200 triệu đồng ngày 1/5, theo đó, khoản 200 triệu này sẽ được tính lãi không kỳ hạn (0,1% một năm). Khoản tiền gửi còn lại là 300 triệu đồng vẫn sẽ được tính lãi suất 5% một năm cho đến ngày đáo hạn.
Còn với người gửi tiền rút trước hạn toàn bộ sổ tiết kiệm thì phải chịu mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn rất thấp (hay gần như mất trắng tiền lãi) như trước đây.
Như vậy so với quy định cũ, cách tính lãi khi rút trước hạn một phần khoản tiền gửi giúp người gửi tiền có lợi hơn. Trên thực tế, không ít trường hợp người gửi tiền vì có việc gấp nên phải "phá" sổ tiết kiệm và mất trắng tiền lãi, hoặc phải cầm cố sổ để vay lại ngân hàng hoặc mượn người khác khi có việc cần vì không muốn chịu thiệt khi rút trước hạn sổ tiết kiệm.