Sử dụng chất cấm trong chăn nuôi hiện nay đang có diễn biến khá phức tạp và mức độ ngày càng nghiêm trọng. Theo quy định tại Bộ Luật hình sự 2015 sửa đổi, có hiệu lực từ ngày 1/7/2016, hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi sẽ bị xử lý hình sự.
Sử dụng chất cấm là tội ác
Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, có đến 80% tổng số công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi bị thanh tra đã phát hiện có chất cấm hoặc thừa nhận đã từng sử dụng một loại chất cấm nào đó.
Mới đây, trong đợt cao điểm ngăn chặn sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, các cơ quan chức năng đã phát hiện 7 công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi chứa chất cấm, trong đó phổ biến là chất tạo nạc và chất Vàng O. Đây đều là những chất có khả năng gây ung thư và di truyền qua các thế hệ.
Ngay từ năm 2015, trước tình trạng chất cấm diễn biến phức tạp, Bộ Nông nghiệp – Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNN) đã nhanh chóng xây dựng kế hoạch hành động cụ thể dựa trên 3 nền tảng chính: tăng cường công tác thanh – kiểm tra theo cách mới, bổ sung sửa đổi các quy định của pháp luật để phù hợp với tình hình thực tế và tuyên truyền để nâng cao nhận thức của các cá nhân, đơn vị liên quan.
Theo đó, từ tháng 11/2015, thanh tra Bộ NN&PTNN đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (C49, Bộ Công an) thành lập nhiều chuyên án kiểm tra các trang trại và cơ sở chăn nuôi heo cả nước, điều tra và triệt phá hàng loạt đường dây buôn bán, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.
Tính đến tháng 12/2015, các cơ quan này đã phát hiện trên 40 cơ sở sử dụng thức ăn chăn nuôi với trên 100 mã sản phẩm có dấu hiệu vi phạm, tiến hành xử lí 18/40 trường hợp sử dụng chất cấm, xử phạt vi phạm hành chính trên 2,6 tỷ đồng.
Hiện nay, các văn bản và chế tài xử lý các sai phạm trong lĩnh vực VSATTP đã rất nhiều nhưng chưa đủ sức răn đe. Hầu hết các vi phạm về thực phẩm mới dừng lại ở xử lý vi phạm hành chính, phạt tiền và một số hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động sản xuất kinh doanh từ 1 đến 6 tháng và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả…
Ngay cả với những vi phạm có tính hệ thống, quy mô lớn, gây hậu quả nghiêm trọng như sản xuất thức ăn chăn nuôi có sử dụng chất cấm thì các chế tài vẫn chưa đủ mạnh.
Vấn đề này, Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng đã phải bức xúc kiến nghị: Cần coi chất cấm trong chăn nuôi như ma túy, sử dụng chất cấm là tội ác, đồng thời đề nghị Quốc hội bổ sung hành vi sử dụng chất cấm là một tội ác cần phải truy tố theo luật hình sự.
Trên thực tế hiện nay, một số vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm cũng đã được quy định tại Bộ luật hình sự, nhưng các cơ quan chức năng lại bế tắc trong việc chứng minh tội phạm.
Tại Điều 244, Bộ Luật hình sự hiện hành quy định về Tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, theo đó có đề cập đến người chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm không bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn, gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ của người tiêu dùng…Nhưng để chứng minh được thế nào là "biết rõ", hay những hậu quả "nghiêm trọng", "rất nghiêm trọng", "đặc biệt nghiêm trọng"… là rất khó.
Một trang trại nuôi heo tại Đắk Lắk
Chế tài nghiêm khắc
Đại tá Trần Trọng Bình - Cục phó Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (C49) - Bộ Công an cho biết, theo các quy định mới của Bộ Luật hình sự 2015 sửa đổi có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2016, các hành vi sử dụng chất tạo nạc cấm trong chăn nuôi sẽ được xếp vào khung xử lý hình sự thay vì hành chính như trước.
Bắt đầu từ ngày 1/7/2016, khung hình phạt tối đa cho tội vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, trong đó có việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi có thể ngồi tù tới 20 năm.
Cụ thể, trong BLHS năm 2015 quy định về các tội: Sản xuất, buôn bán hàng cấm (Điều 190); tàng trữ, vận chuyển hàng cấm (Điều 191); Sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm (Điều 193); Vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm (Điều 317) quy định, các cá nhân, tổ chức sử dụng các hóa chất, phụ gia bị cấm trong thực phẩm và thức ăn chăn nuôi sẽ bị phạt hành chính từ 50 – 200 triệu, phạt tù từ 1 – 5 năm. Trường hợp nặng có thể bị phạt tiền 1 tỉ đồng, phạt tù 20 năm.
Giải thích rõ hơn về điều này, ông Bình cho biết, trước đây, tội sử dụng chất cấm trong chăn nuôi vẫn có thể xử lý hình sự nhưng với quy định cấu thành vật chất, tức là phải gây ra hậu quả cụ thể mới đủ căn cứ xử phạt. Tuy nhiên, việc xác định hậu quả là vô cùng rắc rối và khó khăn.
Bộ luật hình sự mới có hiệu lực từ ngày 1/7 quy định, chỉ cần cấu thành hình thức, thay vì cấu thành vật chất như cũ là có thể có căn cứ để xử phạt. Tội sử dụng chất cấm trong chăn nuôi sẽ bị xử lý hình sự, cấu thành các tội liên quan đến sức khỏe, tính mạng con người.
Ông Phạm Tiến Dũng, Đội trưởng Đội thanh tra chuyên ngành, Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đánh giá, sau khi Bộ luật hình sự (sửa đổi) có hiệu lực, hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi sẽ giảm.
Dù vậy, để đạt được hiệu quả như mong muốn, ngoài chế tài, phải có sự đồng bộ từ quy định, chính sách đến hoạt động tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra của lực lượng chức năng. Trong đó, việc tuyên truyền rất quan trọng, để người tiêu dùng hiểu rõ về chất cấm, lên án, tẩy chay đồng thời sẽ tham gia tố giác hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.
Hiện Bộ Y tế cũng đã kịp thời chỉ đạo đưa salbutamol vào danh mục “kiểm soát đặc biệt”, đồng thời đề xuất bổ sung các nguyên liệu, các thuốc bị cấm sử dụng trong các lĩnh vực khác (ví dụ như Salbutamol trong ngành chăn nuôi) vào danh mục “thuốc phải kiểm soát đặc biệt” của Luật Dược sửa đổi.
Đại tá Trần Trọng Bình, Phó cục trưởng C49 cho biết trong thời gian từ nay đến tháng 7/2015 khi BLHS sửa đổi chưa có hiệu lực, để quyết liệt đấu tranh với hành vi vi phạm về chất cấm, C49 phối hợp với Thanh tra Bộ NN-PTNT trên nguyên tắc bảo mật, sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc thanh, kiểm tra đột xuất đối với các khu vực có nguy cơ sử dụng, buôn bán chất cấm cao, thậm chí áp dụng các biện pháp giám sát, kiểm tra đặc biệt với tần suất dày.