Đây không phải là bút danh của TTKH, một nhà thơ bí ẩn gần một thế kỷ với kiệt tác “Hai sắc hoa ti gôn” mà là mấy chữ viết tắt “thể thao tốn kém” của dư luận đánh giá về Đại hội TDTT quá tốn kém mà hiệu quả không tương xứng.
Nhà thi đấu của tỉnh Nam Định được đánh giá là to đẹp nhất nhưng vắng khán giả trong dịp Đại hội TDTT 2014. Ảnh: Quang Liêm/NLĐ
Được biết, Đại hội TDTT toàn quốc được tổ chức 4 năm/lần với định hướng tạo sân chơi tranh tài đỉnh cao cho các VĐV trong nước, phát hiện tài năng để bồi dưỡng, rèn luyện. Với quy mô toàn quốc, đại hội huy động một cỗ máy khổng lồ về nhân sự và ngốn một khoản ngân sách không nhỏ.
Còn nhớ, Đại hội TDTT toàn quốc lần đầu tiên được tổ chức cách đây 29 năm tại Hà Nội. Đến năm 2002, Chính phủ đồng ý để tổ chức đại hội với quy mô lớn và đều đặn theo chu kỳ 4 năm/lần.
ĐHTDTT lần thứ 7 năm nay do Nam Định, địa phương thứ 4 trong cả nước đăng cai sau Hà Nội, TP HCM và Đà Nẵng đăng cai ngày hội này. Và quyền đăng cai ĐHTDTT lần thứ 8/2018 đã được giao cho An Giang.
Xin nhắc lại, chỉ đạo của Chính phủ với đại hội TDTT phải thiết thực, tiết kiệm, hiệu quả và hạn chế tối đa xây dựng mới các công trình lấy tiền từ ngân sách công.
Tuy nhiên, với thông tin Nam Định đã phải đầu tư khoảng 1.500 tỉ đồng phục vụ đại hội mà cũng chưa đủ đáp ứng và các địa phương lân cận là Hà Nội, Thái Bình, Hải Dương, Hải Phòng... trợ giúp đăng cai một số môn cũng phải bỏ ra một khoản kinh phí không nhỏ. Vậy là sơ sơ, số tiền đầu tư cho đại hội đã lên đến hơn 2.000 tỉ đồng, chưa kể chi phí các đoàn bỏ ra cho quá trình tập luyện, thi đấu.
Đại hội TDTT toàn quốc được coi là một cuộc tổng rà soát lực lượng của thể thao để chuẩn bị nguồn lực cho các đấu trường SEA Games, châu lục và xa hơn là thế giới. Thế nhưng, giới chuyên môn lại nhìn nhận đại hội đang bị biến thành nơi ganh đua chạy theo thành tích. Khán giả hết sức bất bình với vụ VĐV đánh trọng tài rồi sau đó HLV và trọng tài môn vật đánh lộn nhau gây phản cảm vì hành động phi thể thao này. Hóa ra đã có địa phương sẵn sàng chi tiền để “mua” VĐV nên họ cũng không chịu giáo dục tư cách đạo đức cho số “lính đánh thuê” này. Rồi trọng tài ấm ớ, không đủ trình độ chuyên môn, thiếu công tâm khiến ĐHTDTT toàn quốc mà cứ như hội thao phố huyện. Trong khi đó, dễ dàng nhận thấy việc “mua bán”, sử dụng cả những “thủ đoạn” ở hậu trường để giành thành tích đã tạo hình ảnh xấu cho hoạt động TDTT và các VĐV trẻ.
Và thực tế, các kỷ lục quốc gia đều thuộc về những ngôi sao với trình độ đã vượt tầm thể thao toàn quốc. Năm nay, VĐV bơi Ánh Viên, cử tạ Thạch Kim Tuấn, Thể dục dụng cụ Phan Thị Hà Thanh hay bắn súng Hoàng Xuân Vinh làm gì có đối thủ ở đại hội tầm tầm này. Thế là các VĐV đỉnh cao không có cơ hội cọ sát rèn luyện nâng cao trình độ và thực tế thành tích cho thấy họ giành HCV nhưng đó cũng không phải là những thành tích xuất sắc.
Đáng quan ngại là hầu hết các công trình thể thao là nhà thi đấu mới được xây dựng có cơ sở 600-700 tỉ đồng, thậm chí cả ngàn tỉ đồng nhưng sau đại hội lại đắp chiếu, hiệu quả sử dụng rất thấp.
Đã đến lúc phải xem lại cung cách tổ chức các ĐHTDTT tốn kém nhiều, thành tích ít nay để đưa phong trào TDTT vào đường đua mới ngoạn mục hơn, hấp dẫn hơn và tiết kiệm hơn.