Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế) vừa tổ chức lễ khai trương Hệ thống vé điện tử và dịch vụ trải nghiệm thực tế ảo XR tại Quần thể Di tích Cố đô Huế.
Theo đó, hệ thống vé điện tử giúp cho du khách, người dân tăng được trải nghiệm khách hàng một cách thú vị, chuyển đổi hình thức mua vé thuận tiện và thanh toán không dùng tiền mặt. Bên cạnh đó, việc đưa hệ thống vé điện tử vào hoạt động làm cải tiến quy trình nghiệp vụ cải thiện tốc độ và chất lượng phục vụ du khách trong nghiệp vụ bán vé truyền thống.
Việc phân tích, tổng hợp dữ liệu từ hệ thống vé điện tử sẽ là cơ sở quan trọng cho việc dự báo, tham mưu ra quyết định để tăng hiệu quả cho công tác quản lý, điều hành của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, có dữ liệu dự báo cho tình hình khách tham quan tại các điểm di tích và sự hài lòng của du khách khi trải nghiệm các dịch vụ do Trung tâm cung cấp…
Ngoài ra, hệ thống vé điện tử và các ứng dụng tương hợp của Trung tâm làm tăng khả năng quảng bá và mở rộng, gia tăng các dịch vụ số cho du khách nhằm tăng lượng khách tham quan và phát triển doanh thu một cách bền vững, đáp ứng yêu cầu đổi mới phù hợp với xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đồng thời, góp phần thúc đẩy công tác chuyển đổi số ngành du lịch trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Sau hơn 3 tháng triển khai Hệ thống vé điện tử, đầu tháng 11/2022, 100% vé tham quan tại 4 địa điểm có lượng khách lớn là Đại Nội, Lăng Tự Đức, Lăng Minh Mạng và Lăng Khải Định đã được thực hiện qua hệ thống vé điện tử và quét mã QR khi vào cổng kiểm soát.
Song song với việc triển khai các ứng dụng trên nền tảng số, Dịch vụ trải nghiệm thực tế ảo XR cũng là mô hình mới mà Trung tâm phối hợp với Công ty CP IV COM hợp tác thực hiện. Đây là dịch vụ được phát triển trên nền tảng thực tế ảo VR với tên gọi “Đi tìm Hoàng cung đã mất”.
Đối với hệ thống thực tế ảo XR, du khách có thể trải nghiệm việc nhận biết các vật thể ảo tại các vị trí cụ thể trong quá trình tham quan Đại Nội Huế thông qua kính đeo và âm thanh được nghe tại địa điểm tham quan có tính trực quan sinh động.
Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế Hoàng Việt Trung cho biết, trong các năm tiếp theo, Trung tâm sẽ từng bước hệ thống hóa các cơ sở dữ liệu, trình diễn và mở dữ liệu phục vụ cho các nhà nghiên cứu, du khách và giáo dục văn hóa địa phương, thực hiện việc chuyển đổi số với chủ đề năm 2023 là “Năm dữ liệu số Quốc gia”, đây thực sự là nền tảng quan trọng, không những cho việc triển khai một cách hiệu quả Đề án chuyển đổi số mà còn làm tốt công tác phát huy giá trị di sản dựa vào dữ liệu hiện có mà Trung tâm đang quản lý.