Sau khi chương trình Chuyển động 24h (VTV) đưa tin nghi vấn về việc Công Phượng “khai gian”, trong dư luận đã xuất hiện nhiều ý kiến khác nhau. Có ý kiến cho rằng câu chuyện này nên được dừng lại bởi dường như truyền thông đang quá đà.
“Việc làm của VTV nên xem xét lại”
Một ngày sau khi Tổng cục trưởng Tổng cục Thể thao Du lịch Vương Bích Thắng chính thức lên tiếng, đề nghị những tranh cãi về vấn đề tuổi tác của Công Phượng (cầu thủ U19 VN) nên chấm dứt và đợi các cơ quan chức năng có thẩm quyền xác minh mới có thể đưa ra kết luận về tuổi của Công Phượng, dư luận vẫn chưa hết "nóng" về vụ việc trên.
Với tư cách là một độc giả đồng thời cũng là một fan hâm mộ bóng đá, anh Đỗ Việt Anh (Khoa Luật, Trường Đại học Leipzig, Đức) bày tỏ quan điểm: “Hành động của bên VTV là thực sự cần phải xem xét lại. VTV nên có một lời xin lỗi với Công Phượng vì đã có một seri chương trình xấu xí bóp méo hình ảnh của em qua cách thể hiện của người dẫn, qua cách tranh luận, đến cả nhạc nền, và cả việc về tận quê của em để điều tra”.
Chữ "khai gian" sẽ chỉ được sử dụng trong trường hợp, Công Phượng cố ý làm việc trái với luật pháp, trái quy định và trái với đạo đức lương tâm. Cho đến thời điểm hiện tại, thông tin mà ta có thể xem là khách quan chính là từ phía Arsenal JMG Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), hồ sơ gốc nộp dự thi tuyển ghi là 1995. Quy định của JMG là chỉ nhận học sinh từ 11 đến 14 tuổi, chiếu theo thời gian đó, nếu Công Phượng có sinh năm 1993 thì em vẫn đủ điều kiện tham gia tuyển chọn (14 tuổi). Vậy là Công Phượng không làm trái quy định của JMG”, anh Việt Anh nói.
Theo nhà báo Đình Khải - một bình luận viên bóng đá kì cựu thì loạt phóng sự của Chuyển động 24h đã làm ảnh hưởng đến tương lai Công Phượng. (Ảnh: zing.vn).
Anh Việt Anh phân tích: “Theo luật của FIFA thì các đội bóng trẻ được có tối đa 3 cầu thủ lớn tuổi. Trong đội của Phượng không có ai trên 19 tuổi cả. Vậy việc em thi đấu cho U19 VN là hoàn toàn được cho phép. Cái sai sót của Công Phượng (giả sử nếu có) thì nó rất nhỏ và chỉ liên quan đến việc giấy tờ hợp pháp và đúng chuẩn mực không thôi. Như vậy Công Phượng không vi phạm luật định của FIFA cũng như các vấn đề về Fair-Play.
Dư luận cũng có ý kiến bày tỏ “bênh vực” VTV. Việc chương trình Chuyển động 24h ra đời theo tôi thực sự có ý nghĩa. Tuy nhiên cần phải xem xét đưa tin tức sao cho phù hợp với chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp. Ở loạt phóng sự về Công Phượng, chuẩn mực đạo đức đã được thể hiện, mạnh dạn tố giác cái sai trái, cái chưa đúng của xã hội, đó là cái mới, cái đáng khen ngợi. Thế nhưng cái lương tâm lại chưa thấu”
“Ở một số quốc gia trên thế giới, truyền thông đóng vai trò cực kỳ quan trọng, là một cơ quan không chính thức của nhà nước đóng vai trò kiểm soát mọi hành vi của nhà nước cũng như xã hội. Mục tiêu của truyền thông là: hướng đến một cái đẹp, cái ích lợi cho xã hội, cộng đồng và cho quốc gia. Đó chính là thể hiện của lương tâm nghề nghiệp. Vậy việc trù yểm (xin được dùng từ này) một tài năng bóng đá mới nổi như Công Phượng, người mà lẽ ra không đáng phải nhận quá nhiều búa rìu dư luận đó, có phù hợp với cái gọi là lương tâm nghề nghiệp không?”, anh Việt Anh nói.
Cũng theo anh Việt Anh, nên để cho các cơ quan chức năng làm rõ vụ việc này, báo chí, đặc biệt là VTV, nên dừng lại những seri “bôi xấu” hình ảnh của Công Phượng vì “đó có thể là giải pháp tốt nhất lúc này”.
Vi phạm pháp luật?
Trao đổi với PV về vấn đề trên, Luật sư Giáp Văn Điệp (Công ty luật TNHH FANCI, Bắc Giang) cho biết: “Một nguyên tắc cơ bản là khi công bố thông tin cá nhân về người khác thì bên công bố phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về thông tin đã công bố. Nếu thông tin đó là sai, không đúng thì phải xin lỗi và cải chính, còn nếu mà gây hậu quả thì phải bồi thường. Sử dụng thông tin liên quan về nhân thân thì càng cần phải chính xác và hiểu rõ.
Ở đây, VTV nói là cầu thủ Công Phượng “gian lận” tuổi tác, khi nói đến “gian lận” tức là vô hình chung nói họ đã vi phạm, ở đây chưa là vi phạm gì nhưng rõ ràng bên công bố phải chịu trách nhiệm trước thông tin của mình. Nói “gian lận” dễ khiến người ta hiểu nhầm, làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự và sự nghiệp của cầu thủ Công Phượng”.
Cũng theo Luật sư Giáp Văn Điệp, trong luật quy định rất rõ ràng về quyền bí mật đời tư của mỗi công dân, cụ thể, tại Điều 38 của Bộ Luật Dân sự năm 2005 quy định:
1. Quyền bí mật đời tư của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ;
2. Việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ mười lăm tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp thu thập, công bố thông tin, tư liệu theo quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền;
3. Thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật. Việc kiểm soát thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân được thực hiện trong trường hợp pháp luật có quy định và phải có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”.
“Trong trường hợp nếu có đủ bằng chứng Công Phượng gian lận tuổi thì không sao. Còn nếu VTV không tìm được đầy đủ chứng cứ để chứng minh cho nhận định của mình, có nghĩa là VTV đã đưa thông tin sai, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, lợi ích của Công Phượng thì VTV đã vi phạm pháp luật”, Luật sư Điệp nói.