Sau khi công bố sớm phần 2 của đề tài cải cách chữ viết, PGS Bùi Hiền - nguyên Phó hiệu trưởng ĐH Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội đã thử nghiệm chuyển thể tác phẩm Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du sang kiểu ngôn ngữ mới của mình.
Trước thử nghiệm đó của PGS Bùi Hiền, một số thành viên của Hội Kiều học Việt Nam cho rằng, sẽ rất khó để thưởng thức vẻ đẹp của ngôn từ trong kiệt tác này nếu đọc văn bản viết theo kiểu chữ mới.
Theo nhà nghiên cứu Hoàng Khôi - thành viên Hội Kiều học Việt Nam- cho biết, ông rất trân trọng niềm đam mê của PGS Bùi Hiền với công tác nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, ông không đồng quan điểm cải tiến chữ viết và chuyển thể "Truyện Kiều" sang chữ cải tiến.
Truyện Kiều được chuyển thành bản chữ cải tiến của PGS Bùi Hiền.
“Việc ông Bùi Hiền có những sáng kiến, công trình nghiên cứu là đáng động viên, khích lệ. Bởi bất cứ ai cũng có quyền nghiên cứu, có quyền đưa ra ý tưởng. Việc thực hiện hay không lại là chuyện khác. Tôi không đồng tình với hành động ném đá hay mạt sát ông Bùi Hiền.
Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, phản ứng của cộng đồng cũng dễ hiểu. Việc thay đổi chữ viết trước đây rất nhiều người từng có ý tưởng, nhưng cũng vấp phải sự phản đối của cộng đồng. Bởi chữ quốc ngữ đã rất đẹp, rất chuẩn và phong phú vì mang âm sắc của từng địa phương.
Lần này, cũng may Bộ GD-ĐT đã lên tiếng không có chủ trương thay đổi chữ viết ở thời điểm này” – nhà nghiên cứu Hoàng Khôi chia sẻ.Với tư cách là người yêu thích và nghiên cứu về "Truyện Kiều", ông Hoàng Khôi bày tỏ không đồng tình khi PGS Bùi Hiền nói rằng việc chuyển thể “Truyện Kiều” sang chữ mới không làm ảnh hưởng đến vẻ đẹp, nội dung của tác phẩm.
“Truyện Kiều vốn viết bằng chữ Nôm, sau đó người ta dùng chữ Latinh. Nhưng chữ viết hiện hành đã gắn bó với chúng ta quá lâu rồi, trở nên quen thuộc, giờ tự nhiên viết và đọc Truyện Kiều bằng chữ mới sẽ rất lúng túng. Bản thân tôi khi mở ra một trang mà thấy “giáo dục” viết thành “záo zục”, Nguyễn Du thành “Wuyễn Zu, sẽ thấy rất rối mắt, không hiểu đang viết gì, nói chi đến việc đọc để thẩm thấu vẻ đẹp, tư tưởng của truyện”, thành viên Hội Kiều học chia sẻ.
Nhà nghiên cứu Hoàng Khôi. Ảnh: NVCC.
“Ông Bùi Hiền có quyền chuyển đổi, còn quyền của chúng tôi là được đọc, được thưởng thức. Mà đọc theo chữ mới thì không thể thưởng thức được vì rất trục trặc”, ông Hoàng Khôi nhấn mạnh.
Còn quan điểm của nhà nghiên cứu Bùi Thiết, Tiếng Việt, chữ quốc ngữ, âm quốc ngữ đã chuẩn, đã định hình từ rất lâu rồi, không thể thay thế được. Nếu ông Bùi Hiền nói rằng việc dịch “Truyện Kiều” sang chữ cải tiến chỉ thỏa mãn đam mê cá nhân, thì cũng nên giữ cho riêng mình, không nên công bố lên báo chí để xảy ra việc ầm ỹ như thế.
Trước đó, Bộ GD-ĐT đã lên tiếng chính thức về đề xuất cải tiến chữ quốc ngữ của PGS.TS Bùi Hiền - nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội. Theo đó, Bộ GD-ĐT khẳng định trân trọng tất cả các công trình nghiên cứu và đề xuất nghiêm túc của các nhà khoa học.
Bộ GD-ĐT không đủ thẩm quyền và không có dự kiến áp dụng bất cứ một phương án nào về cải tiến chữ viết quốc gia trong giai đoạn hiện nay.
Trước đó, trong cuốn sách "Ngôn ngữ ở Việt Nam - Hội nhập và phát triển" (tập 1) do NXB Dân trí phát hành, nhân Hội thảo ngữ học toàn quốc được tổ chức tại Trường ĐH Quy Nhơn, Bình Định tháng 9/2017 có bài “Chữ quốc ngữ và hội nhập quốc tế” của PGS.TS. Bùi Hiền với đề xuất cải tiến chữ viết Tiếng Việt.
PGS.TS Bùi Hiền đã đề xuất một số cải tiến nhằm dễ nhớ, dễ sử dụng, tiết kiệm thời gian, vật tư. Theo đó, cách viết tiếng Việt: "giáo dục" phải viết là "záo zụk", "nhà nước" là "n'à nướk", "ngôn ngữ" là "qôn qữ"... PGS. TS Bùi Hiền cho biết, chúng ta thường sử dụng 2, 3 chữ cái để biểu đạt một âm vị phụ âm đứng đầu. Ví dụ C – Q – K (cuốc, quốc, ca, kali), Tr – Ch (tra, cha), S – X (sa, xa)… Bên cạnh đó, lại dùng 2 chữ cái ghép lại để biểu đạt âm vị một số phụ âm đứng cuối vần như Ch, Ng, Nh (mách, ông, tanh…).
Hay ví dụ bỏ chữ Đ ra khỏi bảng chữ cái tiếng Việt hiện hành và bổ sung thêm một số chữ cái tiếng Latin như F, J, W, Z. Bên cạnh đó, thay đổi giá trị âm vị của 11 chữ cái hiện có trong bảng trên, cụ thể: C = Ch, Tr; D = Đ; G = G, Gh; F = Ph; K = C, Q, K; Q = Ng, Ngh; R = R; S = S; X = Kh; W =Th; Z = d, gi, r. Vì âm "nhờ" (nh) chưa có kí tự mới thay thế nên trong bản trên tạm thời dùng kí tự ghép N' để biểu đạt.
Theo như đề xuất cải tiến chữ quốc ngữ của PGS. TS Bùi Hiền, sẽ giảm được những khó khăn, không gây lẫn lộn và bất cập cho người dùng, đặc biệt bộ chữ cái tiếng Việt chỉ còn 31 ký tự thay cho 38 ký tự như hiện nay.