Truyền hình cho thí sinh nhí: Tài năng bị khai thác triệt để

Tuyết Nhung (TH)| 30/07/2014 10:04
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Cuộc thi tài của thí sinh nhí trong các chương trình truyền hình thực tế gần đây cực kỳ hút khách, hơn cả những chương trình thi hát của người lớn. Dù đã qua rất lâu, song "Giọng hát Việt nhí" mùa đầu vẫn liên tục đứng đầu bảng xếp hạng của Zing TV.

Mặc dù mới đi hết vòng Giấu mặt, song "Giọng hát Việt nhí" mùa thứ hai cũng nhiều phen “dậy sóng” vì có nhiều thí sinh xuất sắc. Từ “Giấc mơ Chapi” rất truyền cảm của cậu bé 10 tuổi Đào Gia Phúc đến giọng ca ấn tượng Mai Chí Công, từ “Còn tuổi nào cho em” của cô bé mồ côi Huyền Trân đến “Mái đình làng biển” chung chiêng của Bùi Khánh Huế. Phải nói thẳng, ngay từ mùa đầu tiên, "Giọng hát Việt nhí" đã “đè bẹp” "Giọng hát Việt người lớn", bởi nhiều chiêu trò.

"Đồ Rê Mí" đã trải qua nhiều năm nên dường như quy củ hơn, nhưng so với "Giọng hát Việt nhí" thì độ hấp dẫn không bằng. Các thí sinh "Bước nhảy hoàn vũ nhí" chỉ mới qua 2 vòng tuyển, song với các màn lắc, nhảy điệu nghệ đã khiến khán giả phải liên tục hò reo phấn kích và giám khảo phải nể phục. Những cậu bé popping, hiphop như Đăng Khoa, Giang Nam, Hoàng Đức, những cô bé múa đương đại, dancesport, múa bụng, aerobic như Trang Linh, Ái My, Ngọc Khánh, Bảo Ngọc, Thùy Dương... đều có những màn trình diễn tuyệt vời.
Tương tự, “Vũ điệu tuổi thơ” cũng là nơi phô diễn tài năng nhảy múa của các cặp đôi cô bé, cậu bé. Nhiều bài diễn đã khiến biên đạo múa cũng phải “nổi da gà”. Đặc biệt, có cả học trò yêu của kiện tướng dancesport Chí Anh - thí sinh Minh Đức với thành tích 40 huy chương trong sự nghiệp. Những cái tên Anh Bình, Thúy Vy, Gia Linh, Gia Bảo, Anh Đức, Thục Hiền, Đức Huy, Thục Nhi, Minh Triết, Bích Ngọc đều có thể làm nên chuyện trong cuộc thi này.

Truyền hình cho thí sinh nhí: Tài năng bị khai thác triệt để

Nếu các năm trước, "Đồ Rê Mí" bị chê là các giám khảo cố uốn éo cho hợp với đối tượng trẻ con nên người xem không chịu nổi, thì đến năm nay, chương trình bớt sạn hơn. Xuân Bắc vẫn còn duyên khi tung hứng với trẻ em.

"Giọng hát Việt nhí" từng tốn giấy mực báo giới vì tính nhõng nhẽo quá đà của giám khảo - HLV Hiền Thục, hay cách nói chưa gây thiện cảm của Lưu Hương Giang, thì mùa năm nay lại chứng kiến lối nói dông dài, thiếu sức cuốn hút của Cẩm Ly, hay va vấp như Lam Trường. Họ không chỉ thiếu tài ăn nói, mà còn thiếu cả tài thuyết phục và tài đào tạo thí sinh. Chỉ HLV Hồ Hoài Anh, với lối nói sâu sắc, hài hước, còn trụ được. Tuy nhiên, cặp đôi Giang - Hồ cũng bị chê là diễn quá nhiều. Không bấm nút chọn thí sinh, nhưng khi quay lại thì ca hết lời. Nếu năm trước, Trấn Thành làm tốt vai trò MC, thì năm nay, Jennifer Phạm bị chê “thiếu muối”, nói không rành tiếng Việt, chưa kể một chàng MC cứ há hốc mồm xem thí sinh, sau đó reo mừng, nhảy nhót, ôm phụ huynh..., nhìn chung rất kém duyên.

MC Trấn Thành khi có mặt tại "Vũ điệu tuổi xanh" đôi khi đùa quá thô, như “Trấn Thành rất thích cái mông của bạn nam, cái mông của con là cái mông... biết nói. Nó đánh như cái máy đánh trứng”. Còn biên đạo John Huy Trần thì không thạo tiếng Việt như Jennifer Phạm. Ở "Bước nhảy hoàn vũ nhí", giám khảo Ốc Thanh Vân, Đoan Trang và Yến Trang cũng bị chê diễn nhiều.

Nhiều người lo ngại, “tài năng” nhí thì nhiều, mà nếu vào tay các giám khảo, HLV, các em có bị mất đi sự hồn nhiên và bị tổn thương trong cuộc đua tranh quyết liệt? Bằng chứng là các em chọn nhiều bài không hợp tuổi trong "Giọng hát Việt nhí", hoặc bị khai thác kể những câu chuyện tình năm... 4 tuổi như trường hợp cậu bé Minh Triết 7 tuổi trong "Vũ điệu tuổi thơ". Phong cách trẻ con bị người lớn hóa trong "Đồ Rê Mí".

Truyền hình cho thí sinh nhí: Tài năng bị khai thác triệt để

Chưa kể, hành trình đi thi là nỗi khổ không kể xiết của các phụ huynh, mà mùa đầu "Giọng hát Việt nhí" là minh chứng. Tốn tiền, thời gian, công sức để mong con thi toại nguyện, mà cuối cùng, những cảnh dở khóc dở cười vì khâu tổ chức thiếu sót đã khiến những bữa cơm trộn với mồ hôi và nỗi nghẹn ngào. Điều đáng lo hơn nữa, là vào các vòng loại, quyết định của các HLV hay đối xử của BTC sẽ có không ít lần làm tổn thương thí sinh nhí, vốn dễ mau nước mắt và nỗi buồn.

Song nói gì thì nói, nhà đài và nhà sản xuất được lợi hơn cả, vì khối lượng quảng cáo thu về từ các chương trình truyền hình thực tế cho thiếu nhi. Có chương trình kéo đến 23h, chung kết thì đến nửa đêm, vì clip quảng cáo chen vào liên tục, với mức giá cao ngất. Năm ngoái, cứ 30 giây quảng cáo trong "Giọng hát Việt nhí", nhà đài thu về 280 triệu đồng, mà trung bình mỗi đêm cũng trên 10 clip quảng cáo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Truyền hình cho thí sinh nhí: Tài năng bị khai thác triệt để