Truy xuất nguồn ngày càng trở nên cần thiết trong xu thế tất yếu của thị trường và được xác định là một trong những khâu đột phá trong chương trình chuyển đổi số, là yêu cầu tất yếu trong kỷ nguyên số của quốc gia.
Kết hợp ba công nghệ để truy xuất
Ngày 15/4, tại TP.HCM đã diễn ra Hội thảo "Truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa trong chương trình chuyển đổi số quốc gia".
TS Trịnh Bá Dương - Chủ tịch AseanHub, chuyên gia đổi mới sáng tạo (ĐMST) quốc gia cho biết, trong bối cảnh thực hiện Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị: Khoa học, công nghệ, ĐMST và chuyển đổi số là một trong ba đột phá chiến lược mới của đất nước trong giai đoạn tiếp theo.
Đây là định hướng mang tính nền tảng và cấp thiết, tạo hành lang chính sách mạnh mẽ để thúc đẩy ứng dụng công nghệ vào giải quyết các bài toán lớn, trong đó có bài toán truy xuất nguồn gốc và chống hàng giả hàng nhái.
Theo TS Dương, tình trạng làm giả hiện nay không chỉ là sao chép mẫu mã mà còn giả mạo cả thông tin, dữ liệu và mã truy xuất.
"Những phương pháp truyền thống – tem nhãn, mã vạch đơn thuần không còn đủ sức để đối phó với thủ đoạn tinh vi, đang bộc lộ nhiều bất cập, dễ bị làm giả, làm lại, thậm chí bị giả mạo cả mã QR", TS Dương nói và cho rằng cần những giải pháp có tính đột phá thực sự, dựa trên tích hợp công nghệ thông minh và liên kết chuỗi dữ liệu số hóa.
Từ đó, TS Dương đề cập đến việc kết hợp ba công nghệ: RFID – Blockchain – AI để truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa.
RFID - hạn chế tối đa khả năng làm giả vật lý, đồng thời cho phép tự động hoá khâu kiểm tra, kiểm kê, vận chuyển, lưu kho; Blockchain - không ai có thể can thiệp hay sửa đổi những thông tin đó; AI - có thể dự đoán khả năng gian lận hoặc đứt gãy chuỗi cung ứng thông qua học máy (machine learning) và các thuật toán nhận diện hành vi.
"Sự kết hợp ba công nghệ này tạo nên một hệ thống truy xuất nguồn gốc chính xác, minh bạch và tự động hóa, đủ sức đối phó với mọi hình thức làm giả hiện đại. Không chỉ dừng lại ở sản phẩm tiêu dùng, hệ thống này hoàn toàn có thể triển khai trong các lĩnh vực như y tế, dược phẩm, nông sản, logistics, thủy sản và cả thương mại điện tử xuyên biên giới", TS Dương nói.
Cũng theo TS Dương, việc truy xuất cần tập trung vào ba điểm: Tích hợp các công nghệ mới, chuẩn hóa dữ liệu và hạ tầng mã số mã vạch quốc gia, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số.
"Nếu chúng ta xem công nghệ là chìa khóa thì truy xuất nguồn gốc phải là cánh cửa để mở ra một nền thương mại minh bạch, văn minh và bền vững. Đây không chỉ là vấn đề kỹ thuật mà là nền tảng để bảo vệ người dân, hỗ trợ doanh nghiệp và nâng tầm quốc gia trong nền kinh tế số", TS Dương nói.
Thêm giải pháp truy xuất
Phát biểu tại Hội thảo, Luật sư Phạm Văn Thọ - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Công nghệ chống giả Việt Nam – ACTIV cho biết, truy xuất nguồn gốc hàng hóa liên quan trực tiếp đến sự an toàn của mỗi cá nhân sử dụng sản phẩm, sự sống còn của các doanh nghiệp làm ăn chân chính và sự an nguy của nền kinh tế nước nhà.
"Ứng dụng công nghệ số vào hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa là một trong những yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh, đáp ứng các tiêu chuẩn khi hội nhập, xuất khẩu", Luật sư Thọ nói.
Theo Luật sư Thọ, trong bối cảnh hội nhập kinh tế và yêu cầu minh bạch thông tin sản phẩm ngày càng cao, truy xuất nguồn gốc trở thành xu thế tất yếu trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Luật sư Thọ nhìn nhận, vấn nạn hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn còn xuất hiện trên các chợ truyền thống và sàn thương mại điện tử khiến cho doanh nghiệp và người tiêu dùng điêu đứng.
"Doanh nghiệp muốn vươn ra biển lớn thì doanh nghiệp phải đáp ứng đòi hỏi khắc khe của thị trường về chất lượng, mẫu mã, giá cả… và trên hết là có giải pháp để đưa đến tay người tiêu dùng hàng thật của doanh nghiệp thì người tiêu dùng mới không quay lưng lại với sản phẩm của mình", Luật sư Thọ nói.
Cũng tại Hội thảo đã giới thiệu về giải pháp truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa - True Data.
Đây là giải pháp truy xuất bằng công nghệ tiên tiến với vật mang dữ liệu là chip RFID, chíp lưu được thông tin các công đoạn trong sản xuất, kinh doanh, gồm mã truy vết sản phẩm, mã truy vết địa điểm, thời gian sự kiện truy xuất nguồn gốc của từng công đoạn và giải pháp có tính năng kết nối cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia.
Giải pháp sẽ giúp doanh nghiệp tăng cường truy xuất nguồn gốc theo sự phát triển của thế giới trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xu thế chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ.
Nói về lợi ích của giải pháp này, Luật sư Thọ cho biết, đối với xuất khẩu hàng hóa, nếu không đáp ứng được yêu cầu về truy xuất nguồn gốc sẽ mất đi lợi thế cạnh tranh.
Đối với hàng hóa nhập khẩu, thông qua việc truy xuất nguồn gốc giúp cho việc kiểm soát chất lượng của các mặt hàng nhập khẩu tốt hơn, tạo được niềm tin cho người tiêu dùng và sự cạnh tranh bình đẳng giữa hàng nhập khẩu và hàng sản xuất trong nước.
Qua đó, giúp người tiêu dùng hạn chế mua phải hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái, đặc biệt là những sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe như thực phẩm, dược phẩm...
Còn đối với doanh nghiệp sản xuất trong nước giúp kiểm soát hàng hóa lưu thông trên thị trường từ đó nâng cao giá trị thương hiệu doanh nghiệp.
Ths Trần Giang Khuê - Trưởng Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại TP.HCM cho biết, nhiều vụ hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng dẫn đến câu chuyện hàng Việt Nam khi xuất khẩu ảnh hưởng đến thương hiệu Việt.
Do đó phải quan tâm đến những giải pháp chống hàng giả, nhất là việc truy xuất.