Một số chuyên gia thực phẩm cho rằng cần làm rõ chất Phenol có trong 30 tấn cá nục là do nhiễm từ nước biển hay từ quá trình bảo quản cá để chống ươn?
Truy tận gốc Phenol có trong 30 tấn cá nục là do đâu?
Tái kiểm tra cá nục nhiễm Phenol
Chất cực độc Phenol được phát hiện có trong 30 tấn các nục ở Quảng Trị đã khiến người dân vô cùng hoang mang. Đặc biệt, thông tin 30 tấn cá nục chứa Phenol được thu mua trong khoảng thời gian cá chết bất thường làm dấy lên lo ngại chúng được gom từ những bãi biển trắng xác cá chết ở miền Trung?
Trước đó, người dân đã từng đặt câu hỏi về “đường đi” của số cá chết? Tuy nhiên, cho đến tận bây giờ vẫn chưa có câu trả lời chính xác cho việc cá chết đi về đâu? Nay lại thêm vụ 30 tấn cá nục qua kiểm tra phát hiện nhiễm Phenol. Đặt giả thiết nếu không bị phát hiện, người dân sẽ sử d 30 tấn cá chứa chất cực độc này và có thể con số sẽ không chỉ dừng lại ở 30 tấn.
Các nhà khóa học khẳng định Phenol là chất cực độc, được dùng trong công nghiệp và là chất cấm trong công nghiệp thực phẩm. Vì vậy, để làm rõ vụ cá nục nhiễm Phenol ở Quảng Trị, chiều ngày 12/6, Bộ Y tế đã yêu cầu Sở Y tế Quảng Trị gửi mẫu cá nục có Phenol tới các viện chuyên môn ở Hà Nội để đánh giá lại một lần nữa độc tính, mức độ nhiễm độc và các sai số có thể xảy ra trong quá trình xét nghiệm trước đó.
Trong khi các cơ quan chức năng vẫn đang kiểm tra, đánh giá thì một số chuyên gia thực phẩm cho rằng cần xem xét chất Phenol có trong cá là do nhiễm từ nước biển hay từ quá trình bảo quản cá để chống ươn.
Bởi, Phenol được dùng nhiều trong công nghiệp và có thể ngấm vào nguồn nước. Phenol dễ hoà tan trong thực phẩm, do đó, người dân hoặc tôm, cá đều có khả năng bị nhiễm Phenol.
Tranh cãi về chuẩn Phenol
Trước đó, chiều 11/6, lãnh đạo Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng như Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Trị đã đến niêm phong lô cá nục 30 tấn bị nhiễm chất Phenol tại cơ sở thu mua hải sản của bà Lê Thị Thuộc - thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh để chờ xử lý.
Trong cuộc họp nhanh tại đây, lãnh đạo hai ngành y tế và nông nghiệp của tỉnh Quảng Trị vẫn chưa thống nhất được chất Phenol là chất được phép hay không được phép có trong thực phẩm.
Ông Võ Văn Hưng, Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Trị, khẳng định tất cả các mẫu cá từ ngày 5/5/2016 qua sự kiểm định của cơ quan chức năng ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đều ở trong ngưỡng an toàn cho phép và tiêu thụ.
Ông Hưng cho biết một số chất cực độc vẫn có trong thực phẩm nhưng ở trong hàm lượng cho phép, không thể thấy chất độc là “giật” ngay cực độc. Theo ông Hưng, trong điều kiện bình thường của tự nhiên trong nước biển cũng như trong quá trình sử dụng, cấp đông và chế biến hải sản thì cũng có thể phát sinh hàm lượng Phenol.
Còn ông Hồ Sĩ Biên, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thuộc Sở Y tế Quảng Trị, nhận định có thể lô cá này đã được thu mua ngay sau thời điểm khi xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt nên nhiễm Phenol. Nói về việc lô cá này nhiễm Phenol hàm lượng thấp, ông Biên khẳng định ngành y tế đã quy định không được phép có hàm lượng chất này trong thực phẩm.
Ông Trần Văn Thành, Giám đốc Sở Y tế Quảng Trị, nói đối với ngành y tế Phenol là một chất độc không được phép có trong thực phẩm. Tỉ lệ cho phép trong thực phẩm qua kiểm nghiệm là 0,001mg/kg, còn đây xét nghiệm là 0,037mg/kg.
Hiện, Sở Y tế và Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị vẫn chưa thống nhất về ngưỡng chuẩn của Phenol trong thực phẩm.
PGS. Trần Hồng Côn - Giảng viên khoa hóa học trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định, Phenol là hoá chất độc không được sử dụng trong công nghiệp thực phẩm. Phenol được dùng làm chất sát trùng, tẩy uế, hoặc để điều chế các chất diệt nấm mốc (ortho - và para - nitrophenol…). Phenol rất độc, nó tác dụng toàn diện lên cơ thể con người từ trí não đến hệ miễn dịch và rất khó đào thải. |