Sau bao lần lỡ hẹn, vậy là tôi đã có mặt tại vịnh Cam Ranh để bước vào hành trình đến với Trường Sa giữa một chiều oi ả.
Con tàu HQ 996 dường như đã quá quen với những buổi tiễn đưa lưu luyến như hôm nay, sau khi rúc một hồi còi dài tạm biệt đất liền, mũi tàu rẽ sóng thẳng hướng Biển Đông…
Trường Sa - đó là nơi đầu tiên trên đất nước ta đón bình minh khởi đầu ngày mới. Như những đàn cá theo gió Nồm Nam hối hả về ngụ nơi những rạn san hô, tàu chúng tôi cũng hối hả ra với vùng đảo ngọc mến yêu, mang theo bao niềm mến thương của đất liền gửi tới đảo xa.
Nhịp đập hối hả trên đảo tiền tiêu
Trên bản đồ quốc tế, quần đảo Trường Sa có tên là Paracel và được các nhà địa chất học khẳng định đây là quần đảo san hô. Còn nói theo chữ của các cụ ta xưa thì Trường Sa là một dải cát dài. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trong quá trình sinh tồn và phát triển hàng triệu năm của mình, các rạn san hô ở Trường Sa đã tích tụ một lượng khổng lồ Cacbonnat canxi, từ đó tạo nên sự hình thành của các đảo và tiếp tục bồi đắp cho các đảo ngày một cao hơn và mở rộng hơn.
Nhưng, những người lính Trường Sa đâu chịu chờ lâu đến thế, ở hầu hết những đảo nổi chúng tôi đến thăm như Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn… đâu đâu cũng hối hả nhịp sống công trường. Khác rất nhiều với hình dung của chúng tôi, Trường Sa lúc này như một chàng trai vạm vỡ với các công trình an ninh quốc phòng, hệ thống phòng thủ đảo được bố trí khoa học, đảm bảo bí mật, bất ngờ và hiệu quả cao trong tác chiến. Chang chang nắng gió rồi lại ầm ào mưa bão… nhưng các công trình kè đảo, cọc chống đổ bộ chưa bao giờ vì thế mà lơi nhịp thi công.
Phút thảnh thơi của những người lính đảo
Vào những ngày chúng tôi đến Trường Sa, cả nước đang ngùn ngụt lửa căm giận khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm vào lãnh hải Việt Nam. Tôi có cảm giác, đằng sau nụ cười rất tươi đem ra đãi khách của những người lính trên các điểm đảo là suy tư về nhiệm vụ cao cả. Khách đến thăm đảo đợt này đâu chỉ có đoàn công tác của chúng tôi, bởi ngay sau khi tiễn đoàn rời đảo là anh em lại lao vào chuẩn bị đón hàng trăm đồng đội có nhiệm vụ hiệp đồng diễn tập phòng thủ đảo đang chờ trên những chiến hạm đậu cách đó không xa.
Nắng tràn trên bề mặt đảo, gió thả sức trên cao, sóng dội vào bờ kè trắng xóa. Hoa phong ba, hoa bàng vuông nở bung theo từng chùm trắng phớt xanh vời vợi… không có gì khác lạ. Nhưng chỉ cần tinh ý một chút sẽ nhận thấy, ở hầu hết các đảo nổi, từ bộ đội hải quân cho đến bộ đội rađa, không quân; bộ phận nhà đèn, khí tượng đến các hộ dân trên đảo… đâu đâu cũng tràn ngập không khí khẩn trương, tất bật. Mấy chiến sỹ ở Cụm chiến đấu số 1 trên đảo Sơn Ca cho chúng tôi biết, các anh đã liên tục diễn tập báo động chiến đấu trong suốt những ngày qua. Những bộ phận phụ trách đón khách ra thăm đảo bận rộn đã đành, còn số thuộc biên chế các cụm chiến đấu trên đảo vẫn miệt mài bám thao trường, bãi tập với phương châm “Thao trường đổ mồ hôi - Chiến trường bớt đổ máu” và “Không để cho Tổ quốc bị bất ngờ”. Các phương án chiến đấu, phương án bảo vệ đảo được các anh tập luyện thường xuyên. Quá trình diễn tập luôn coi trọng huấn luyện đồng bộ chuyên sâu trong mọi điều kiện thời tiết, giúp khả năng sẵn sàng chiến đấu của các cán bộ, chiến sỹ trên đảo luôn đạt trình độ cao.
Bên cạnh những hối hả, sôi động ấy, chúng tôi bắt gặp một thoáng yên bình nơi Trường Sa Lớn. Thấp thoáng sau những lùm cây là mái chùa cổ kính, rồi lớp học cho các em thơ. Tất cả các em cùng ngồi chung một phòng học và cô giáo đến với từng em hướng dẫn các em học tập theo chương trình của mình. Em nhỏ tuổi nắn nót tập viết từng con chữ, em lớn tuổi ngồi viết chính tả, làm toán. Từ lớp học này, những con chữ Tổ quốc, quê hương, Trường Sa... đã dần hình thành ý thức trong trái tim của các em. Những công dân tý hon của đảo Trường Sa Lớn đang từng ngày lớn lên giữa biển trời, sóng nước. Chắc rằng, sau này dù có đi đâu, ở đâu, nhưng quãng đời tuổi thơ gắn bó với đảo xa của các em vẫn mãi là những ký ức không thể nào quên.
Đất - nước trăm miền đang hòa với đảo
Để lại trong lòng chúng tôi những ấn tượng khó nhạt phai nhất chính là Nam Yết. Phút lặng trầm trong nước mắt là phút thắp hương nơi nghĩa trang phía Đông đảo. Những người lính đang nằm trong cát bỏng kia còn quá trẻ. Cùng sức trẻ của mình, họ đã ra với Trường Sa, đã sống, chiến đấu và nằm lại đây trong nỗi tiếc thương của biết bao người. Với các phụ nữ trong đoàn, các chị đã khóc rất nhiều. Tôi tự hỏi, trong số những người lính nằm đây, có ai từng trồng lên những mầm cây tạo nên một màu xanh cho Nam Yết? Bởi giữa trùng dương bao la, đảo vẫn xiết bao thơ mộng với những tán dừa xanh, những cây nhàu, mù u, đu đủ đua nhau kết quả. Đó là thành quả của hàng ngàn ngày công lao động, sự chắt gạn từng giọt nước, từng nắm đất của những người lính làm nhiệm vụ canh giữ đảo.
Đã thành thông lệ, trên những con tàu ra với Trường Sa, ngoài nhu yếu phẩm còn có cả những bao đất quê hương. Lính đảo kể rằng, ngày ấy, có một chiến sỹ tên là Vũ Đức Hội, tham gia chiến đấu bảo vệ tuyến đường Trường Sơn. Người yêu của anh là một kỹ sư nông nghiệp đã viết thư dặn rằng: Khi nào về quê, nhớ mang theo ít đất đỏ Trường Sơn để cô trồng thí nghiệm một giống lúa nhằm mang tặng bà con các dân tộc trên đó. Nhớ lời người yêu dặn, khi rời Trường Sơn xuống núi, Hội vội đeo một ba lô đất đỏ và mấy nhánh phong lan. Sau chiến thắng mùa xuân năm 1975, chưa kịp ghé qua nhà thì anh được lệnh đi làm nhiệm vụ mới ở quần đảo Trường Sa. Thế là, những nắm đất Trường Sơn lại theo Hội ra Trường Sa. Các chiến sỹ trẻ phát hiện thấy ba lô đất quý hiếm này liền chia nhau mỗi người một ít để trồng rau, trồng hoa, trong đó có mấy nhánh phong lan Trường Sơn. Chỉ mấy tháng sau, hoa hồng, hoa cúc, hoa phong lan đã nảy lộc, đâm chồi và ra hoa ở đảo. Từ đó, mỗi người lính mới ra đảo đều mang trong ba lô một nắm đất quê hương mình.
Có phải thế chăng mà ở Nam Yết hay bất cứ hòn đảo nào ở Trường Sa, đất lành đến từ mọi miền quê đất Việt. Người Cà Mau mang theo về đây vốc phù sa đất Mũi, người Bình Định mang về nắm đất miền thượng võ Tây Sơn, người Quảng Trị mang vốc đất lấy từ thành cổ, người Quảng Bình mang vốc cát trắng bên bờ Nhật Lệ... Và, các anh cũng không quên mang theo những bình nước mang từ những dòng sông quê hương, từ Cửu Long, Đồng Nai, Sài Gòn hùng tráng đến dòng sông Hương thơ mộng, sông Mã anh hùng... Đất và nước mang ra Trường Sa sẽ được đắp bồi, tưới tắm cho những hàng phong ba, bão táp trên đảo. Thật ấm lòng biết bao khi biết rằng, cả “đất, nước” trăm miền đang hòa vào nắng gió, hòa vào sóng cát, đang kề vai sát cánh với quần đảo tiền tiêu.
Chiến hạm kiên cường giữa biển khơi
Cô Lin, cái điểm đảo chỉ nhỏ như một vết chấm trên bản đồ mới là nơi trong lòng tôi thực sự đang ngóng đợi. Hai mươi sáu năm trước đây, cái tam giác Cô Lin - Len Đao - Gạc Ma ấy đã trở thành “tam giác máu”. Vượt qua chừng ấy năm, nỗi đau không hề nguôi và vùng biển mang tên “tam giác máu” năm nào vẫn luôn là “tam giác lửa”, vẫn còn nguyên sự căng thẳng, trạng thái báo động sẵn sàng chiến đấu bảo vệ biển - đảo của hải quân Việt Nam trước những hành động hung hăng, khiêu khích của lính Trung Quốc ở điểm Gạc Ma ngay bên cạnh.
Lên đảo, lại nhớ đến lễ thả hoa tưởng niệm khi đi qua vùng biển Gạc Ma, những chiếc tàu chiến mang tên Giang Vệ thuộc hạm đội Nam Hải, Đông Hải của Trung Quốc đang đỗ tại Gạc Ma nhất loạt quay mũi về phía chúng tôi nửa như hăm dọa, nửa như dè chừng. Trung úy Minh, chiến sỹ lái xuồng CQ (xuồng chủ quyền) trên tàu HQ 996 nói với tôi rằng, những vòng hoa thả xuống biển luôn trôi về Gạc Ma và lính Trung Quốc vẫn thường cho xuồng ra vớt để hoa không dạt vào chân đảo. Mặc dù Minh cũng lý giải rằng, hoa trôi về phía đó là do dòng biển, song trong thâm tâm, tôi vẫn tin rằng, anh linh của những người lính đã nằm lại “tam giác lửa” này đã dìu hoa về phương ấy, dìu về nơi máu thịt của Trường Sa.
Hai mươi sáu năm qua, cùng với Len Đao, Cô Lin đêm nào cũng thức, những người lính Cô Lin đêm nào cũng chong mắt dõi biển xa, ngón tay luôn áp vào cò súng. Nhìn cậu lính trẻ đứng canh trên chốt canh cao nhất đảo chìm Cô Lin giữa lúc đồng đội của em đang cùng chúng tôi giao lưu văn nghệ, thấy thương biết mấy nụ cười hiền như hoa phong ba trên gương mặt đầy nắng.
Giữa những ngày biển Đông dậy sóng, khi những bóng ma hắc ám còn đang rình rập để giằng xé những đứa con đảo ra khỏi đất mẹ Việt Nam, tôi có cảm giác cả Trường Sa đang phấn đấu thành đảo thép, thành chiến hạm nổi kiên cường giữa trùng khơi. Những người lính Trường Sa sẽ phải căng mình giữa bão tố phong ba, giữa bao hiểm họa luôn rình rập để giữ vững một phần máu thịt phía Đông Tổ quốc. Ở Trường Sa, thắm và đậm nhất là nắng và gió. Nhưng nắng và gió cũng không thể thắm đậm hơn màu cờ Tổ quốc. Nhìn cờ bay, chợt hiểu vì sao 64 cán bộ chiến sỹ đảo Gạc Ma đã lấy lá cờ Tổ quốc quấn vào thân thể mình rồi bình thản chắn những luồng đạn của kẻ thù tàn bạo. Hình ảnh ấy mới kiên cường và lẫm liệt biết bao! Lá cờ của Tổ quốc mới thiêng liêng và kỳ vỹ biết bao!