Tôi vẫn luôn tự hào mỗi khi trong câu chuyện ai đó vô tình hay hữu ý nhắc đến hai tiếng Trường Sa. Tự hào bởi tôi không nói “suông” theo kiểu “giáo trình” và tôi tự hào bởi những câu chuyện mình kể ra là những gì tôi may mắn được một lần “mục sở thị”.
Tôi biết, không ít anh em bạn bè thầm “ghen tị” khi biết tôi được đến Trường Sa và tôi cảm thấy hạnh phúc về điều đó, bởi tôi đã làm được cái điều mà nhiều người nói “cuộc đời này thực sự có ý nghĩa hơn rất nhiều khi đặt chân đến Trường Sa”…
Tôi luôn cho rằng mình là người may mắn. May mắn được theo nghề… cầm bút, may mắn đi nhiều, gặp nhiều và trong đó may mắn lớn nhất là “hiện thực hóa ước mơ” một ngày được đặt chân lên các đảo lớn - nhỏ, chìm - nổi của quần đảo Trường Sa.
Chuyến công tác được thực hiện vào những ngày đầu tháng 5/2016 nhưng bây giờ nhớ lại, cảm xúc trong tôi vẫn vẹn nguyên như ngày nào. Còn nhớ, trên chuyến tàu mang số hiệu 571, đoàn công tác số 14 xuất phát từ quân cảng Cát Lái (TP. Hồ Chí Minh) gồm Ban Tuyên giáo Trung ương, TANDTC, Đoàn khối các cơ quan Trung ương… mang theo đầy ắp những yêu thương từ đất liền đến với cán bộ, chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa, nhà giàn DK1.
Không ai nói ra nhưng qua ánh mắt cũng đoán được cảm xúc của mọi người lúc bấy giờ: Háo hức, bồi hồi xen lẫn sự lo lắng. Sau ba hồi còi vang lên, những cánh tay một bên mạn thuyền đưa lên lưu luyến đất liền, tàu bắt đầu rẽ sóng tiến ra biển Đông mênh mông. Con tàu 571 to lớn, hùng dũng là vậy song chỉ hơn chừng 3 tiếng đồng hồ nó như chỉ còn là một chiếc lá nhỏ chao đảo bởi hàng ngàn con sóng giữa đại dương. Thấy bốn bề chỉ là một màu xanh biển cả, mùi tanh nồng, mặn chát của biển… những người lần đầu được “đạp sóng” như tôi không tránh được sự choáng ngợp. Cảm giác lâng lâng, chao đảo vì say sóng nhanh chóng qua đi bởi những câu chuyện góp vui của anh chị em trong đoàn. Và rồi, chúng tôi đã xích lại gần nhau cũng chính từ những câu chuyện đó.
Phút tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hi sinh trong trận Gạc Ma
Nhiều người nói vui “giàu có cũng chưa chắc muốn là đến được Trường Sa” để nói rằng, không phải ai muốn cũng có thể đến được vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc. Trong đoàn ai cũng bắt đầu có cảm giác thèm được dừng chân, được gặp gỡ người này người khác, được bắt tay… Chính vì vậy, khi tàu đưa đoàn công tác cập đảo Cô Lin, nhiều người đã bật khóc vì xúc động. Tôi cam đoan, những ai chứng kiến giây phút ấy đều khó kìm lòng. Cả đoàn đứng lại, không ai bảo ai nhìn thẳng lên lá cờ đỏ sao vàng, bàn tay đặt lên ngực, thấy tự hào vô cùng đất nước Việt Nam. Không hiểu sao, giữa mênh mông biển cả, những chiến sĩ Hải quân chưa một lần gặp mặt mà thân thương đến lạ. Gặp nhau mừng mừng tủi tủi, vui nhưng ai cũng thấy sống mũi cay sè và cặp mắt đỏ hoe…
Để đến được giàn khoan DK1, đoàn công tác phải di chuyển bằng ca nô
Ngày trước, biết đến các đảo lớn - nhỏ, đảo Trường Sa cũng như cuộc sống của lính đảo qua sách báo, các phóng sự truyền hình, tôi đã “phục” các chiến sĩ nơi đây, bây giờ khi đã “chạm mặt”, tôi lại càng “phục” hơn. Nắng, gió, khó khăn chẳng là gì bởi tình yêu đất nước của các anh quá lớn. Được bảo vệ biển đảo là bảo vệ quê hương, bảo vệ Tổ quốc, vì vậy đó là một niềm vinh dự lớn của các anh chiến sĩ Hải quân.
Khi được hỏi, các chiến sĩ đều trải lòng: “Bây giờ khó khăn của chúng tôi sao kể bằng cha ông thời ấy. Bảo vệ biển đảo là bảo vệ Tổ quốc và là bảo vệ giá trị lịch sử mà cha ông ta đã gây dựng, vì vậy chúng tôi tự hào vì điều đó”. Những lời chia sẻ ấy không phải là những mỹ từ để ru ngủ lòng người, càng không phải vật sắc nhọn để làm đau lòng người nghe nhưng quả thực nó thấm thía vô cùng. Chính những nơi khó khăn, thiếu thốn, ta càng thấy giá trị thực của cuộc sống, tự hào bao nhiêu thì càng phải có ý thức giữ gìn, xây dựng và bảo vệ chủ quyền biển đảo của chúng ta bấy nhiêu.
Chính từ vị trí địa lý và giá trị kinh tế của đảo nói riêng, quần đảo Trường Sa nói chung, càng khẳng định việc bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo và thềm lục địa có một ý nghĩa chiến lược rất to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Vì vậy, cán bộ, chiến sĩ trên đảo luôn giữ vững bản lĩnh chính trị, quyết tâm cao “độc lập tác chiến, còn người, còn đảo”…
Những vòng hoa tri ân được gửi đến những người con đã ngã xuống
Trong nền nhạc “Hồn tử sĩ” quyện khói hương, đoàn công tác lặng người đứng viếng vong linh của những người lính đảo đã hy sinh vì Tổ quốc. Tấm gương của những người vị quốc vong thân tiếp thêm sức mạnh và niềm tin cho tất cả thành viên đoàn công tác số 14. Ấy là khi con tàu đưa chúng tôi vào địa phận đảo Gạc Ma, cách đảo Cô Lin chưa đầy 4 cây số.
Câu chuyện lịch sử từ năm 1988 với 64 cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam mãi mãi hòa mình vào lòng biển, tạc nên “vòng tròn bất tử” lại nhói đau khi nhắc đến… Gần một phần tư thế kỷ đã trôi qua nhưng nỗi đau của nó vẫn còn vẹn nguyên, day dứt. Trong nghi ngút khói hương, những vòng hoa được kết bè gửi đến vong linh những người lính đã quyết hy sinh thân mình để ghi dấu cột mốc của Tổ quốc trong sự thành kính của những người có mặt tại đây. Đặc biệt nơi các anh nằm lại, nhiều gia đình cha mẹ chưa một lần đến được để thăm con.
Còn các anh, từ ngày nằm lại ở đây, liệu có được mấy lần nghe người thân đến đây kể chuyện. Có thể nói, sự xa cách về cả thế giới tâm linh lẫn sự cản trở của địa lý khiến cho nỗi đau không có điểm dừng. Chính vì vậy, khi nhắc đến hai tiếng Gạc Ma là hình ảnh những người mẹ khóc con, người vợ khóc chồng, gia đình khóc người thân đâu đó lại hiện ra…
Tết Trung thu của trẻ em trên đảo Trường Sa lớn
Còn nhớ, khi nghe Đại tá Phạm Văn Vững, Ủy viên Thường vụ, Chủ nhiệm chính trị Quân chủng Hải quân, Phó Trưởng đoàn công tác nhắc lại sự kiện ngày 14/3/1988 ở Trường Sa, nhiều người trong đoàn đã òa khóc. Tôi còn nhớ như in lời phát biểu của Đại tá Vững khi dâng hương kính hương hồn các chiến sĩ: "Các anh đã nằm lại nơi đây, hòa mình vào trong lòng biển đảo quê hương. Những năm qua, Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, các cấp, ngành, trực tiếp là cán bộ, chiến sĩ Hải quân đã cố gắng làm hết sức mình. Song, biển thì rộng và sâu mà sức người có hạn, hoàn cảnh bất lợi nên đến nay, hình hài nhiều đồng chí vẫn còn nằm lại nơi biển sâu lãnh lẽo, đang hàng ngày, hàng giờ mòn mỏi trong thời gian, quặn đau trong sự khắc nghiệt của thiên nhiên, bão tố… Sự ra đi của các anh thật thanh thản mà rất đỗi vinh quang. Song, để lại phía sau là nỗi đau tột cùng của gia đình, đồng bào, đồng chí; để lại nỗi nhớ khôn nguôi của những người mẹ, người cha, người vợ; hằn trong ký ức thơ ngây của những đứa con hằng ngày vẫn đau đáu bên cửa đợi trông các anh trở về. Nỗi đau ấy, niềm thương nhớ ấy vẫn đeo đuổi ngày đêm…".
Đại diện TANDTC tặng quà cán bộ, chiến sĩ đảo Cô Lin
Tại buổi lễ tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, những nén hương thơm được thắp lên trên bàn thờ tưởng niệm và được thả xuống lòng biển khơi. Khoảnh khắc ấy không dài nhưng mãi mãi đọng lại trong tôi và cả những người có mặt tại đây lòng biết ơn vô hạn, tình cảm dâng trào đối với các anh hùng, liệt sĩ. Tuy nhiên, với cá nhân tôi, tôi thấy cái được lớn hơn, cao cả hơn của lễ tưởng niệm đó là đã thắp lên ngọn lửa về tình yêu quê hương đất nước, là tình cảm to lớn đối với Trường Sa mà những người lính, người dân đang có mặt ở đây là những nhân chứng sống tuyên truyền về biển đảo quê hương ý nghĩa nhất.
Đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm tại đảo Sinh Tồn
Thật khó để giải thích song cứ mỗi lần đặt chân lên những đảo lớn, nhỏ và đặc biệt khi nhìn thấy lá cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió hòa trong tiếng Quốc ca, cả đoàn công tác lại xúc động vô cùng. Khi đến với các chiến sĩ Trường Sa, những đêm văn nghệ “cây nhà lá vườn” đã tạo ra nhiều bất ngờ thú vị. Khoảng cách được xóa bỏ, “chủ - khách” chơi hết mình. Ấy vậy mà mỗi khi trong một bài ca, lời hát nào đó cất lên có bóng dáng cha mẹ quê nhà, có bờ tre, ruộng lúa, đàn trâu… lại khiến cả khách lẫn chủ bùi ngùi. Nhiều người trong đoàn đã ôm chầm các chiến sĩ khóc “ngon lành”. Đó là những giọt nước mắt của tình đồng chí, tình quân dân, cũng là tình cảm sâu đậm của đất liền gửi tới những chiến sĩ, những người dân đang làm nhiệm vụ và sinh sống ở Trường Sa. Quả thực, dù chẳng ai nói ra bằng hết những điều mình suy nghĩ nhưng có lẽ ai cũng tự nhủ, một phần trái tim mình đã dành cho Trường Sa, hướng về Trường Sa, dù mới một lần đến. Và, cuộc sống sẽ có nhiều ý nghĩa hơn sau chuyến đi này…
Dùng dằng giây phút chia tay
Đặc biệt, trong chuyến đi ấy, đoàn chúng tôi đã gặp đoàn công tác của các chiến sĩ không quân trên chiếc máy bay CASA-212 mang số hiệu 8983 của Lữ đoàn Không quân 918. Đó cũng là lần đầu tiên Trường Sa đón CASA hạ cánh tại vùng đất thiêng liêng này. Những tấm hình chụp vội giữa hai đoàn, những cái bắt tay và những món quà vội trao trước khi chia tay đầy ắp tình người cũng là những kỷ niệm khó quên trong lần đến với Trường Sa. Vậy nhưng, sự gặp gỡ “chốc nhoáng” ấy không ngờ là lần gặp đầu và cũng là lần gặp cuối. Khi đoàn công tác chúng tôi về đến đất liền chưa được bao lâu thì nhận được tin đau lòng: Ngày 16/6, máy bay CASA 212 số hiệu 8983 mất liên lạc trên vùng biển Bạch Long Vỹ khi làm nhiệm vụ tìm kiếm phi công trên chuyến bay Su-30MK2. Trên chuyến bay có 9 người…
Chuyến đi Trường Sa ấy, thời gian chẳng mấy chốc đoàn công tác phải lên tàu về lại với đất liền. Không chỉ có tôi mà tất cả những người trong đoàn công tác số 14 ai cũng cảm nhận được sự nuối tiếc vì không có đủ thời gian để đến thăm hết các điểm đứng chân của quân và dân Trường Sa. Dù không hề muốn chứng kiến những giây phút bịn rịn chia tay cán bộ, chiến sĩ trên đảo để ra tàu nhưng chúng tôi khó lòng “cãi” được. Và, cũng chính giây phút chia xa này, chúng tôi mới thấy được tình cảm quý mến của quân dân trên đảo với đất liền lớn lao như thế nào. Giữa biển khơi mênh mông đầy sóng và gió, những giây phút gặp gỡ hiếm hoi như thế này luôn đầy ắp những kỷ niệm vô cùng quý giá. Tạm biệt Trường Sa và DK1, tôi thầm mong một ngày không xa, mình lại tiếp tục được một lần nữa… may mắn như lần này để được gặp lại các anh - nơi biển đảo của quê hương.