Trường học là nơi giúp học sinh phát triển toàn diện

Ngô Chuyên| 07/05/2017 11:50
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Mô hình học ở nhà của một gia đình ở TP.Hồ Chí Minh đã khiến không ít phụ huynh suy nghĩ sẽ đưa mô hình này áp dụng cho con mình thay vì đến trường học. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lại khuyên phụ huynh nên cân nhắc kỹ trước khi áp dụng.

Nên có nhiều mô hình học khác nhau để phụ huynh và học sinh có sự lựa chọn tốt nhất

Chia sẻ về mô hình học ở nhà, tiến sĩ Nguyễn Khánh Trung - Nghiên cứu viên cơ hữu, làm việc tại Viện Nghiên cứu phát triển giáo dục cho hay: “Chúng ta nên cho học sinh, phụ huynh tiếp xúc với nhiều môi trường, hình thức giáo dục khác nhau để làm sao phù hợp với hoàn cảnh học sinh, phụ huynh. Mô hình trường học gia đình cũng là mô hình tốt. Mặc dù, nó không phải là mô hình được tổ chức dứt khoát, phổ biến ở Việt Nam như mô hình trường học hiện này".

Tuy nhiên, theo TS. Trung và nhiều chuyên gia giáo dục khác thì họ vẫn muốn ở Việt Nam có mô hình học gia đình được nhân rộng.

Lý giải mong muốn mô hình học gia đình được nhân rộng, TS. Trung nói: “Mô hình học gia đình cũng giống như kinh tế thị trường, muốn phát triển được cần nhờ nhiều thành phần trong xã hội tham gia vào lĩnh vực kinh tế đó. Trong cơ chế đó, có thể thúc đẩy sự phát triển tốt nhất để người dân được hưởng những sản phẩm rẻ mà chất lượng”.

Ngoài ra, TS Trung cũng kiến nghị: "Nếu chúng ta đưa mô hình này nhân rộng thì Bộ GD-ĐT nên thành lập ra một bộ phận chuyên môn tổ chức mô hình học này".

TS. Trung đưa ra dẫn chứng: "Chúng ta có thể xây dựng trang web để đưa nội dung, bài giảng lên trang web. Đồng thời qua website đó, Bộ GD-ĐT có thể kiểm soát cũng như nhờ các chuyên gia, cố vấn chuyên môn, hỗ trợ tư vấn, cách dạy, cách học cho học sinh và phụ huynh. Mặt khác, phụ huynh có thể vào đó đăng ký hồ sơ cho con em mình thông qua website và Bộ GD-ĐT có thể theo dõi hồ sơ đăng ký đó qua website. Đặc biệt, chương trình học vẫn có sự kiểm soát của Bộ GD-ĐT dẫu học sinh không đến trường".

Trường học là nơi giúp học sinh phát triển toàn diện

Tiến sĩ Nguyễn Khánh Trung chia sẻ những kinh nghiệm trong quá trình nghiên cứu giáo dục của mình. Ảnh Ngô Chuyên.

“Bộ GD-ĐT phải đồng hành cùng mô hình học này, để làm sao không có sự khác biệt quá lớn giữa chương trình giáo dục quốc gia (giáo dục tại trường) với chương trình giáo dục ở nhà", TS. Trung chia sẻ.

Bên cạnh đó, phụ huynh cần cân nhắc khi sử dụng mô hình tự học ở nhà cho con mình. Phụ huynh phải căn cứ vào năng lực của mình, khả năng truyền đạt, tạo cảm hứng học cho con.

TS. Trung nói: “Phụ huynh cảm thấy khả năng mình có thể đảm bảo được dạy dỗ con em mình ở nhà thì có thể áp dụng mô hình học đó. Ví dụ: ở nước Pháp, nếu phụ huynh đi công tác nửa năm và họ cho con đi cùng thì họ thường sử dụng mô hình học gia đình, miễn sao họ vẫn bảo đảm chương trình của con, đáp ứng được đòi hỏi, yêu cầu của tổ chức thì con họ có thể lên lớp như bình thường”.

Nhà trường không chỉ là nơi học mà nơi giáo dục nhân cách cho học sinh

Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn đề cao vai trò của giáo dục nhà trường, TS. Trung chia sẻ: “Nhà trường không chỉ là nơi truyền tải trí thức, không phải chỉ nơi mà con em mình đến để học kiến thức, chuyên môn mà nhà trường còn có chức năng thứ hai chính là xã hội hóa”.

Ví dụ: Khi học sinh đến trường các em được tiếp xúc với bạn bè cùng trang lứa. Đươc tiếp xúc với môi trường sư phạm, có cô, thầy đặc biệt môi trường xã hội ở bên trong nhà trường.

“Như vậy, nhà trường đóng một vai trò rất quan trọng không phải chỉ trong kiến thức chuyên môn mà hình thành nhân cách con trẻ qua môi trường bạn bè…. Nên việc cho con học ở nhà mà không cho con đến trường, con sẽ thiếu cái đó, TS. Trung dẫn chứng.

Trường học là nơi giúp học sinh phát triển toàn diện

Các chuyên gia vẫn đề cao vai trò của nhà trường trong việc giáo dục học sinh toàn diện. Ảnh minh họa.

Nói một cách đơn giản học ở nhà con mình sẽ không có bạn bè cùng trang lứa, đặc biệt không có môi  trường để các em phát triển toàn diện. Nhiều phụ huynh hiện nay đang chứng kiến cảnh con áp lực trong việc học, chính vì vậy, khi mô hình học gia đình được một gia đình đưa vào và có sự thành công nhất định nào đó, họ xem đó như là cách cứu mình.

“Nhiều người bạn của tôi, tôi thường hay khuyên họ gửi con vào các trường bổ túc. Bởi những trường này ít môn học hơn, con các bạn có nhiều thời gian trải nghiệm, tham gia các hoạt động bên ngoài, trải nghiệm nhiều với thiên nhiên mặt khác việc học của con không quá nặng nề quá”, TS Trung chia sẻ thêm.

Cùng bàn về mô hình học gia đình, thầy Nguyễn Quốc Vương - giảng viên trường ĐH Sư phạm Hà Nội chia sẻ: “Vấn đề học hành ngày càng nóng lên, khi phụ huynh bất mãn với những cách giáo dục trường học. Giống như một cách tự nhiên hiện nay, rau đang bị phun thuốc sâu quá nhiều dẫn đến người dân tự cứu mình bằng cách tự trồng rau để ăn. Và bây giờ, các gia đình đang quay trở về tự cứu con mình", thầy Vương chia sẻ.

Đối với con cái, bố mẹ chính là người thầy đầu tiên của con, tuy nhiên trước khi làm người thầy, họ phải làm ông bố, bà mẹ. Đây là một công việc không hề đơn giản mặc dù một phần nào đó là bản năng làm bố, làm mẹ trời sinh cho.

Bởi vậy, thầy Vương vẫn đề cao vai trò của nhà trường, gia đình và xã hội trong việc giáo dục phát triển học sinh một cách toàn diện.

“Gia đình, trường học, xã hội và địa phương là ba yếu tố rất quan trọng để tạo nên sự trưởng thành của học sinh và gia đình có lẽ là yếu tố đầu tiên tác động đến học sinh chứ không có nghĩa là quyết định tất cả. Vì thế chúng ta khi muốn có một con người tốt đẹp thì chúng ta không thể nào quá thiên lệch về bất kỳ một yếu tố nào đó. Cách tốt nhất để giáo dục học sinh phát triển là kết hợp tất cả các yếu tố: giáo dục gia đình, giáo dục trường học và giáo dục xã hội”, Thầy Vương nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trường học là nơi giúp học sinh phát triển toàn diện