Hệ thống GDTX (Giáo dục thường xuyên) không chỉ là nơi bổ túc văn hóa, xóa mù chữ mà cần phải là nơi đáp ứng được nhu cầu học tập cho những người đã tốt nghiệp đại học.
Đó là chia sẻ của Phó Thủ tướng Chính Phủ Vũ Đức Đam tại Hội thảo khoa học “Trường đại học với việc xây dựng và triển khai mô hình Công dân học tập tiếp cận cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.
Phó Thủ tướng Chính Phủ Vũ Đức Đam cho rằng, trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, truyền thống yêu nước, hiếu học của người dân Việt Nam tài sản vô cùng quý giá. Muốn thích ứng được với cuộc cách mạng này, Việt Nam cần có đội ngũ tri thức, các nhà khoa học, chuyên gia và quan trọng hơn là cần có những người dân nắm bắt tri thức công nghệ.
“Trước đây, Bác Hồ đã phát động phong trào xóa mù chữ sau Cách mạng tháng 8, bây giờ chúng ta xóa mù tri thức công nghệ. Chỉ có cách đấy, dân tộc ta mới nắm bắt được thời cơ của cách mạng 4.0, thậm chí là các cuộc cách mạng khoa học tiên tiến khác”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng Chính Phủ Vũ Đức Đam.
Theo Phó Thủ tướng, những năm qua Việt Nam đã có bước đi bài bản, rất nỗ lực để đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29. Năm 2020, đánh dấu bước đầu tiên là chúng ta áp dụng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới. Một trong những điều rất quan trọng của sự thay đổi này là tạo được bước đổi mới trong cách dạy và học những năm qua, chuyển từ giáo dục một chiều sang tương tác nhiều hơn, phát huy được năng lực, sáng tạo của người học.
Giáo dục đại học cũng có nhiều thay đổi rõ rệt so với 5-6 năm trước, đặc biệt là sự thay đổi “có tính lịch sử trong giáo dục đại học” là tự chủ. 6 năm trước khi thí điểm tự chủ đại học chỉ có 4 trường, sau đó làm quyết liệt và tăng lên thành 17 trường. Giờ đây, tự chủ trở thành xu thế tất yếu, giúp các trường đại học nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học; khẳng định được uy tín và thương hiệu không chỉ trong phạm vi quốc gia mà còn ở tầm quốc tế.
Bên cạnh bước tiến của giáo dục phổ thông, giáo dục đại học những năm qua, theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, mảng GDTX chưa được quan tâm, chỉ đạo quyết liệt để có sự đổi mới mạnh mẽ.
“Nói đến GDTX nhiều người vẫn coi là đẳng cấp thấp. Hình ảnh này phải thay đổi. Để làm được điều này, không chỉ GDTX mà cả giáo dục phổ thông và giáo dục đại học cũng phải tiếp tục đổi mới để hình thành thói quen và khát khao được học suốt đời, tự học; phải mang được tư tưởng “sự học là không cùng” vào cho các cháu ngay từ nhỏ”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, hệ thống GDTX không chỉ là nơi bổ túc văn hóa, xóa mù chữ mà cần phải là nơi đáp ứng được nhu cầu học tập cho những người đã tốt nghiệp đại học. Giáo dục đại học khi đó phải có sự gắn kết với GDTX và đảm bảo chất lượng các chương trình đào tạo.
Phó Thủ tướng đề nghị sau hội thảo, Bộ GD-ĐT, Hội Khuyến học, Hiệp hội các trường ĐH- CĐ thí điểm mô hình gắn kết trường đại học chất lượng với hệ thống GDTX để cung cấp các chương trình đào tạo có chất lượng cao.
“Chúng ta phải quyết liệt thực hiện vấn đề này như trước đây làm với tự chủ đại học. Có như vậy mới xây dựng được xã hội học tập, công dân học tập, đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước”, Phó Thủ tướng nói và nhấn mạnh việc xây dựng xã hội học tập, công dân học tập là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị chứ không riêng ngành Giáo dục.