Hội ngộ trong chương trình tọa đàm, giao lưu “Trung tướng, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên với Trường Sơn huyền thoại” tại TP.HCM, các hội viện Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh không giấu được sự xúc động, tự hào khi nói về vị tướng tài ba, đức độ của dân tộc.
Người đưa Trường Sơn thành huyền thoại
Nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 100 năm ngày sinh Trung tướng, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên, ngày 28/2, Ban Liên lạc truyền thống (LLTT) Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh TP.HCM phối hợp với Thành đoàn TP.HCM tổ chức chương trình tọa đàm, giao lưu “Trung tướng, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên với Trường Sơn huyền thoại” tại Nhà Văn hoá Thanh niên TP.HCM. Chương trình có sự tham gia của hơn 600 hội viên Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh và đoàn viên, thanh niên thành phố.
Với các hội viên Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh (trước đây là những người lính Trường Sơn) họ mãi ghi sâu trong tâm khảm hình ảnh vị tư lệnh tài ba, đức độ. Dù vị tướng ấy không còn nhưng cuộc đời và sự nghiệp của ông vẫn sống mãi với Trường Sơn, với sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam. 97 năm tuổi đời, hơn 80 năm tuổi Đảng, người con quê hương Quảng Bình đã dành trọn cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Nói đến cống hiến, công lao của ông thì nhiều vô kể nhưng mốc son đặc biệt nhất có lẽ là đóng góp của ông trên tuyến đường Trường Sơn.
Chương trình tọa đàm, giao lưu “Trung tướng, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên với Trường Sơn huyền thoại”
Trên cương vị Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn, trong gần 10 năm chiến đấu, tướng Đồng Sỹ Nguyên đã có quãng thời gian ghi dấu ấn mạnh mẽ, thể hiện bản lĩnh, trí tuệ và tài thao lược quân sự... Và Trường Sơn đã làm cho tên tuổi của ông ngày càng đi xa, được cán bộ, nhân dân cả nước hết sức ngưỡng mộ, trân quý.
Không chỉ có tài tổ chức, quyết đoán, hành động và thực tiễn mà ông luôn vận dụng sáng tạo, cụ thể trong từng giai đoạn lịch sử của chiến trường. Phải kể đến việc vận dụng nghệ thuật tác chiến hợp đồng binh chủng trong thực hiện nhiệm vụ; tổ chức cho chiến trường mở đường kín (Đường K) để tổ chức chạy xe ban ngày, nhằm đối phó với máy bay AC- 130 của Mỹ; phủ sóng hệ thống thông tin; xây dựng tuyến đường ống xăng dầu Trường Sơn; xây dựng đề án mô hình tổ chức Sư đoàn và Trung đoàn vận chuyển đường dài, tạo ra một quả đấm mạnh cho toàn bộ chiến trường... Những đóng góp đặc biệt và hết sức đặc biệt của tướng Đồng Sỹ Nguyên đã làm cho Trường Sơn trở thành huyền thoại.
Nhớ mãi vị tướng Đồng Sỹ Nguyên
Đại tá, nhà báo Trần Thế Tuyển – Nguyên TBT Báo Sài Gòn Giải Phóng chia sẻ tại chương trình
Không chỉ là nhà chiến lược, một người cầm quân thao lược mà tướng Đồng Sỹ Nguyên còn được biết đến là người hết lòng yêu thương, gần gũi và chia sẽ khó khăn, gian khổ cùng cán bộ, chiến sĩ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc ta.
Đại tá, nhà báo Trần Thế Tuyển – Nguyên TBT Báo Sài Gòn Giải Phóng cho biết, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước chưa kết thúc, tướng Đồng Sỹ Nguyên đã nghĩ đến việc xây một đền thờ liệt sĩ Trường Sơn ở Bến Tắt, nơi đây hiện nay đang lưu giữ hài cốt, danh tính của trên 10.000 liệt sĩ.
“Đây là tầm nhìn, vì sự đau thương mà dân tộc ta phải chịu để đổi lấy độc lập, tự do mà ông muốn tri ân những người con đã hy sinh vì Tổ quốc… tạo cảm hứng cho chúng ta sau này xây dựng nghĩa trang liệt sĩ với tầm cỡ, quy mô như thế để tôn vinh những người hy sinh vì đất nước”, Đại tá, nhà báo Trần Thế Tuyển nói.
Đông đảo hội viện Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh tham dự chương trình
Và “Nghĩa tình Trường Sơn” do Báo Sài Gòn Giải Phóng khởi xướng đã góp phần hiện thực hoá mong muốn của các vị tướng. Về sau, chương trình lan toả rộng rãi và nhận được sự hưởng ứng của xã hội. Đến nay, “Nghĩa tình Trường Sơn” đã làm nên những dấu mốc ấn tượng, tiêu biểu là các đền thờ ở Bến phà Long Đại (Quảng Bình), Bến Tắt (Quảng Trị), Ngã ba biên giới thuộc xã Bờ Y, tỉnh Kon Tum…
Hiện tại, trên cương vị Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP.HCM, Đại tá, nhà báo Trần Thế Tuyển vẫn tiếp tục thực hiện những công việc nghĩa tình để làm tròn trách nhiệm giữa những người đang sống với những người đã khuất.
Còn đối với đồng chí Nguyễn Thị Bình - Uỷ viên Ban Thường vụ Ban LLTT Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh TP.HCM, bà vẫn nhớ rõ kỷ niệm khi gặp tướng Đồng Sỹ Nguyên. “Khi vào, Bác rất ân cần và bao giờ cũng hỏi “các đồng chí có nhớ nhà không”, hồi đó tôi rất ngây thơ nên trả lời “dạ, chúng cháu có nhớ nhà”, khi đó Bác nói Thủ trưởng là phải xưng tôi, không phải xưng cháu, kỷ niệm đó làm tôi nhớ mãi”, đồng chí Nguyễn Thị Bình nói.
Hay với đồng chí Bùi Thị Sơn – Phó Chủ tịch Ban LL Nữ chiến sĩ Trường Sơn TP.HCM, Trường Sơn là nơi đã thấm máu xương đồng đội của bà, là những kỷ niệm không bao giờ quên. “Năm đó, máy bay giặc Mỹ đánh vào Trung đoàn, cộng đồng chết rất nhiều, đường ống xăng dầu bị bể, xác đồng đội bay tứ tung, chôn vùi trong đất đá. Khi bom đạn dừng, chúng tôi đi nhặt xác đồng đội, điều đáng buồn và đau đớn tột cùng khi bạn tôi không còn nguyên vẹn, mỗi xác không còn đủ 5kg xương thịt…
Thiếu tướng Phan Khắc Hy – Nguyên Phó Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn
Trước những hy sinh, mất mát đó, tướng Đồng Sỹ Nguyên đã gửi những món quà động viên, khích lệ chị em, tuy những món quà rất nhỏ bé nhưng thấm đượm tình người, tình quê hương, đó là những phần quà bồ kết để chị em gội, tẩy rửa những phần bom đạn của ngày hôm trước.
“Hôm qua chúng tôi khóc vì đồng đội rất nhiều thì hôm nay khóc vì nhận được quà từ tay Trung tướng. Chúng tôi nhận quà từ tay Trung tướng giống như nhận mệnh lệnh, truyền lửa đến cho chị em chúng tôi để hoàn thành nhiệm vụ, những hình ảnh này đến với tôi như là dấu ấn thăm thẳm trong cuộc đời… ông là vị tướng của tình người, vị tướng của huyền thoại Trường Sơn”, đồng chí Bùi Thị Sơn nhớ lại.
Những giọt nước mắt, cảm xúc vỡ òa khiến buổi giao lưu thêm phần ý nghĩa. Qua đây, thế hệ trẻ có cơ hội hiểu hơn về Trường Sơn và những đóng góp đặc biệt của Trung Tướng, Tư Lệnh Đồng Sỹ Nguyên cùng những hy sinh, mất mát của bộ đội Trường Sơn trong kháng chiến.
Hình ảnh của tướng Đồng Sỹ Nguyên được hội viên Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh khắc hoạ qua mấy câu thơ:
“Cuộc đời từng trải thật gian lao
Tư lệnh Trường Sơn thật tự hào
Trí rộng xông lên không ngại bước
Tâm dày lướt tới mặc non cao…”