Chủ tịch ĐHĐLHQ Ashe bày tỏ và chia sẻ quan ngại của cộng đồng quốc tế về tình hình tại Biển Đông, ủng hộ chủ trương của Việt Nam nhằm tìm kiếm các biện pháp hòa bình để giải quyết căng thẳng hiện nay theo Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế.
Mưu đồ đánh tráo khái niệm pháp lý quốc tế
Hôm 9/6, Vương Dân, Phó đại diện thường trực Trung Quốc tại Liên hợp quốc (LHQ) đã gửi thư vu cáo Việt Nam trong vụ giàn khoan HD 981 và tranh thủ ngụy biện về cái gọi là "chủ quyền đối với quần đảo Tây Sa", tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà họ đã xâm lược năm 1956, 1974.
Zachary Keck, biên tập viên tạp chí The Diplomat ngày 10/6 bình luận, thoạt nhìn quyết định của Trung Quốc đưa vấn đề (vu cáo Việt Nam) ra LHQ khá khó hiểu, bởi lâu nay Bắc Kinh vẫn "phản đối quốc tế hóa vấn đề Biển Đông" tại các diễn đàn khu vực như Đối thoại Shangri-la hay hội nghị ASEAN, từ chối tham dự phiên tòa kiện “đường lưỡi bò”, nhưng giờ lại giở giọng "quốc tế hóa" vụ giàn khoan HD 981. Lý do Trung Quốc muốn "quốc tế hóa" vụ giàn khoan HD 981 thực chất là muốn biến vụ việc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam thành "tranh chấp lãnh thổ" với quần đảo Hoàng Sa, mà tranh chấp lãnh thổ thì không tòa án nào thụ lý trừ phi cả 2 bên thống nhất ra tòa, trong khi Trung Quốc đang chiếm đóng bất hợp pháp Hoàng Sa và không bao giờ thừa nhận tranh chấp.
Tranh chấp lãnh thổ nằm ngoài phạm vi của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS). Nhưng bản chất vụ giàn khoan 981 lại là vụ vi phạm trắng trợn UNCLOS mà Trung Quốc đang cố tình giăng bẫy Việt Nam. Nỗ lực của Việt Nam ngăn chặn Bắc Kinh hạ đặt bất hợp pháp giàn khoan HD 981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam đã bị Bắc Kinh bóp méo thành "tranh chấp chủ quyền quần đảo Hoàng Sa". Đây là một hành vi đánh tráo khái niệm pháp lý quốc tế.
Đại sứ Lê Hoài Trung, Trưởng Phái đoàn Đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc
Zachary Keck bình luận, Việt Nam khởi kiện Trung Quốc theo UNCLOS sẽ nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ Nhật Bản, Úc, Hoa Kỳ và rất nhiều nước khác. Chính vì vậy, Trung Quốc đã chủ động lu loa và đưa ra "tuyên bố chủ quyền" với Hoàng Sa ra LHQ, một thủ đoạn cố gắng ngăn cản Việt Nam khởi kiện, tách vụ giàn khoan HD 981 vi phạm trắng trợn UNCLOS khỏi phạm vi của UNCLOS.
Sở dĩ Bắc Kinh có động thái này là vì lo ngại Việt Nam và các nước trong khu vực làm đơn kiện các tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc ra tòa án quốc tế. Theo bài báo, việc Trung Quốc quyết định đệ trình “bản tuyên cáo lập trường” ra LHQ cho thấy Bắc Kinh ngày càng quan ngại bị Việt Nam và các quốc gia láng giềng trong khu vực kiện ra tòa án quốc tế, dùng luật pháp quốc tế để phản đối những tuyên bố chủ quyền phi lý “đường lưỡi bò” của Trung Quốc, nuốt trọn gần cả Biển Đông.
Tuy nhiên, theo The Diplomat, Trung Quốc đang chơi một ván bài nguy hiểm bởi vì không có luật pháp quốc tế nào công nhận “đường lưỡi bò” phi lý của Trung Quốc.
Theo Đài Tiếng nói nước Nga, học giả Nga Dmitry Mosyakov, Giám đốc Trung tâm Đông Nam Á, Viện Nghiên cứu phương Đông, Viện Hàn lâm khoa học Nga, nhận xét: Công hàm phản đối Việt Nam của Trung Quốc sẽ gây những phản ứng chống Trung Quốc trong các nước thành viên LHQ. Tuy thấy trước điều này, nhưng Bắc Kinh vẫn hy vọng đạt được mục tiêu khác.
Đài Tiếng nói Hoa Kỳ ngày 9/6 dẫn phát biểu của Giáo sư Carl Thayer: Các phát biểu vu khống của phía Trung Quốc là cách thức điển hình mà Bắc Kinh thường sử dụng để lật ngược sự thật.
Về thông cáo ngày 9/6 của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Giáo sư Thayer cũng cho rằng Bắc kinh đã cho thấy rõ sự mâu thuẫn của mình khi một mặt tuyên bố các giải pháp cho tình hình căng thẳng hiện nay trên Biển Động là cần dựa theo luật pháp quốc tế, trong khi mặt khác lại đồng thời khẳng định sẽ không lùi bước và không áp dụng bất cử giải pháp nào được nêu ra.
Liên hợp quốc ủng hộ chủ trương của Việt Nam
Thao hãng tin NHK của Nhật Bản, phát ngôn viên LHQ Stephane Dujarric ngày 10/6 cho hay, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon sẵn sàng làm trung gian hòa giải nếu các bên có liên quan yêu cầu,.
Cũng theo nguồn tin trên, ông Dujarric nói rằng Tổng thư ký LHQ bày tỏ hi vọng rằng cuộc tranh chấp sẽ được giải quyết hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế. Hãng tin BBC ngày 11/6 cũng dẫn lời người phát ngôn Dujarric kêu gọi hai bên giải quyết tranh chấp một cách hòa bình và tuân thủ luật pháp.
Trước đó, vào 6/6, tại trụ sở chính của LHQ ở thành phố New York, Mỹ, Đại sứ Lê Hoài Trung, Trưởng Phái đoàn Đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ, đã lần thứ 3 gửi thư lên Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon kèm theo Công hàm của Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi Bộ Ngoại giao Trung Quốc, phản đối việc Trung Quốc tiếp tục duy trì giàn khoan HD 981và các tàu hộ tống trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Đại sứ Lê Hoài Trung đã đề nghị Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon cho lưu hành Công hàm trên như một tài liệu chính thức của Khóa 68 Đại hội đồng LHQ, gửi đến tất cả các nước thành viên LHQ, tương tự như 2 Công hàm trước đó của Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cực lực phản đối hành động ngang ngược kể trên của phía Trung Quốc.
Ngày 10/6/2014, tại trụ sở LHQ, Đại sứ Lê Hoài Trung đã gặp Ngài John Ashe, Chủ tịch Đại Hội đồng LHQ (Khóa 68) để tiếp tục trao đổi về việc Trung Quốc từ ngày 1/5/2014 hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở Biển Đông.
Tại cuộc gặp, Đại sứ Lê Hoài Trung đã nêu rõ từ khi hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981, Trung Quốc sử dụng nhiều tàu và phương tiện, kể cả tàu quân sự, nhằm ngăn cản các cơ quan Việt Nam thực thi pháp luật tại vùng biển của Việt Nam, thậm chí còn chủ động đâm húc, sử dụng vòi rồng tấn công tàu thực thi pháp luật và tàu cá của Việt Nam, gây thương tích cho một số cán bộ kiểm ngư và mới đây nhất còn đâm chìm một tàu cá của Việt Nam đang hoạt động tại ngư trường truyền thống.
Chủ tịch Đại Hội đồng LHQ Ashe bày tỏ và chia sẻ quan ngại của cộng đồng quốc tế về tình hình đang diễn ra tại Biển Đông, ủng hộ chủ trương của Việt Nam nhằm tìm kiếm các biện pháp hòa bình để giải quyết căng thẳng hiện nay theo Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế.
Ngày 10/6, trả lời phỏng vấn một số phóng viên báo chí quốc tế tại New York (Mỹ), Đại sứ Lê Hoài Trung nhấn mạnh những hành động đang diễn ra tại Biển Đông là "vấn đề nghiêm trọng" và khẳng định Việt Nam kiên quyết yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan và hơn 100 tàu ra khỏi thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam để thiết lập môi trường đàm phán. Đại sứ Lê Hoài Trung cho biết tới nay Bắc Kinh vẫn từ chối đối thoại và luôn khăng khăng một cách vô lý rằng vùng nước xung quanh giàn khoan thuộc chủ quyền của Trung Quốc và không tồn tại tranh chấp. Việc từ chối thảo luận về tranh chấp của Bắc Kinh là "khiêu khích" và tạo ra "những quan ngại nghiêm trọng".
Trước câu hỏi về những cáo buộc của Trung Quốc rằng các tàu Việt Nam đã cố ý quấy nhiễu và đâm tàu Trung Quốc, Đại sứ Lê Hoài Trung nhấn mạnh rằng khu vực mà Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương - 981 nằm hoàn toàn trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Việt Nam chỉ điều các tàu dân sự tới khu vưc để thực thi pháp luật, nhưng phía Trung Quốc đã điều cả tàu chiến tới khu vực này.
Việt Nam đã công khai mời các phóng viên quốc tế ra thực địa để tận mắt chứng kiến những gì đã xảy ra, thậm chí Việt Nam cũng đã lên tiếng mời các phóng viên Trung Quốc tới hiện trường. Những hình ảnh mà các phóng viên Việt Nam và quốc tế đã công bố như hình ảnh tàu Trung Quốc ngang ngược tấn công bằng vòi rồng hay cố ý đâm chìm tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam, đã cho thấy sự thật.
Đại sứ Lê Hoài Trung nhấn mạnh Việt Nam có đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với khu vực Trung Quốc hạ đặt giàn khoan. Việt Nam không phải là nước khiêu khích trong căng thẳng hiện nay. Việt Nam muốn giải quyết vấn đề bằng con đường hòa bình, thông qua đối thoại, đàm phán. Việt Nam đã trải qua nhiều thập kỷ chiến tranh nên người dân Việt Nam luôn mong muốn hòa bình. Đại sứ cũng khẳng định cho tới nay, Việt Nam đã hết sức kiềm chế.