Trung Quốc sẽ "cứu" hay bỏ mặc Triều Tiên?

Hà Kim| 13/09/2017 15:48
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Liên Hợp Quốc vừa thông qua nghị quyết trừng phạt Triều Tiên với một loạt chế tài mới cứng rắn. Lệnh trừng phạt này cũng sẽ khiến đồng minh lớn duy nhất của Bình Nhưỡng là Trung Quốc phải hứng chịu hậu quả. Liệu Trung Quốc sẽ "cứu" hay bỏ mặc Triều Tiên?

Hội đồng Bảo an ngày 11/9 nhất trí thông qua lệnh trừng phạt Triều Tiên do Mỹ đề xuất, đáp trả việc Bình Nhưỡng thử hạt nhân lần 6 hôm 3/9. Lệnh trừng phạt cấm Triều Tiên xuất khẩu hàng may mặc, hạn chế nhập khẩu các sản phẩm từ dầu mỏ, khí thiên nhiên hóa lỏng và ngưng tụ, hạn chế thuê lao động Triều Tiên tại nước ngoài, yêu cầu các nước thuê lao động Triều Tiên thông báo ngày hết hạn hợp đồng hiện có.

Lệnh trừng phạt mới vào Bình Nhưỡng khiến các quan chức Trung Quốc lo ngại gây mất ổn định tại Triều Tiên. Nga cũng bày tỏ sự lo ngại về việc thúc đẩy lệnh trừng phạt. Dù Trung Quốc và Nga đều ủng hộ nghị quyết áp đặt các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt hơn đối với Triều Tiên, nhưng các nhà ngoại giao tin rằng, Bắc Kinh và Moscow vẫn cảm thấy không hài lòng.

Các nguồn tin ngoại giao còn tiết lộ, Bắc Kinh và Moscow đã phản đối tất cả các biện pháp cấm vận trên, ngoại trừ lệnh cấm xuất khẩu hàng dệt may, tại một cuộc họp giữa các đại diện của 15 nước thành viên Hội đồng Bảo an.

Trung Quốc sẽ

Lệnh trừng phạt mới vào Bình Nhưỡng khiến các quan chức Trung Quốc lo ngại gây mất ổn định tại Triều Tiên

Tổng thống Nga Vladimir Putin mới đây cũng lên tiếng cảnh báo rằng, các biện pháp trừng phạt mới sẽ không giúp thuyết phục nhà lãnh đạo Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân của mình.

Trong khí đó, các quan chức Trung Quốc bày tỏ lo ngại rằng lệnh cấm vận dầu mỏ sẽ châm ngòi một sự bất ổn lớn tại nước láng giềng. Thái độ của Bắc Kinh và Moscow đang được dò xét cẩn thận vì 2 nước này là đồng minh của Bình Nhưỡng.

Ông Artyom Lukin, một chuyên gia của Đại học Viễn Đông Nga nói rằng Bắc Kinh và Moscow có nhiều lợi ích chiến lược tại Triều Tiên và cả hai đều lo sợ sự sụp đổ của chế độ Bình Nhưỡng sẽ gây ra sự bất ổn lớn trên biên giới của họ.

Nga và Trung Quốc đều quan tâm đến sự tồn tại của Triều Tiên, đồng thời cảm thấy lo ngại về Tổng thống Mỹ Donald Trump. Bởi sự hiếu chiến của Trump có thể gây ra một cuộc chiến tranh thảm khốc trên bán đảo Triều Tiên, trong đó các nước láng giềng có thể hứng chịu những hậu quả kinh tế và môi trường khủng khiếp.

Theo các nhà phân tích, mặc dù Trung Quốc ủng hộ lệnh trừng phạt và nhiều lần yêu cầu Triều Tiên xem xét nghiêm túc sự kỳ vọng từ cộng đồng quốc tế và dừng chương trình hạt nhân. Nhưng có thể Trung Quốc sẽ không bỏ mặc Triều Tiên, đồng thời kêu gọi các bên nên giữ "cái đầu lạnh" để không làm gia tăng căng thẳng.

Ngày 12/9, Triều Tiên cũng đã ra tuyên bố bác bỏ nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn đối với Bình Nhưỡng, đồng thời tuyên bố Mỹ sẽ sớm đối mặt với "nỗi đau lớn nhất" mà nước này từng trải qua.

Đáp lại, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng các biện pháp trừng phạt mới mà Liên Hợp Quốc nhất trí áp đặt đối với Triều Tiên tuần này chỉ là “một bước nhỏ” và không gì có thể so sánh với những điều sẽ phải xảy ra khi đối phó với chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Khi được hỏi liệu ông Trump có đang xem xét các biện pháp trừng phạt khác hay không, như là việc cắt đứt liên hệ của các ngân hàng Trung Quốc với hệ thống tài chính Mỹ, người phát ngôn Nhà Trắng Sarah Sanders cho biết, tất cả các phương án vẫn đang ở trên bàn.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin ngày 12/9 cũng tuyên bố, Mỹ sẽ tìm kiếm các biện pháp trừng phạt tài chính mới chống Trung Quốc nếu nước này không tuân thủ các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc nhằm vào Triều Tiên.

Các nhà ngoại giao tiết lộ rằng, Mỹ yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tổ chức bỏ phiếu nhanh chóng nhằm gây áp lực tối đa lên Trung Quốc và phản ánh mối quan ngại ngày càng tăng của Washington về vụ thử hạt nhân lần thứ 6 của Triều Tiên vào cuối tuần trước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trung Quốc sẽ "cứu" hay bỏ mặc Triều Tiên?