Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết đang tiến hành các vụ thử nghiệm theo quy định một loại tên lửa tâm xa mới, PressTV đưa tin.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân
Thông tin trên được phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân xác nhận trong cuộc họp báo định kỳ hàng tháng tổ chức ngày hôm qua (31/12/2015).
Ông Dương nói: “Các cuộc thử nghiệm nghiên cứu khoa học trong phạm vi quốc gia được tiến hành theo đúng kế hoạch”, song không cung cấp thông tin chi tiết.
Trước đó một tuần, trang Washington Free Beacon đưa tin, các cơ quan tình báo Mỹ gần đây đã phát hiện một vụ thử nghiệm tên lửa đạn đạo DF-41 trên hệ thống ray do Bắc Kinh tiến hành.
Bài báo đánh giá vụ thử nghiệm này là một “bước tiến quan trọng” và có thể tăng cường khả năng di chuyển tên lửa trên các bệ phóng cơ động trên đường.
Nhiều nguồn tin cho rằng, những vụ thử nghiệm tên lửa mới của Trung Quốc nằm trong chương trình hiện đại hóa quân đội mà Chủ tịch Tập Cận Bình đã thông qua. Chương trình bao gồm việc phát triển máy bay do thám và chế tạo tàu sân bay.
Trung Quốc bắt đầu chương trình phát triển tên lửa DF-41 vào năm 1986, nhưng sau đó tạm dừng vào khoảng năm 2000. Đến năm 2009, dự án được tái khởi động, song mọi thông tin chi tiết về chương trình DF-41 cũng như sức mạnh của tên lửa vẫn nằm trong vòng bí mật.
Theo ông Mark Stokes, cựu chuyên gia quân sự của Lầu Năm Góc, DF-41 dự kiến sẽ là “tên lửa đạn đạo xuyên lục địa hiện đại nhất của quân đội Trung Quốc cho tới nay” sau khi dự án hoàn thành.
Tên lửa DF-41 của Trung Quốc "lộ diện" trong lễ diễu binh
Cũng trong buổi họp báo, ông Dương cho biết, Trung Quốc đang đóng tàu sân bay thứ hai hoàn toàn bằng công nghệ nội địa.
Tàu sân bay mới có lượng rẽ nước 50.000 tấn đang được đóng ở cảng Đại Liên. Nó sẽ được trang bị máy bay ném bom chiến đấu J-15 và các loại máy bay khác, ông Dương thông báo.
Theo ông Dương, ngày hạ thủy tàu sân bay thứ hai này phụ thuộc vào tiến trình đề ra trong dự án thiết kế và vẫn chưa ấn định lịch cụ thể. Ông cũng từ chối trả lời khi nào Trung Quốc sẽ đóng tàu sân bay thứ ba.
Bắc Kinh nhiều lần khẳng định kế hoạch cải tổ quân đội là “cần thiết để bảo vệ các nhu cầu an ninh chính đáng” của mình.
Giới quan sát cho rằng, hiện Bắc Kinh đang nỗ lực xây dựng lực lượng hải quân với năng lực tác chiến ở những vùng biển và đại dương xa xôi, và đang thực hiện một dự án với quy mô lớn nhằm hiện đại hóa quân đội đông nhất thế giới, với số lượng quân nhân lên tới 2 triệu người.
Tuy nhiên, Bắc Kinh tuyên bố việc mở rộng hải quân không gây ra mối đe dọa với các nước láng giềng, và tàu sân bay đầu tiên -mang tên Liêu Ninh, mua lại của Liên Xô, được đóng cách đây 25 năm - sẽ được sử dụng nhằm mục đích nghiên cứu khoa học.