Theo Tân Hoa xã, tối 8/7, Ủy ban Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) đã cấm các cổ đông lớn và quan chức điều hành cấp cao của các công ty niêm yết trên sàn chứng khoán bán cổ phần trong vòng 6 tháng tới.
Đây là biện pháp mới nhất của Bắc Kinh nhằm ngăn chặn "đà lao dốc không phanh" của thị trường chứng khoán nước này.
Theo CSRC, động thái trên nhằm "duy trì sự ổn định của thị trường vốn và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư”. Lệnh cấm được áp dụng đối với các cổ đông lớn – được xác định là những người sở hữu cổ phần trên 5% như các giám đốc và quan chức điều hành cấp cao của công ty. Bất cứ hành vi nào vi phạm quy định này sẽ bị xử lý "nghiêm khắc". Tuy nhiên, CSRC không nêu hình phạt cụ thể.
Các nhà đầu tư Trung Quốc vay nợ để mua cổ phiếu đã ồ ạt bán ra trong mấy tuần qua, khiến thị trường lao dốc mạnh - Ảnh: Reuters
Cùng ngày, nhà chức trách Trung Quốc cũng ra tuyên bố "khuyến khích" những cổ đông lớn và quan chức điều hành cấp cao của công ty tăng tỷ lệ cổ phần mà họ đóng góp. Các công ty bảo hiểm được phép đầu tư thêm tài sản trong các thị trường chứng khoán và triển khai chương trình mua cổ phiếu của các công ty nhỏ hơn. Trong khi đó, các công ty chứng khoán lớn, dưới sự khuyến khích của Chính phủ Trung Quốc, đã tích cực mua vào một lượng lớn cổ phiếu của các tập đoàn quốc doanh.
Trong một diễn biến liên quan, các cơ quan cảnh sát và an ninh Trung Quốc đã tiến hành một cuộc điều tra chung về hành vi "bán khống" trên các thị trường chứng khoán đang chao đảo của nước này, động thái cho thấy giới chức trách đang mạnh tay trấn áp những hoạt động vi phạm pháp luật và quy định.
Trước đó, suốt một tuần qua, Trung Quốc đã công bố nhiều biện pháp khác nhằm kìm hãm đà sụt giảm chóng vánh của thị trường chứng khoán.Tuy nhiên, các động thái này chỉ như những "hạt nước trên sa mạc". Theo các cơ quan truyền thông Trung Quốc, có tới 1.400 doanh nghiệp đã ngừng bán ra tại các thị trường chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến, chiếm 43% tổng số công ty niêm yết. Chốt phiên giao dịch ngày 8/7, chỉ số chứng khoán tiêu chuẩn Thượng Hải đã giảm tới 32% từ mức đỉnh điểm trong tháng trước. Đến phiên mở cửa ngày 9/7, chỉ số này tiếp tục giảm 2,13% ở mức 3.432,45 điểm.
Các tỷ phú Trung Quốc đang đau đầu chứng kiến tài sản của mình “bốc hơi” khi giá cổ phiếu hạng A (blue chip) của nước này sụt giảm lan sang các cổ phiếu của Trung Quốc Đại lục niêm yết trên thị trường chứng khoán Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) và Mỹ. Hai nhà tỷ phú hàng đầu Trung Quốc là Wang Jianlin, Chủ tịch của Wanda Group và Jack Ma Yun, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành của Alibaba Group Holdings, đã mất lần lượt 661 và 123 triệu USD trong ngày 7/7. Trong khi đó, Richard Liu Qiangdong, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của "gã khổng lồ" thương mại điện tử JD.com, cũng chứng kiến tài sản ròng sụt giảm 344 triệu USD, sau khi cổ phiếu của công ty giảm tới 4%.
Bộ phận quản lý tài sản Merrill Lynch của Tập đoàn Bank of America khuyến cáo tình trạng “rơi tự do” trên các thị trường chứng khoán Trung Quốc có thể là dấu hiệu về một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng hơn cuộc khủng hoảng tại Hy Lạp trong tương lai. Các nhà phân tích cho biết, cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Trung Quốc đã mất khoảng 30% giá trị kể từ giữa tháng 6/2015 đến nay. Một số nhà đầu tư toàn cầu lo ngại sự rối loạn thị trường chứng khoán của Trung Quốc gây bất ổn nền kinh tế, hiện đang trở thành một nguy cơ nghiêm trọng hơn cả cuộc khủng hoảng của khu vực đồng euro (eurozone).
Tại New Delhi dẫn phân tích của tờ “the Economic Times” của Ấn Độ đưa ra 5 nguyên nhân khiến thị trường chứng khoán Trung Quốc bị sức ép mạnh như vậy, trong đó có tốc độ tăng trưởng kinh tế đang chậm lại và sự hoang mang của giới đầu tư... Chính phủ Trung Quốc dự kiến công bố số liệu về GDP quý II/2015 vào ngày 15/7 tới. Nhiều chuyên gia kinh tế dự đoán tăng trưởng GDP quý này dưới 7%, mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Tại Nhật Bản, các mã cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Tokyo ngày 8/7 cũng đồng loạt giảm giá do ảnh hưởng từ tình hình Hy Lạp và tác động từ sự lao dốc của thị trường chứng khoán Thượng Hải. Theo ông Ichikawa, chuyên gia quản lý tài sản của tập đoàn tài chính Mitsuisumitomo, tổn thất của các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ ảnh hưởng xấu tới vấn đề tiêu dùng. Hệ quả của nó là hàng hóa của Nhật Bản xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ suy giảm.